Lý do khiến Mỹ “lạnh gáy” với Iskander của Nga

Chủ nhật, ngày 21/09/2014 15:00 PM (GMT+7)
Tàng hình, khả năng bay lượn như chim, độ chính xác cao và gần như không thể đánh chặn là những lý do khiến Mỹ khiếp sợ tên lửa đạn đạo Iskander.
Bình luận 0
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc triển khai tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật 9K720 Iskander-M đến Kaliningrad nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại Đông Âu. Mặc dù việc điều Iskander đã nhiều lần được nhắc đến như một tùy chọn nhưng đây là lần đầu tiên sự có mặt của tên lửa này tại Kaliningrad được xác nhận một cách chính thức.

Ngay khi việc triển khai Iskander được phía Nga xác nhận, Mỹ và một số nước phương Tây đã lập tức bày tỏ sự quan ngại của mình đối với sự có mặt của Iskander tại sát nách NATO. Điều gì khiến Mỹ và một số nước NATO tỏ ra “sợ hãi” khi hay tin tên lửa Iskander được triển khai sát nách của họ?

img

Bệ phóng tự hành hệ thống Iskander có thể chứa 2 đạn tên lửa tầm ngắn.

9K720 Iskander (NATO định danh SS-26 Stone) là một loại tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật di động. Nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao nhằm vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của đối phương.

Với mục tiêu như vậy nên các nhà thiết kế Nga đã trang bị cho nó những công nghệ tiên tiến nhất của Nga cũng như của thế giới. Iskander được trang bị động cơ nhiên liệu rắn 2 giai đoạn. Động cơ được trang bị khả năng kiểm soát vector lực đẩy giúp tên lửa cơ động hơn.

Động cơ mới cho phép tên lửa đạt tốc độ đến Mach 7(khoảng 7.700km/h). Các hệ thống đánh chặn tiên tiến hiện nay trên thế giới gần như bất lực với các tên lửa có tốc độ siêu thanh. Không dừng lại ở đó, điểm tạo nên sự đáng sợ nữa của Iskander chính là quỹ đạo bay không thể xác định trước của nó.

img

Iskander-M trang bị một tầng động cơ đẩy nhiên liệu rắn.

Iskander có thể “bay lượn như chim” để tránh các hệ thống phòng thủ của đối phương, bản thân Iskander là một tên lửa “bán đạn đạo” nó chỉ hoạt động ở độ cao tối đa 50km cách mặt đất. Các tên lửa đạn đạo đều có quỹ đạo bay hình vòng cung nên khi tên lửa lên đến độ cao nhất định quỹ đạo bay của nó có thể bị đọc bởi các radar phòng thủ tên lửa.

Nhưng với Iskander do quỹ đạo bay của tên lửa khá bằng phẳng cùng khả năng cơ động nên việc đọc quỹ đạo bay của nó trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Một khi không thể đọc được quỹ đạo bay của tên lửa thì việc đánh chặn là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Một tính năng “đỉnh” khác của Iskander là khả năng tàng hình, khi đến gần khu vực mục tiêu, Iskander tung một loạt các mồi bẫy điện tử đánh lừa hệ thống đánh chặn của đối phương. Trong khi radar của đối phương đang loay hoay với mớ hỗn độn các loại mồi bẫy điện tử thì Iskander đã áp sát, việc đánh chặn lúc này gần như vô nghĩa.

img

Iskander-M trang bị công nghệ dẫn đường tinh vi, rất khó đánh chặn nó.

Công nghệ dẫn hướng cũng chính là điều góp thêm sức mạnh cực đỉnh cho Iskander. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa tên lửa được cập nhật thông số về mục tiêu bằng vệ tinh và giai đoạn cuối tên lửa sử dụng đầu đạn có hệ thống quang học để tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu ( tuy nhiên chỉ có biến thể sử dụng cho Quân đội Nga mới được trang bị loại đầu đạn quang học).

Đầu đạn quang học của Iskander có thể được điều khiển bằng sóng radio mã hóa từ các máy bay chỉ huy và kiểm soát trên không hay UAV. Một khi hình ảnh về khu vực mục tiêu được đầu đạn quang học ghi nhận và khóa vào hệ thống điều khiển của nó thì mục tiêu coi như “cá nằm trên thớt”.

Việc xác nhận mục tiêu được thực hiện bằng các bức ảnh chụp không ảnh quét vào hệ thống điều khiển hay chỉ thị từ các lính trinh sát pháo binh, hoạt động tình báo. Iskander có thể tái nhắm mục tiêu trong quá trình bay đến mục tiêu để truy theo các mục tiêu di động.

Trang bị những công nghệ dẫn hướng tinh vi đó giúp Iskander có thể tấn công mục tiêu với bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ 5-7m. Với đầu đạn nặng 480kg thì không mục tiêu nào có thể thoát khỏi sự công phá của nó.

img

Một tên lửa đã khó đánh chặn, nếu Nga phóng hàng loạt Iskander-M thì đó thực sự là "cơn ác mộng" với lưới phòng thủ của NATO.

Iskander đang được sản xuất với 2 biến thể gồm: Iskander-M sử dụng cho Quân đội Nga với tầm bắn tối đa 500km, Iskander-E dành cho xuất khẩu với tầm bắn 280km và không có đầu đạn quang học.

Tên lửa Iskander bố trí ở Kaliningrad có thể kiểm soát toàn bộ biển Baltic và phần lớn lãnh thổ Ba Lan nơi Mỹ định đặt cơ sở phòng thủ tên lửa của mình. Những tính năng kỹ chiến thuật cực đỉnh của Iskander chính là lý do khiến Mỹ lo sốt vó khi hay tin nó được triển khai sát nách NATO.

Iskander là một vũ khí mang tầm chiến lược có thể làm thay đổi cán cân quân sự nơi nào nó được triển khai. Mặc dù Nga hiện nay không còn là một nửa của thế giới như thời Liên Xô nhưng trong tay họ lúc nào cũng có những vũ khí đủ để làm thay đổi mọi tính toán của Mỹ và NATO.

(Theo Kiến thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem