Cuộc hội ngộ sau 41 năm giữa người cựu binh và đứa con côi

Thứ sáu, ngày 27/06/2014 07:08 AM (GMT+7)
Chiến tranh tạo ra những cuộc chia ly và đau khổ nhưng thời gian có thể làm mờ những vết tích của chiến tranh và tạo ra những cuộc hội ngộ khó tin. Hành trình tìm lại nguồn gốc và ân nhân của cô gái gốc Việt nhờ cái tên Ngọc Bích là một câu chuyện khó tin và đầy cảm động.
Bình luận 0
Một cô bé luôn hoài nghi về nguồn gốc

Kimberly Mitchell sinh tại bang Wisconsin (Mỹ). Cô có một tuổi thơ êm đềm không bao giờ biết đến bom đạn. Cha mẹ của Kim có một trang trại nuôi rất nhiều bò sữa và ngay khi còn bé, Kim tỏ ra rất có tài năng trong việc chăm sóc lũ bò cũng như vắt sữa chúng. Kim chẳng mảy may nhận ra điều gì khác trong thế giới của mình, giữa tình yêu của cha mẹ.

 img

Ông James nhận nuôi cô Kim lúc 10 tháng tuổi

Nhưng khi đi học, Kim nhận ra mình có sự khác biệt với các bạn rồi sau đó nhận ra cha mẹ không phải những người sinh ra mình, họ chỉ nhận nuôi cô mà thôi. Dù cha mẹ nuôi đối xử rất tốt nhưng cô vẫn luôn canh cánh một điều trong lòng: “cha mẹ ruột mình ở đâu? Họ còn sống hay đã qua đời? Mình còn anh em không”.

Cha mẹ nuôi cũng không giấu giếm điều gì cả. Ông James, cha của Kim hồi đầu thập niên 70, ông trung sỹ công nghệ không quân tham chiến tại Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, ông nhận rõ sự tàn bạo của chiến tranh và hậu quả tang tóc với người dân Việt Nam mà trẻ em là người gánh chịu nhiều nhất. Hàng tuần, ông thường vào trại trẻ mồ côi trong một tu viện Đà Nẵng để thăm những đứa trẻ tội nghiệp. Ông James đã quyết định nhận nuôi một trẻ từ trại với hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé giúp hàn gắn vết đau chiến tranh.

Cuối năm 1972, ông đưa cô bé con nuôi về Mỹ và đặt tên là Kimberly Mitchell. Ông James cũng không biết nhiều về thông tin trước đó của con ngoài một tấm ảnh đen trắng của cô lúc 10 tháng tuổi chụp ở trại mồ côi của tu viện Thánh Tâm. Điều này càng làm Kim suy nghĩ và day dứt với câu hỏi: “Tại sao mình lại ở trại trẻ mồ côi”.

Trở về quê hương tìm nguồn gốc

Năm 2011, Kim trở về Việt Nam với chiếc ảnh đen trắng của mình lúc 10 tháng tuổi được nâng niu cất trong túi áo. Cô cùng 3 người bạn khác tìm đến tu viện Thánh Tâm tại Đà Nẵng và tìm gặp các sơ với hy vọng tìm được nguồn gốc.

May mắn cho Kim là sơ Mary dựa vào tấm ảnh chụp Kim lúc 10 tháng tuổi có ghi số thứ tự 899 trên áo đã tìm ra manh mối. Lục lại hồ sơ từ 4 thập kỷ trước, sơ Mary đã tìm ra được tên của Kim khi đến trại trẻ là Trần Thị Ngọc Bích.

img

 Sổ ghi chép vẫn còn ghi tên Trần Thị Ngọc Bích

 Chưa kịp vui vì tìm ra tên cũ thì Kim lại nhận được một tin không vui là sơ Mary cũng chẳng biết nhiều về thân phận trước đó của Kim. Cố lục trí nhớ, sơ cho biết hồi 1972, có một người lính chế độ ngụy quyền bồng đứa trẻ đến tu viện và nhờ các sơ chăm sóc. Sơ trực tiếp nhận cô Kim và bồng cô Kim trong ảnh là sơ Angela Trần lại không còn, nên chẳng ai có thể trả lời cho Kim biết thêm những thông tin về cuộc đời cô trước đó.

Cú điện thoại đột ngột

Trở về Mỹ, cô Kim đã đăng tấm ảnh của mình và cái tên Trần Thị Ngọc Bích lên một số báo tiếng Việt phát hành tại Mỹ với hy vọng tìm được manh mối gì chăng. Một năm trôi qua, tưởng chừng như hy vọng chẳng còn thì vào tháng 5.2012, một cú gọi điện đến với Kim và một người đàn ông nói có người biết về thân phận của cô.

Hồi hộp nhưng không vồ vập vì Kim rất sợ người ta dựng chuyện gạt mình. Cô đã hỏi một số câu để xác minh xem người đó có biết thật về mình không như đoán thời điểm cô ra đời. Người bên kia nói cô sinh khoảng cuối 1971 và đúng là cô sinh vào tháng 11.1971. Cuối cùng, họ đã gặp gỡ nhau và một phần cuộc đời trước của cô Kim hé mở.

Năm 1972, ông Bảo còn là lính thời ngụy quyền. Trong một trận đánh ác liệt giữa tiếng pháo bom, ông nghe thấy tiếng trẻ em khóc. Tìm đến nơi, ông Bảo thấy một người đàn ông già đang ẵm một đứa trẻ được đặt trong một chiếc nón. Người đàn ông này đưa cho ông Bảo đứa trẻ và nói tìm thấy nó bên xác người mẹ đã chết vì bom đạn.

Sau đó, ông Bảo đã ẵm đứa trẻ ra khỏi vùng giao tranh và chuyển đến tu viện Thánh Tâm. Người tiếp nhận đứa trẻ là sơ Angela Trần khi đó còn yêu cầu ông Bảo phải đặt tên cho đứa trẻ. Ông Bảo đã đặt tên luôn cho bé gái đó theo họ mình là Trần Thị Ngọc Bích.

img

Hai người hội ngộ đầy cảm động

Năm 1994, ông sang Mỹ sống cùng các con. Ông thỉnh thoảng vẫn nhớ về đứa trẻ tên Bích Ngọc. Tháng 5.2012, ông tình cờ biết thông tin của Bích Ngọc khi đọc báo và phải nhờ một người bạn gọi điện để hẹn gặp lại cô bé gái năm xưa, vì ông không nói thạo tiếng Anh.

Cô Kim đã tìm đến thành phố của ông Bảo để gặp mặt ân nhân. Cuối cùng, họ đã gặp nhau thật cảm động trên đất Mỹ trong một sự kiện được đài truyền hình Albuquerque tường thuật.

 Lần đầu tiên gặp lại sau 41 năm, họ đã ôm nhau và khóc. Trước ống kính máy quay, cô Kim nói: “Đây là anh hùng với tôi”. Còn ông Bảo thì tay cầm chiếc nón ở trong có con búp bê lọt thỏm giống hệt như cô Kim 41 năm trước, và nói với cô Kim: “Lúc ấy, chú tìm thấy con hệt như thế này” rồi cười.

Cô Kim nói: “Tôi thường nghĩ: “Tại sao lại có người cứu tôi trong hoàn cảnh đó?” và giờ chúng ta đã có thể hiểu được chú ấy là một người rất nhân hậu”.

 Ông Bảo cũng nói: “Tôi luôn mong cô bé lớn lên có một cuộc sống thật tuyệt vời”. Có lẽ giờ ông có thể mãn nguyện khi nhìn lại cô bé ông cứu năm xưa giờ có một cuộc sống khá dễ chịu tại Mỹ.

Còn cô Kim hay Bích Ngọc, không còn phải băn khoăn về chuyện vì sao mình lại có mặt tại trại trẻ mồ côi? Tất cả là tại chiến tranh.
(Theo Một thế giới/The Age)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem