Nhật bán vũ khí cho khu vực Đông Nam Á, ai lo?

Thứ ba, ngày 19/08/2014 08:55 AM (GMT+7)
Tokyo đang có kế hoạch tiếp xúc với các nước thuộc khối ASEAN vào tháng 9.2014 nhằm xúc tiến việc xuất khẩu vũ khí tới khu vực này.
Bình luận 0

img

Hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 triển khai tại Tokyo.

Nhật Bản bắt đầu vào cuộc

Đài NHK của Nhật Bản cho hay Tokyo vừa lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo vào cuối tháng 9 tới với các quan chức của ASEAN nhằm giới thiệu, quảng bá các trang thiết bị quốc phòng của mình, đồng thời xúc tiến việc xuất khẩu vũ khí của Nhật vào khu vực này.

Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN liên quan đến vấn đề xuất khẩu vũ khí, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định nới lỏng các hạn chế xuất khẩu mặt hàng này hồi 1.4 vừa qua.

Trong hội thảo này, Tokyo sẽ nhấn mạnh vào chủ đề "an ninh hàng hải". Chính phủ Nhật Bản sẽ giới thiệu về công nghệ vũ khí của nước này sẽ giúp ASEAN tăng cường thế nào về năng lực quốc phòng. Đồng thời, Tokyo cũng giải thích vì sao họ phải thay đổi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí duy trì gần nửa thế kỷ qua.

Động thái này cho thấy Tokyo chính thức tham gia vào thị trường vũ khí với khách hàng tiềm năng chính là khu vực Đông Nam Á. Những trang thiết bị quân sự mà Tokyo chuẩn bị giới thiệu cho ASEAN cũng thể hiện họ đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần xuất hiện đầu tiên trên thị trường vũ khí.

Ai lo?

Trong một thông báo phát đi từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản tháng 7.2014, quốc gia này khẳng định Đông Nam Á là thị trường tiềm năng của họ. Trong thông báo này, Nhật Bản cho biết khu vực trên đang rất cần những loại tàu chiến cỡ nhỏ, linh hoạt, cơ động, hỏa lực mạnh và có khả năng tác chiến thông minh, đảm bảo được tầm hoạt động trong vùng lãnh hải và đa nhiệm.

Lực lượng không quân - hải quân của Đông Nam Á cũng đang rất thiếu những nguồn cung vũ khí, và đại đa số họ phải tìm đến các tập đoàn vũ khí Nga hay châu Âu để giải quyết các vấn đề về không quân tác chiến biển. Trong khi đó, Nhật Bản có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng được những nhu cầu này, và ASEAN là thị trường tiềm năng nhất để Nhật Bản hướng tới khi tham gia xuất khẩu vũ khí.

Trong cuộc chất vấn trước Quốc hội nước này hồi tháng 6.2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera khẳng định Nhật Bản cam kết không bán vũ khí cho các quốc gia đang có chiến tranh, vũ khí Nhật Bản chỉ được bán với mục đích chuẩn bị sức mạnh phòng thủ cho quốc gia đối tác. Đồng thời, ông Onodera khẳng định Nhật Bản đang sở hữu những công nghệ vũ khí hàng đầu với giá thành không quá đắt đỏ.

Thực tế cho thấy, sức mạnh của lực lượng phòng vệ trên không, trên biển của Nhật Bản đang ở vị trí số một trong khu vực châu Á.

img

Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản được đánh giá là hiện đại nhất châu Á.

Từ trước đến nay, Đông Nam Á được cho là thị trường thân thuộc của ngành công nghiệp quân sự Nga. Tất cả các quốc gia ASEAN đều có sự hiện diện của vũ khí Nga trong biên chế quân đội nước mình. Khi Nhật Bản tham gia vào thị trường vũ khí, và đích nhắm là khu vực Đông Nam Á, ai sẽ là người lo ngại nhất? Để trả lời được câu hỏi này, trước hết cần nhìn vào hiện trạng của các nền quốc phòng trong khu vực.

ASEAN đang gặp phải những rắc rối rất lớn với chính sách chủ quyền của Trung Quốc. Các hành động ngang ngược của Bắc Kinh nhằm thôn tính 80% diện tích Biển Đông khiến các quốc gia Đông Nam Á rơi vào hoàn cảnh buộc phải nâng cao khả năng phòng thủ của mình.

Trong khi đó, ngoài một nhà xuất khẩu dễ tính, đa dạng, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của đối tác như Nga, ASEAN chỉ có thể tiếp cận được với vũ khí châu Âu, Israel, còn rất khó tiếp cận với thị trường vũ khí Mỹ. Nguyên nhân chính là vì Mỹ và một số quốc gia ở Đông Nam Á còn nhiều rào cản, cũng như giá thành của vũ khí Mỹ khá cao so với khả năng mua sắm của khu vực này.

Tuy nhiên, ASEAN và Trung Quốc đều đang cùng một nguồn cung vũ khí chủ yếu là Nga. Quân đội của các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đều có những loại vũ khí cùng chủng loại, nhưng Trung Quốc trội hơn hẳn về số lượng.

Điều này khiến ASEAN buộc phải tìm kiếm một thị trường mới, với những yêu cầu giá rẻ, chất lượng cao, và đa dạng chủng loại, phù hợp với yêu cầu và đặc thù tác chiến.

Nếu Tokyo xuất hiện ở thị trường vũ khí của khu vực này, có lẽ quốc gia cảm thấy lo ngại nhất, bị cạnh tranh nhiều nhất sẽ là nước Nga. Khi Nhật Bản tham gia vào thị trường vũ khí, họ đã mở ra một cánh cửa cho nhu cầu của Đông Nam Á. Vũ khí Nhật Bản tại châu Á được cho là tiệm cận nhất với công nghệ Mỹ nhưng giá thành rẻ hơn. Nhật và Trung Quốc cũng đang trong mối quan hệ đối đầu sẽ khiến Đông Nam Á cảm thấy yên tâm và dễ hòa nhập.

Trung Quốc sẽ phải e ngại?

Một quốc gia khác sẽ phải e ngại khi Nhật Bản tham gia vào thị trường xuất khẩu vũ khí là Trung Quốc.

Quân đội Trung - Nhật được đánh giá là bên tám lạng, người nửa cân, nhưng Nhật Bản có những lợi thế hơn khi vũ khí của họ hiện đại, thiên về chất lượng và sự tập trung bởi lãnh thổ nhỏ, không bị dàn trải. Trong khi đó, Trung Quốc thiên về số lượng nhưng bị phân tán với lãnh thổ rộng lớn và sự cũ kỹ của vũ khí. Sự đóng góp của yếu tố khác biệt công nghệ và hiện đại công nghệ có thể thay đổi cục diện trong những cuộc đối đầu.

Một số quốc gia Đông Nam Á có hiện trạng địa lý tương đồng với Nhật Bản, nhưng hiện trạng vũ khí lại gần giống với Trung Quốc, bởi ngoài vũ khí mua của Nga, họ chỉ còn những khí tài cũ kỹ, lạc hậu.

Công nghệ Nhật Bản sẽ là giải pháp cho những quốc gia muốn tìm kiếm sự đổi mới, thoát khỏi những lệ thuộc vào thiết bị của Nga, dẫn đến tương đồng và chịu lép vế trước Trung Quốc. Dù không muốn chiến tranh, nhưng ASEAN cần chuẩn bị cho mình những biện pháp thông minh và chủ động nhất.

(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem