Tuyên bố của Trung Quốc về Trường Sa: Sự bịa đặt trắng trợn!

Lan Uyên Thứ năm, ngày 14/11/2019 11:07 AM (GMT+7)
Tuyên bố về vấn đề chủ quyền với quần đảo Trường Sa của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 8/11 là sự leo thang mới, càng thể hiện rõ mưu đồ xâm chiếm phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng.
Bình luận 0

Ngày 8/11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “Việt Nam có thể xem xét các lựa chọn pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, phản ứng của Trung Quốc là gì?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho biết: “Cốt lõi của vấn đề Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, liên quan đến sự chiếm đóng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc bởi Việt Nam và các nước khác có liên quan”.

img

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 8/11 đã có những phát ngôn bịa đặt trắng trợn về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh IT)

Người phát ngôn của Trung Quốc còn cao giọng: “Tôi hy vọng Việt Nam đối mặt với thực tế lịch sử, giữ sự đồng thuận cao cấp của chúng tôi và giải quyết sự khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn. Việt Nam cần tránh các hành động có thể làm phức tạp vấn đề hoặc làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Trước tuyên bố trắng trợn nói trên của Trung Quốc, chiều 13/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

“Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11/2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Về vấn đề này, phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này”, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Rõ ràng những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam là sự bịa đặt trắng trợn, cố tình đổi trắng thay đen. Nói theo cách của chuyên gia biển đảo Trần Công Trục, đó là hành động “vừa ăn cắp, vừa la làng”, không thể chấp nhận. Đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền. Việc Trung Quốc cố tình tìm mọi cách để “biến của người thành của mình” là coi thường luật pháp quốc tế, là hành động đáng lên án, cần phải nhanh chóng chấm dứt.

img

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, hung hăng đâm thẳng vào tàu Việt Nam và làm rách mạn tàu khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Cảnh sát biển VN)

Mới đây, trong phát biểu khai mạc tại Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông diễn ra hôm 6/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Lê Hoài Trung từng nhấn mạnh “Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế”.

Trước đó, khi đề cập đến việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào xâm phạm vùng Bãi Tư Chính của Việt Nam, nhiều học giả trong và ngoài nước cũng đã khuyến nghị Việt Nam nên đưa hành vi của Trung Quốc ra tòa quốc tế hoặc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thực tế, đối với các tranh chấp ở Biển Đông, bên cạnh biện pháp đàm phán thì  trong nhiều trường hợp, các nước đã lựa chọn giải quyết bằng con đường pháp lý. Đây là biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Được biết, tuyên bố về chủ quyền với Trường Sa của Cảnh Sảng được đưa ra trong bối cảnh mà như hãng tin Reuters nêu là “khi được hỏi về phát biểu của một quan chức cấp cao Việt Nam tại một hội thảo về Biển Đông ở Hà Nội ngày 6/11 rằng Việt Nam ưu tiên đàm phán, song vẫn có các lựa chọn khác đối với tuyến đường biển có tranh chấp này, trong đó có hành động pháp lý”.

Với những bằng chứng lịch sử và pháp lý rõ ràng về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn ưu tiên giải quyết bằng biện pháp hòa bình, song cũng sẵn sàng giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng con đường pháp lý, vậy hà cớ gì Trung Quốc lại lo sợ mà cho rằng “hành động pháp lý có thể gây phức tạp”?

“Ở đây rõ ràng Trung Quốc đang lo sợ bị đuối lý nên hy vọng dùng biện pháp “la làng” để lấn át, mong muốn biến thứ của người khác thành của mình một cách phi pháp” – Một chuyên gia pháp lý bình luận.

Dù không có cơ sở pháp lý, nhưng thời gian qua, với mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, ngang nhiên thực hiện các hành vi "bắt nạt" các nước láng giềng trong đó có Việt Nam.

Gần đây nhất, suốt từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng lực lượng hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đáng chú ý, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp (vốn đã bị Tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ từ năm 2016) vào trong các sản phẩm như ô tô, sách, phim ảnh... rồi tuồn ra các nước, tuồn vào Việt Nam gây sự phẫn nộ trong dư luận.

Từ phát ngôn đến hành động của Trung Quốc đều cho thấy rõ sự vu cáo, bịa đặt trắng trợn về vấn đề chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Âm mưu xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc ngày càng lộ rõ. Đó là điều không thể chấp nhận, cần bị lên án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem