Củng cố HTX và đột phá lâm nghiệp

Lê Hân (thực hiện) Thứ năm, ngày 21/05/2015 15:20 PM (GMT+7)
Cả nước đang triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư. 
Bình luận 0

Thưa ông, ngành nông nghiệp nước ta trong những năm qua đã thực sự phát triển và có sự gia tăng rất nhanh về năng suất sản phẩm, với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt tới gần 31 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế như chất lượng thấp, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, hàm lượng chế biến còn ít… Vậy theo ông, yếu tố “nâng cao giá trị gia tăng” và “bền vững” cần được hiểu như thế nào?

img
Chế biến gỗ lâm nghiệp tại xã      Đại Lịch, huyện Văn Chấn, Yên Bái.    Lê Hữu Thọ
- Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng, góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định chính trị- xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào nguồn lực tự nhiên như tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng lao động, vốn, vật tư… Việc nâng cao giá trị gia tăng” được hiểu ngắn gọn là nâng cao lợi nhuận làm ra trên một đơn vị sản phẩm ngày càng lớn, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ và tổ chức sản xuất. Mặt khác, gần đây sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên sản xuất quy mô nhỏ lẻ, khó kiểm soát đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. “Phát triển bền vững” có thể hiểu ngắn gọn là tăng trưởng nông nghiệp ổn định gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp tháng 12.2014, ông có nhấn mạnh 3 điểm là vấn đề hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và vấn đề phát triển lâm nghiệp. Theo ông, tại thời điểm này, chúng ta cần bắt đầu giải quyết từ đâu?

- Về tổng thể sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn dựa trên nền tảng sản xuất hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy năng suất lao động, cũng như hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập của người nông dân so với các khu vực kinh tế vẫn còn ở mức thấp. Vì thế, khâu tổ chức sản xuất trong khu vực nông nghiệp có hai thành tố hạt nhân quan trọng, đó là doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, hiện tiềm lực của hai chủ thể này còn yếu, mới chỉ có 6% số doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này; số hợp tác xã tổ chức theo mô hình kiểu mới hoạt động hiệu quả cũng chưa được nhiều, dẫn đến hạn chế liên kết trong sản xuất.

Quan điểm

TS Nguyễn Xuân Cường
 Trên từng tiểu vùng cần xây dựng các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp, mà ở đó đối tượng sản xuất được lựa chọn là những cây trồng, vật nuôi có tính lợi thế nhất. Áp dụng tốt nhất các thành tựu khoa học và công nghệ từ các yếu tố đầu vào của sản xuất, quá trình tổ chức sản xuất cũng như thu mua chế biến gắn kết với thị trường tiêu thụ.  
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, đây là một ngành có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam với ¾ diện tích lãnh thổ là núi và đồi, có 14 triệu ha rừng, trong đó có 8 triệu ha là rừng sản xuất. Đây là khu vực có tiềm năng kinh tế lớn, dư địa cao, sự phát triển còn nhiều, lại liên quan lớn đến sự phát triển bền vững không chỉ cho nông nghiệp, mà toàn nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là địa bàn sinh kế của hơn 20 triệu dân với số đông là đồng báo dân tộc ít người, nhưng chúng ta khai thác tiềm năng khu vực này chưa tốt. Mặc dù giá trị xuất khẩu năm 2014 của ngành lâm nghiệp đạt 6,5 tỷ USD, nhưng so với tiềm năng còn ở mức thấp, năng suất rừng trồng mới bằng 1/3 so với thế giới. Do vậy, nhìn ở góc độ kinh tế, tiềm năng khu vực này còn rất lớn.

 

Tại thời điểm này, chúng ta cần tập trung thực hiện những vấn đề gì để đạt được mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp?

- Trước hết, phải tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm sao có được những chính sách đủ hấp dẫn, phân rõ theo từng vùng miền có lợi thế khác nhau, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp.

Hai là, trong tổ chức sản xuất phải củng cố, phát triển hợp tác xã mới theo Luật Hợp tác xã 2012 đã ban hành. Nông dân hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, phải có sức mạnh đứng trong liên kết với nhà doanh nghiệp khi đó nguồn lực mới được khai thông, KHCN mới được ứng dụng rộng rãi, từ đó câu chuyện thị trường mới được giải quyết và đời sống, thu nhập của người nông dân được nâng cao.

Ba là, xây dựng chính sách đột phá trong phát triển lâm nghiệp dựa trên cơ sở phát huy lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp đa dạng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chính sách bảo vệ rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới. Đồng thời, phát huy nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tư nhân và nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem