Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn 3 bữa để tiết kiệm" (bài 1)

Gia Khiêm - Trung Hiếu Thứ hai, ngày 11/12/2023 06:29 AM (GMT+7)
2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán 2024, thế nhưng nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng khiến không ít người lao động trở nên khốn đốn. Giá cả leo thang, chưa bao giờ đời sống công nhân lại vất vả đến thế.
Bình luận 0

LTS: Năm 2023 được xem là năm nền kinh tế đối diện với vô vàn khó khăn, thị trường lao động gặp nhiều biến động khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét.

Đây cũng là năm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất lợi cả từ bên ngoài (quốc tế, khu vực trên nhiều lĩnh vực cả kinh tế, chính trị, quân sự) và bên trong (những khó khăn lớn của một nền kinh tế mở phụ thuộc bởi bên ngoài, mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19), có ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe doạ…

Điều này khiến hàng trăm nghìn công nhân bị ảnh hưởng. Nhiều công nhân, lao động mất việc làm, nhiều người khác bị giảm thu nhập. Tết cận kề, nhiều doanh nghiệp đối mặt với việc lương, thưởng không có, nhiều người còn bị nợ BHXH… đời sống công nhân lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Báo Dân Việt đăng tải loạt bài "Nỗi niềm của công nhân lao động dịp cận Tết" để độc giả hiểu hơn về đời sống công nhân. Vậy cần làm gì để bảo vệ, hỗ trợ công nhân lao động là vấn đề được quan tâm nhất lúc này.

Nỗi niềm của công nhân chật vật dịp cận Tết

Gần 17 giờ chiều ngày cuối tuần tháng 12, trong căn phòng trọ khép kín rộng chừng 18m2, anh Nguyễn Đức Thắng (34 tuổi), công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long đang tay bồng tay bế hai con nhỏ. Vợ chồng anh Thắng mới sinh cháu thứ 2 được 1 năm, hiện cả gia đình thuê trọ tại xóm 3 Cổ Điển, Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Đỡ phụ đỡ hai con yên tâm làm ăn và giảm được tiền thuê, mẹ vợ anh Thắng phải từ quê (Lương Sơn, Hòa Bình) lên trông cháu.

Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm" - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đức Thắng (quê Hoà Bình) cho biết, năm nay đơn hàng giảm khiến cuộc sống công nhân như anh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Hiếu

Tâm sự với PV Dân Việt, anh Thắng cho hay, thời điểm cuối năm công việc không nhiều do đơn hàng tụt giảm mạnh nên một số bộ phận ở công ty anh "bị thu hẹp". Có thời điểm công ty anh hết việc làm, công nhân phải tạm nghỉ luân phiên và nhận lương cơ bản 70%. 

Công nhân chật vật dịp cuối năm. Clip: Trung Hiếu - Gia Khiêm

"Công ty của tôi làm về thiết bị vệ sinh. Tôi đã gắn bó với nơi đây được 3 năm, trước kia có 3 nhà máy hoạt động đều đặn còn bây giờ đã bị dừng mất một nửa, chỉ còn hoạt động 1 nửa thôi, lý do là bởi không có đơn hàng", anh Thắng chia sẻ.

Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm" - Ảnh 3.

Nhiều công nhân ở trọ, lương thấp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, người bố hai con lặng người đi một lúc rồi bày tỏ: "Tôi muốn cho con ở lại Hà Nội để có môi trường học tập tốt hơn nhưng mà tiền học của con ở đây một tháng bằng học phí cả một năm ở quê. 

5 nhân khẩu nhà anh Thắng đang cố gắng "bám trụ" lại Thủ đô với thu nhập 15 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng cộng lại. "Mỗi tháng gia đình tôi phải chi từ 5 đến 6 triệu tiền sữa, bỉm, tiền ăn học cho hai con. Thu nhập hàng tháng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống, còn không để dư ra được đồng nào. Có tháng các con ốm phải mua thuốc men, đi khám thì xác định âm tiền lương của hai vợ chồng luôn. May có bà ngoại chăm con giúp chứ nếu mà thuê cả người trông nữa thì chắc không trụ nổi nơi đất Thủ đô này", anh Thắng tâm sự.

Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm" - Ảnh 4.

Anh Thắng ngồi chơi với con gái sau giờ làm việc trở về. Ảnh: Trung Hiếu

Thêm nữa, ở quê thì mình có con gà, mớ rau… có thể giảm được chi phí nhưng mà ở ngoài này thì cái gì cũng phải dùng đến tiền hết. Đi làm lương thấp như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tìm được công việc tốt hơn ở quê thì chúng tôi sẽ quay về, vì tôi còn có mẹ già sống một mình, năm nay bà 70 tuổi rồi, tôi cũng không yên tâm".

Sát bên phòng anh Thắng là chị Lê Thị Tuyết (37 tuổi, quê Thanh Hóa) - người được mọi người giới thiệu là có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm trọ. Chồng đi làm xa, không hỗ trợ nuôi ba con nhỏ nên một mình chị phải cáng đáng mọi việc. 

Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm" - Ảnh 5.

Để tiết kiệm tiền xăng xe, từ sau dịch Covid-19 đến nay, chị Tuyết xin công ty được làm việc ở nhà. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Tuyết làm trong một công ty về công nghệ, đến nay được 15 năm. Chị than thở: "Hỏi thu có đủ để chi không thì chắc chắn là không đủ rồi, với lương công nhân thì không thể nào một mình lo đủ cho cả ba con. Nên tôi phải chắt bóp rất là nhiều".

Chị Tuyết giải thích: "Chi phí học tập, sinh hoạt của mỗi cháu lớn rơi vào khoảng 4 triệu đồng/tháng. Còn riêng bạn nhỏ ở mức 3 triệu đồng/tháng, bạn ấy học trường tư. Nguyên tiền học như thế đã tốn mất hơn nửa mức lương của tôi rồi. Còn đâu là chi phí sinh hoạt, ăn uống này khác thì tôi phải đi vay của tháng này bù vào tháng kia".

Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm" - Ảnh 6.

Cuộc sống khó khăn nên góc học tập của 3 con chị Tuyết chỉ nhỏ hẹp như vậy. Chiếc bàn học cũ nhưng chị không có tiền để sắm cho con. Ảnh: Trung Hiếu

Con gái lớn chỉ 2 năm nữa sẽ vào cấp 3 khiến chị Tuyết càng thấp thỏm lo âu. Chị bảo: "Hai năm nữa là con tôi lên lớp 10 rồi. Mà hộ khẩu không có thì con lại phải thi vào trường tư, học trường tư thì tôi không thể nào lo được cho con vì học phí cao gấp 2 đến 3 lần trường công. Nhưng con muốn học trường công thì không đủ điều kiện. Không riêng gì tôi mà rất nhiều công nhân ở đây vô cùng trăn trở. Giá như có giấy tạm trú mà con vẫn được học trường công thì công nhân đỡ gánh nặng chi phí học tập đi phần nào".

Chị Tuyết trải lòng, trong trường hợp bất đắc dĩ nhất, chị mới về quê. Chị muốn các con có môi trường học tập tốt tại Hà Nội nên "nếu còn trụ được, chắc chắn sẽ trụ lại đây". "Như mọi người là chỉ làm 2 ca thôi còn tôi phải cố gắng làm 3 ca, để có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng như hiện tại. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng tầm 3 tiếng, còn lại phải dành thời gian để làm việc, rất vất vả. Lương của tôi thì 2 năm nay không tăng, nên tôi phải cố gắng cày cuốc thật nhiều. Chia sẻ với đời sống nhân viên, công ty tôi còn cho về nhà làm việc trên máy tính để giảm chi phí tiền xăng xe".

Công nhân chật vật: Nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm giữa thời "bão giá"

Trở về phòng trọ sau ngày đi làm về, chị Từ Thị Dung (SN 1990, công nhân công ty Panasonic tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) tất bật thái súp lơ nấu cơm. Vừa làm bữa, chị Dung vừa dí dỏm nói: "Tối nay mâm cơm của hai vợ chồng tôi gồm tận 2 món, một là súp lơ xào, hai là món thịt mà tôi đã kho sẵn trong nồi, để dành ăn 3 hôm. Bữa cơm thời giá cả leo thang như vậy là đầy đủ lắm rồi".

Công nhân chật vật dịp cuối năm: 'Khốn khó vì ít việc, nồi thịt kho ăn ba bữa để tiết kiệm" - Ảnh 8.

Chị Từ Thị Dung đang ngồi chuẩn bị bữa cơm tối. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Dung cho biết thêm: "Trước đây, trung bình mỗi bữa, số tiền 50 nghìn có thể mua đủ thịt, rau cho hai vợ chồng. Nhưng bây giờ giờ có thêm cháu nhỏ nữa là phải tiết kiệm hơn nhiều. Tôi cũng phải đau đầu cân nhắc xem mua gì cho hợp lý, phải ăn no thì mới đủ sức khỏe để làm việc được".

Vừa lạch cạch đun nấu, chị Dung cùng chồng là anh Hà Duy Khánh (38 tuổi) vừa bàn bạc, tính toán về các khoản chi tiêu cho dịp Tết sắp tới. "Tết dương lịch này vợ chồng tôi không thể về quê được, đành phải chờ đến Tết âm thôi, vì mỗi lần đi lại thì tốn kém lắm", chị Dung nói.

Căn phòng nhỏ ngay đầu dãy trọ, với ánh sáng le lói phát ra từ chiếc đèn chữ U yếu ớt là nơi trú ngụ của vợ chồng chị Dung và cô con gái út 8 tháng tuổi. "Con bây giờ phải thuê người trông, chi phí thuê một tháng khoảng 3 triệu. Tiền phòng trọ 1 tháng là 800.000 đồng, còn tiền điện, tiền nước thì dao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Vợ chồng tôi còn phải tiết kiệm để gửi tiền về quê lo cho hai con gái lớn đang ở nhà với ông bà nữa.", chị Dung bộc bạch.

Chị tiếp lời: "Điều mà vợ chồng tôi lo ngại sắp tới đây là tiền điện tăng, bình thường đang là 3.000 đồng/số, mới đây ông chủ trọ thông báo sẽ tăng lên 4.000 đồng/số từ đầu năm sau. Ví dụ là tôi đang dùng 100 số với mức giá 300.000 đồng chẳng hạn, thì tới đây cũng 100 số đấy sẽ tăng vọt thêm khoảng 200.000 đồng nữa".

Hai cô con gái lớn ở quê đều phải xa bố mẹ khi vừa tròn 18 tháng tuổi. Những câu hát, lời ru chỉ có thể được chị Dung gửi tới con qua những cuộc gọi hàng đêm: "Ban ngày hai vợ chồng tôi đi làm rồi thì không nói, tối về hai đứa trẻ cứ học xong là sẽ mượn điện thoại của ông để gọi cho bố mẹ. Tôi rất nhớ và thương các con, hàng ngày kể cả không có việc gì tôi cũng phải gọi điện để được nhìn thấy mặt chúng".

Giờ đây, niềm mong ước nhỏ nhoi của vợ chồng chị Dung chỉ đơn giản là công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng được ổn định, công ty có thêm nhiều đơn hàng để anh chị có thể tăng ca, kiếm thêm thu nhập… 

Còn tiếp!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem