“Gặp gỡ Việt Nam” - cơ hội và động lực thúc đẩy khoa học Việt Nam

Hoàng Anh Thứ ba, ngày 05/07/2016 15:08 PM (GMT+7)
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII là một trong những hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam được thực hiện từ năm 2013 (hội là thành viên chính thức của UNESCO) nhằm mục đích tham gia chương trình phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và giáo dục quốc gia...
Bình luận 0

Nhà nước luôn quan tâm đến nghiên cứu khoa học

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết,  Hội Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân thành lập từ năm 1996. Sau 20 năm hoạt động, Hội đã thành công trong việc thiết lập một mạng lưới kết nối các nhà khoa học quốc tế với cộng đồng khoa học trong nước. Hội đã mời nhiều nhà khoa học có danh tiếng trên thế giới, các giáo sư đoạt giải Nobel, các nhà khoa học tâm huyết với Việt Nam đến dự các hội nghị khoa học, dạy các lớp học chuyên đề..., giúp các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp thu những tri thức mới nhất và ngày càng hội nhập với khoa học thế giới.

img

Giáo sư George Smoot (đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006) đến Bình Định tham dự “Gặp gỡ Việt Nam 2015”.   ảnh:    V.N.P

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh chia sẻ, Bộ KHCN đánh giá rất cao vai trò của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc- hai GS đã vô cùng tâm huyết với nền khoa học Việt Nam. Các GS là những người thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, hàng năm tổ chức sự kiện này, mang các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam. Từ đó, làm cho họ yêu mến con người và đất nước Việt Nam và cùng với 2 giáo sư dành thời gian và tâm huyết để giúp cộng đồng khoa học của Việt Nam thông qua trao đổi chuyên môn với các nhà khoa học Việt Nam, cấp học bổng cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, và quan trọng hơn cả là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về lòng yêu khoa học, mơ ước đạt tới những đỉnh cao của trí tuệ.

   Đối với các lĩnh vực Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất, Khoa học Biển, việc xây dựng Chương trình phát triển các lĩnh vực này được giao cho Bộ KHCN chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016.

Việt Nam là nước đang phát triển nên Nhà nước luôn có sự quan tâm thích đáng và dành nguồn lực cho khoa học cơ bản. Trong giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình phát triển khoa học cơ bản, đó là Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Chương trình phát triển Vật lý đến 2020.

Một trong các giải pháp của Chương trình phát triển Vật lý là “Khuyến khích các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ngành vật lý”. Vì thế việc Bộ KHCN và Hội Gặp gỡ Việt Nam đồng tổ chức các hội nghị khoa học và các lớp học chuyên đề sẽ làm hoạt động KHCN trong nước thêm sôi động, tạo thêm nhiều cơ hội trao đổi chuyên môn trong cộng đồng khoa học và tạo thêm nhiều cơ hội cho các nghiên cứu sinh, sinh viên tiếp cận nền khoa học thế giới ở trình độ cao.

Khẳng định vai trò của khoa học cơ bản

   Giáo sư Ngô Bảo Châu và 6 giáo sư đoạt giải Nobel sẽ tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” 2016 - được tổ chức từ  7-8.7, tại Trung tâm Khoa học và giáo dục liên ngành (Quy Nhơn, Bình Định). Sự kiện dự kiến thu hút 250 đại biểu, gồm các nhà khoa học quốc tế, trong nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Bình Định...

Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của khoa học cơ bản, Nhà nước Việt Nam đã đầu tư cho khoa học cơ bản từ những năm 1990. Năm 2008, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia ra đời với chức năng hỗ trợ cho khoa học cơ bản. Quỹ đã thành lập 7 Hội đồng khoa học chuyên ngành để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản cho các lĩnh vực nêu trên. Quỹ đã hỗ trợ các hoạt động của lĩnh vực khoa học cơ bản như hỗ trợ các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ cán bộ trẻ đi dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế ở Việt Nam. Sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia đã làm gia tăng đáng kể các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (ISI), đóng góp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

Tháng 3.2013 Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20–NQ/TW, xác định nhiệm vụ cụ thể trong nội dung triển khai các định hướng, nhiệm vụ KHCN chủ yếu và phát huy, tăng cường tiềm lực KHCN quốc gia là Đề án “Xây dựng các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất, Khoa học Biển”. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chiến lược Phát triển KHCN đến 2020 (Quyết định 418/QĐ-TTg ngày 11.4.2012), xác định “Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế. Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020. Triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020”.../.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem