Cục trưởng Cục BVTV nói gì về việc đặc cách cho DN bán thuốc cấm?

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 03/07/2019 15:45 PM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) có văn bản "đặc cách" cho doanh nghiệp được kinh doanh sản phẩm thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất đã bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đến hết 30/9/2019, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Bình luận 0

img

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT). 

Liên quan đến thông tin trên báo chí cho rằng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã "nới tay" cho doanh nghiệp, cụ thể là Công ty TNHH Tập đoàn An Nông có phương án kinh doanh cụ thể đến ngày 30/9/2019 đối với hai loại thuốc bảo vệ thực vật là Cỏ cháy 20SL và Lagoote 210SL đã đóng gói không thể xuất khẩu được nhưng còn hạn sử dụng đang lưu trữ trong kho hoặc lưu thông trên thị trường dù theo Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 8/2/2017 của Bộ NNPTNT thì các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat bị loại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ở đây không có chuyện chúng tôi đặc cách cho cá nhân một doanh nghiệp nào cả mà trước khi có Văn bản số 613/BVTV-QLT ngày 15/3/2019, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp và Hội doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), Cục BVTV đã họp với các doanh nghiệp đang còn tồn đọng một lượng nhỏ thuốc thành phẩm có chứa hoạt chất Paraquat để tìm phương án giải quyết. Tại đây, các doanh nghiệp thống nhất cử Công ty TNHH Tập đoàn An Nông đại diện để xử lý vấn đề này. 

Không chỉ có An Nông còn tồn đọng lượng thuốc BVTV có chứa hoạt chất Paraquat mà còn nhiều doanh nghiệp cũng đã kinh doanh sản phẩm này vì những sản phẩm thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Paraquat đã có mặt ở thị trường Việt Nam trên 30 năm. Nói cách khác, An Nông chỉ là đại diện cho những doanh nghiệp còn sản phẩm thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat.

img

Nhiều địa phương đã tuân thủ đúng lộ trình cấm sử dụng sản phẩm thuốc trừ cỏ chưa Paraquat theo quyết định của Bộ NNPTNT nhưng thực tế sản phẩm vẫn được bán trên thị trường. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trong Văn bản 613, Cục Bảo vệ thực vật cho phép An Nông có phương án kinh doanh đối với những sản phẩm thuốc trừ cỏ có chứa Paraquat đã đóng gói, không thể xuất đi đến ngày 30/9/2019. Phải chăng vì lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ qua tác động đến môi trường, sức khoẻ của người dân?

Không có chuyện chúng tôi đặc cách cho bất kỳ một doanh nghiệp nào cả. Ở đây phải tính đến lợi ích của doanh nghiệp khi lượng thuốc thành phẩm, đã đóng gói còn rất ít không thể xuất đi được; cũng khó thu hồi (vì chủ yếu nằm ở các đại lý); việc tiêu hủy tốn kém và không đơn giản trong khi để doanh nghiệp, người dân tự xử lý thì có thể tác động đến môi trường nên trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp và VIPA Cục mới có văn bản 613 yêu cầu các doanh nghiệp xử lý dứt điểm lượng thuốc thành phẩm tồn đọng đến 30/9/2019.

Paraquat là hoạt chất đã được sử dụng ở Việt Nam từ những năm 1990, sau khi có những báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, Cục đã chủ động trình Bộ NNPTNT ra quyết định loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ngoài Paraquat còn có 13 loại hoạt chất khác cũng đã được loại bỏ cho thấy Cục Bảo vệ thực vật đã rất quyết liệt trong vấn đề này.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ sớm có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NNPTNT, cơ quan báo chí để nói rõ về việc này. 

Hiện, con số cụ thể về lượng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat còn tồn đọng trên thị trường hiện nay như thế nào?

- Theo báo cáo của các doanh nghiệp thì lượng thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Paraquat còn tồn đọng trên thị trường không còn nhiều, trong kho của các doanh nghiệp là không còn, chủ yếu ở các đại lý.

Sau 1 năm kể từ khi Quyết định 278 có hiệu lực, các doanh nghiệp đã không được phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất này, lượng thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm chưa đóng gói đã bị loại bỏ khỏi danh mục các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch chi tiết để xuất khẩu 100% các loại thuốc bảo vệ thực vật còn tồn kho tại công ty ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đến hết ngày 30/3/2019. Như vậy, thuốc nguyên liệu để sản xuất thuốc thành phẩm là không còn.

Hiện, chỉ còn một số lượng thuốc thành phẩm, đã đóng gói tồn đọng trong các đại lý, chính vì vậy chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh cụ thể đối với số lượng thuốc này đến hết 30/9/2019. Khi đó, Thông tư mới thay thế Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT về ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam có hiệu lực thì những loại thuốc này sẽ bị đưa ra khỏi danh mục, không được phép sử dụng.

Nghĩa là hiện nay Cỏ cháy 20SL và Lagoote 210SL vẫn nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam?

- Đúng vậy, hiện chúng tôi đang soạn thảo để trình Bộ NNPTNT ký ban hành thông tư mới, khi đó những loại thuốc này sẽ bị loại khỏi danh mục.

Văn bản 613 của Cục BVTV liệu có đi ngược lại với Quyết định 278 của Bộ NNPTNT về việc loại Paraquat và 2.4D ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam không, thưa ông?

- Nói một cách khách quan, ngay cả quyết định của Bộ NNPTNT cũng có độ trễ tới 2 năm để doanh nghiệp xử lý hết số thuốc còn tồn đọng, ở đây, trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, cộng với những khó khăn trong việc thu hồi thuốc (do thuốc chủ yếu nằm ở các đại lý, trong dân) nên Cục BVTV mới cho phép các doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh các loại thuốc trừ cỏ thành phẩm có chứa hoạt chất Paraquat đến hết 30/9/2019.

Phải nói thêm, việc thu hồi, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật là vô cùng khó khăn (phải thu gom và tiêu hủy ở nhà máy xi măng lò đứng), còn nếu không có phương án kinh doanh để doanh nghiệp, người dân vứt bừa bãi ra môi trường thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn.  

Xin cảm ơn ông!

Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố và cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa 14 hoạt chất cấm. Theo đó, thuốc bảo vệ thực vật chứa 2 hoạt chất Trichlofon và Carbofuran bị cấm buôn bán, sử dụng. 12 hoạt chất còn lại là Carbendazim, Benomul, Thyophanate-methyl, 2,4D, Paraquat, Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc-phosphide, Glyphosate, Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil không được buôn bán, sử dụng.

Từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở NNPTNT An Giang đã thực hiện 44 cuộc thanh tra, phát hiện 91 đối tượng vi phạm trong việc sử dụng các hoạt chất cấm đã bị phạt hành chính và tiêu hủy trên 670kg, trong đó có sản phẩm chứa 2,4D và Paraquat. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem