Người Việt ở Châu Âu căng mình né dịch Covid-19

Vĩnh Nguyên Thứ năm, ngày 19/03/2020 15:40 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 ở Châu Âu đang cao điểm, người Việt ở Châu Âu rất nhiều lo lắng khi những con số người ốm tăng lên vùn vụt hàng ngày, cách tiếp cận phòng dịch khác biệt giữa Châu Âu với ở Việt Nam. Cố gắng giữ bình tĩnh để đối đầu với dịch, họ đang có chung một mong muốn bình yên.
Bình luận 0

Bạn Đỗ Quỳnh Anh – sinh viên cao học ngành marketing, Đại học Middlesex, London (Anh): Đau đầu chuyện về hay ở

Sinh viên Việt Nam ở Anh thì một số vẫn quyết ở lại như tôi đến lúc này. Nhưng thật sự đau đầu chuyện về hay ở. Đầu tiên vì các trường đại học Anh không cho nghỉ mà vẫn sẽ học bình thường, chỉ chuyển qua học online thôi, nên sẽ rất bất tiện để hoàn thành các bài tập nhóm nếu mình về nhà vì lệch múi giờ,  và cũng khó để liên lạc với giáo viên nếu mình đang viết luận.

Còn các bạn đang làm thực tập hoặc part time thì càng khó hơn vì công ty không nghỉ thì sao mình nghỉ được. Có bạn lại e ngại nếu về thì sẽ dễ lây trên máy bay, nên nghĩ là đang ở đâu thì ở nguyên đấy và tự cách ly bản thân. Tôi mới đầu cũng vì lý do trên mà quyết định ở lại mặc dù cách đây hơn một tuần mẹ tôi đã mua vé cho về. Mà về thì mọi thứ cũng dở dang từ nhà cửa đến việc học. Mẹ tôi đã hủy vé, nhưng vẫn rất lo và muốn tôi về.

Nhưng gần đây khi tình hình ở Anh thay đổi theo từng ngày do chính phủ áp dụng miễn dịch cộng đồng, thì nhiều bạn quyết về. Về trước khi Anh hoặc Việt Nam đóng cửa biên giới và trước khi hết chuyến bay

img

Tại một ga tàu ở London ngày 17.3, rất ít người đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters. 

Ở lại cũng khá sợ vì người thuê cùng nhà tôi là người Anh hoặc người Châu Âu, thái độ của họ với dịch hoàn toàn khác mình. Bạn người Anh cho rằng bệnh này không quá nghiêm trọng, chỉ ảnh hưởng đến người già nên sẽ không sao, bạn ý trẻ và khoẻ vì đang tập huấn làm cảnh sát. Bạn vẫn đi từ thành phố này đến thành phố khác và vẫn tụ tập bạn bè bìn thường

Còn bạn Châu Âu thì do đi làm và tự nuôi sống bản thân ở đây nên công ty không cho nghỉ thì không được nghỉ,  vì vẫn cần lương để sống. Nên dù tôi có tự cách lý đi nữa, thì ở nhà thuê chung thế này cũng khá lo lắng và phải lau chùi mọi thứ cẩn thận trước và sau khi dùng

Hiện tại tôi vẫn tự bảo vệ mình bằng nước rửa tay và khẩu trang, nhưng giờ khó mua nước rửa tay rồi. Nếu ra các siêu thị hoặc là ki ốt thì cũng đã hết sạch, giờ chỉ có xem các trang online thường xuyên, thấy là phải đặt luôn. Ở cửa hàng Trung Quốc cũng vẫn còn, nhưng giá khẩu trang y tế thường là 600.000 đồng Việt Nam 10 cái, chưa hạn chế số lượng mua, còn nước rửa tay cũng tăng tương đương khoảng 480.000, mỗi người chỉ được mua một chai.

Ở Anh bây giờ chính sách thay đổi từng ngày. Trước đây họ vẫn quyết theo đuổi miễn dịch cộng đồng vì không muốn thực hiện các biện pháp khắc nghiệt như Trung Quốc, gây ảnh hưởng quá nặng nề cho kinh tế do phải cách ly và hạn chế biên giới. Nhưng giờ chắc do tình hình tệ quá nên họ lại chuyển hướng.

Tôi vẫn đang phân vân chuyện về hay ở. Nếu ở lại mà ốm thì phải chống chọi một mình. Sẽ phải tự cách ly, không biết săp tới Anh có thay đổi chính sách không. Tôi có bảo hiểm y tế nhưng phải đi đăng ký GP – một dạng bác sĩ gia đình, mà GP đóng cửa ít nhất một tháng, người ta không muốn lây cho bác sĩ và y tá. Giờ họ chỉ làm việc qua mail. Mà kể cả tôi có đi GP chăng nữa thì nếu bị bệnh cũng không được đi viện, chỉ ở nhà tự cách ly. Cơ quan y tế quốc gia NHS có gửi hướng dẫn nói khi nào có dấu hiệu khó thở  hay triệu chứng xấu hơn thì gọi 111 người ta sẽ hỗ trợ. Họ nói sốt có thể uống paracetamol nhưng cũng không nói liều lượng bao nhiêu.

Tôi rất lo nhưng vẫn phải bình tĩnh để mẹ không lo lắng. Tôi còn phải thực tập ở đây nên sẽ phải thương lượng với sếp là về nước đợc không. Hiện giờ thì tôi đã trữ đồ ăn đủ cho một tuần.

Chị Nguyễn Thu Hà, làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong một trường đại học ở Vienna (Áo): Trông chờ vào “cuộc đua” vaccine chống Covid-19

Nước Áo đã ở trong tình trạng phong tỏa để chống Covid-19. Mọi người dân được khuyến cáo ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có 3 lý do: Phải đi làm khi công việc không thể trì hoãn, đi mua thực phẩm và thuốc men, hoặc khi cần giúp đỡ người khác. Được phép đi dạo ngắn quanh khu nhà mình ở nhưng chỉ khi thật cần thiết và chỉ được đi một mình hoặc với người sống cùng nhà. Hai người không sống cùng nhà không được phép đi cùng nhau. Đóng cửa các nơi công cộng như sân chơi cho trẻ em, hệ thống thể thao … Nếu không chấp hành đúng quy định sẽ bị phạt tiền khá nặng (theo các mức phạt 2180 và 3600 euro). Các chuyến bay của hãng hàng không Áo đã giảm đến mức tối thiểu để đưa công dân về nước, sau khi hoàn thành việc này thì các chuyến bay về từ các vùng dịch nguy hiểm khác sẽ dừng hẳn. 

Con virus như con ngáo ộp, lấy mất sự tự do tối thiểu của cuộc sống. 'Tự do' được đi ra đường, 'tự do' đi đâu và làm gì mình muốn, 'tự do' gặp gỡ bạn bè, 'tự do' đi làm mà không còn nỗi lo lắng sợ hãi hiện hữu – tất cả đang là điều 'xa xỉ'. Cuộc sống lúc trước bao nhiêu mối quan tâm thì bây giờ dường như chẳng còn gì quá quan trọng, chỉ đổ dồn về con virus tàng hình quái quỉ. Nó đang làm tê liệt nhiều phần của thế giới. Cuộc sống bỗng nhiên bị đảo ngược, bây giờ chỉ có mong ước bình dị là được trở lại cuộc sống bình thường như trước. Rất may là nhiều người Việt bạn bè tôi ở đây đều bình tĩnh, tin vào các quyết định của Chính phủ Áo.

Các nước bây giờ đều đang tập trung dập và chống dịch. Dập và chống thành công mà chưa phòng được thì nó sẽ quay lại. Chỉ khi nào có thuốc thì mới thắng được nó. Làm công việc nghiên cứu nên tôi rất quan tâm đến “cuộc đua” để tìm ra thuốc và vaccine giữa các phòng thí nghiệm và giữa các công ty dược lớn. Giới khoa học Trung Quốc, Châu Âu, Đức, Mỹ… đều đã có những công bố nghiên cứu đầu tiên, song tất cả đều đang trong vòng thử nghiệm, và có thể sẽ còn mất nhiều tháng. Nhưng dù sao, hãy tin vào khoa học, đó là một phần quan trọng để thúc đẩy sự tiến triển của đời sống này trở nên tốt đẹp hơn và cho chúng ta thêm hy vọng vào những ngày bình an sẽ đến.

Chắc còn nhiều thông tin hấp dẫn trên 'chặng đua' này vẫn đang nằm trong vòng bí mật. Hy vọng lớn nhất lúc này của tôi, chắc cũng giống như tất cả mọi người, là mong Việt Nam, Ý, Áo, các nước châu Âu và cả thế giới sớm dập được dịch. Hy vọng cuộc sống sớm trở lại bình thường! Hy vọng 'cuộc đua' vaccine sớm có kết quả để trị con virus quái quỉ này không quay lại vào mùa sau!

Chị Nguyễn Thị Chi – sống tại Paris, Pháp: Người Pháp không thực sự tin vào việc đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách

Cuối cùng thì nước Pháp cũng  thực hiện phong tỏa nghiêm khắc từ trưa 17.3. Từ cuối tuần trước ông Macron đã ra lệnh đóng cửa rạp chiếu phim, rạp hát, thư viện, quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại, bảo tàng… tất cả những dịch vụ không thực sự cần thiết, trừ siêu thị và cửa hàng thực phẩm. Thủ tướng cũng yêu cầu ai ở nhà đó, không đi gặp gỡ, thăm hỏi, không cafe tán gẫu… Nghĩa là thói quen văn hoá hội hè của người dân phải gác lại. Công sở hoạt động cầm chừng, khuyến khích làm việc tại nhà.

img

Xếp hàng ở Pháp lúc này phải giữ khoảng cách lớn. Ảnh: AFP.

Thế nhưng dân Pháp vẫn hoang mang không hiểu tại sao chính phủ vẫn quyết định không dời ngày bầu cử địa phương 15/3. Kết quả là tối cùng ngày có khoảng 56% cử tri vắng mặt, cao hơn 20% so với kì bầu cử năm 2014.  Sáng hôm đó, vào lúc cao điểm của bỏ phiếu (khoảng 11-13h), điểm bỏ phiếu Anatole France của thành phố Issy – les- Moulineaux, ngoại ô sát Paris, chỉ lác đác vài cử tri. Có người còn thận trọng đứng ở cửa xem phía trong có đông không mới vào bỏ phiếu.

Chắc thế nên nhà hát bảo tàng đóng cửa, thì tôi thấy dường như giới trẻ Paris chỉ biết đến một ngày Chủ nhật mùa xuân đẹp trời, nắng ấm áp. Hai bờ sông Seine, bờ kênh Villette, đồi Montmartre kín người nằm ngồi sưởi nắng, như không hề có đe doạ  dịch bệnh.

Ngày trước phong tỏa đường phố khá đông người, mọi người đổ ra đường mua bán và giải quyết công việc trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Các hiệu thuốc cũng xếp hàng dài mấy hôm nay, vitamin và thuốc hạ sốt khan hiếm, tôi đi mua từ trước mà không được. Các siêu thị xếp hàng dài, tôi đi 4 siêu thị quanh nhà định mua hoa quả cho con mà đông quá phải về. Từ hôm cuối tuần tôi đã thấy siêu thị chật kín người với những xe hàng đầy ắp, các gian đồ hộp, đồ khô, mì, thực phẩm, giấy vệ sinh… trống trơn. Đa phần khách hàng thú nhận họ mua trữ phòng dịch. Khi thanh toán thu ngân yêu cầu khách hàng đứng cách xa 1m, điều không quy định trước đây.

Người châu Á nói chung và người Việt nói riêng rất ý thức về nguy cơ của dịch nên ra đường thường đeo khẩu trang và rất e dè, lo lắng, trong khi trước lệnh phong tỏa, người bản địa vẫn sử dụng phương tiện giao thông công cộng mật độ cao, đến những nơi đông người mà không hề có khẩu trang hay hạn chế khoảng cách. Giống ở siêu thị, đứng cách 1m để thanh toán, mọi người chỉ miễn cưỡng thực hiện vì quy định phải thế nhưng không thực sự tin nó có ý nghĩa như thế nào. Giờ thì mọi chuyện là kỷ luật. Các công sở đã nghỉ. Người dân ra ngoài có thể bị cảnh sát kiểm tra lý do. Chỉ mong kỷ luật sẽ giúp nước Pháp kiểm soát được dịch. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem