Cuộc đời sông nước: Ngày ngao du sơn thủy vẫn có tiền bỏ túi

Ngọc Mai Thứ sáu, ngày 26/10/2018 06:45 AM (GMT+7)
Thủy điện Sơn La tích nước, nghề lái thuyền (đò) chở khách qua sông cũng xuất hiện, giúp người dân huyện Quỳnh Nhai có thêm nguồn thu nhập. Hành trình đưa khách ngược xuôi sông nước của các bác lái đò trên sông Đà thời nay cũng gặp muôn vàn gian nan, vất vả nhưng được cái có tiền bỏ túi mỗi ngày...
Bình luận 0

Quỳnh Nhai là huyện trọng điểm di dân tái định cư xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Tất cả “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, hàng nghìn hộ dân đã di chuyển ra khỏi vùng lòng hồ đến nơi ở mới xây dựng cuộc sống mới. Nhiều hộ di dân tại chỗ lên những vùng đất cao hơn dọc 2 bên bờ sông Đà hình thành lên những bản làng mới, gắn bó sống cuộc với vùng sông nước.

img

Những chiếc thuyền sắt luôn túc trực 24/24 giờ tại các bến thuyền để chở khách qua sông.

Nước sông Đà dâng cao khiến con đường từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai đi vào các xã bị chia cắt, hoạt động đi lại giao thương buôn bán đều phải di chuyển bằng thuyền nên đã hình thành nên các bến thuyền ven sông-nơi tập kết chở khách và hàng hóa. Con sông Đà giờ cũng trở thành nơi kiếm kế sinh nhai của cư dân ven sông, như đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng, du lịch thăm quan lòng hồ...ngao du sơn thủy.

img

Mỗi lượt khách qua sông giá 10.000đ/người (bao gồm cả phương tiện)

Đất sản xuất bị ngập, nhiều hộ dân ven sông bỏ vốn mua thuyền sắt làm phương tiện kiếm kế sinh nhai. Nghề lái thuyền chở khách trên sông Đà có từ đó, là công việc mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Ngoài chở khách thì các nhà thuyền còn chở hàng hóa, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng…xuôi ngược giao thương giữa các vùng đất lòng hồ thủy điện Sơn La...

img

Nghề lái thuyền tuy vất vả nhưng là một nghề kiếm ra tiền, giúp nhiều hộ gia đình tích góp tiền nuôi con cái ăn học. Giá vé mỗi lượt khách quy định 10.000 đồng/người, các chủ thuyền hoạt động đều phải đảm bảo các yêu cầu về giấy phép, bằng lái, áo phao, bảo hiểm, lịch chạy thứ tự do các chủ thuyền thông nhất với nhau và ai cũng phải chấp hành không được phá vỡ quy định.

img

Một người có thâm niên chạy thuyền chở khách nhiều năm, anh Lường Văn Ức, bản Canh (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cho biết: Từ khi nước dâng đất canh tác của bà con trong bản bị ngập sâu trong biển nước, không có đất canh tác anh tính đến nghề lái thuyền. Thấy nhu cầu đi lại qua sông nhiều, năm 2011, anh bỏ ra số vốn 90 triệu đồng, đóng một chiếc thuyền sắt làm phương tiện chở khách.

img

Theo anh Ức, trước đây lượng thuyền tại các bến còn ít, thuyền chạy liên tục, mỗi ngày cũng thu nhập kha khá. Nhưng bây giờ thuyền nhiều khách ít, các chủ thuyền san sẻ khách cho nhau mỗi ngày chỉ đươc 3 – 4 chuyến nên thu nhập ít đi, thậm chí có ngày chỉ chạy được 1 – 2 chuyến/ngày.

img

Còn anh Lường Văn Buôn, người chạy thuyền cùng bến với anh Ức nói rằng: Tôi làm nghề lái đò từ năm 2012, nghề lái thuyền không phải ngày nào cũng đông khách, ngày đầu tuần và cuối tuần khách mới nhiều, còn ngày thường chỉ dăm ba khách, kiếm cả ngày cũng được dăm ba nghìn đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Chở khách khá vất vả, nhiều rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập mỗi khi sóng to gió lớn.

img

Theo chia sẻ của những người chạy thuyền: Ai tham gia nghề này cũng phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn, không được chở quá người quy định, nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, mỗi chiếc thuyền phải kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên đúng quy định.

img

Hiện huyện Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh phát triển du lịch, những chiếc thuyền chở khách là phương tiện tiện ích được nhiều du khách lựa chọn, thuê làm phương tiện để du ngoạn ngắm cảnh sông nước trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, góp phần tạo việc làm cho các chủ thuyền.

img

Khách qua sông phần lớn là người địa phương, cán bộ công nhân viên công tác xa ở bên kia bờ sông

img

Bình yên một bến thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La buổi vắng khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem