Cựu Tổng thống Bill Clinton hối hận vì đã làm điều này với Ukraine

Lê Phương (RT) Thứ năm, ngày 06/04/2023 07:28 AM (GMT+7)
Cựu Tổng thống Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn rằng việc gây sức ép buộc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân là một sai lầm.
Bình luận 0
Cựu Tổng thống Bill Clinton hối hận vì đã làm điều này với Ukraine - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng. Ảnh: Getty

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tỏ ra cởi mở về "sai lầm cá nhân" của ông trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, ông nói với một cơ quan truyền thông Ireland rằng ông hối hận vì đã gây áp lực buộc Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.

"Tôi cảm thấy có lỗi vì đã khiến họ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân", ông Clinton nói với hãng tin RTE. "Nga sẽ không triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nếu Ukraine vẫn còn vũ khí của họ".

Thỏa thuận được ký kết vào tháng 1/1994, khi ông Clinton cùng Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Leonid Kravchuk của Ukraine ký một thỏa thuận ba bên nhằm loại bỏ các đầu đạn hạt nhân còn sót lại trên lãnh thổ Ukraine sau khi Liên Xô tan rã. Ông Clinton lưu ý rằng ông Yeltsin cũng đồng ý không bao giờ can thiệp vào biên giới lãnh thổ của Ukraine vì ông muốn nước Cộng hòa Xô viết cũ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

"Tôi biết rằng Tổng thống Putin không ủng hộ thỏa thuận này...", ông Clinton nói về cam kết lãnh thổ. "Các nhà lãnh đạo Ukraine sợ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vì họ nghĩ rằng đó là điều duy nhất bảo vệ họ khỏi nước Nga. Sau này, Tổng thống Putin đã phá vỡ thỏa thuận và lần đầu tiên giành quyền kiểm soát Crimea. Tôi cảm thấy tồi tệ về điều đó vì Ukraine là một quốc gia rất quan trọng".

Cựu tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các chính phủ phương Tây kiên định ủng hộ Ukraine. "Tôi nghĩ những gì ông Putin làm là rất sai lầm và tôi tin rằng châu Âu và Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine".

Các quan chức Nga đã tuyên bố rằng Mỹ và các đồng minh NATO đã hứa sau khi Liên Xô sụp đổ sẽ không mở rộng khối quân sự phương Tây sang Đông Âu. Ngoại trưởng lúc bấy giờ của Washington, James Baker, vào tháng 2/1990 đã đề nghị đưa ra "những đảm bảo chắc chắn" rằng NATO sẽ không mở rộng "một inch về phía đông" nếu Liên Xô hợp tác trong việc thống nhất nước Đức với tư cách là một thành viên của liên minh phương Tây. 

Tuy nhiên, NATO bắt đầu mở rộng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Clinton, bổ sung thêm Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc làm thành viên vào năm 1999. Kể từ đó, NATO đã bổ sung thêm hàng chục thành viên khác trước đây là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô hoặc một phần của các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw. 

Tháng 9 năm ngoái, ông Clinton nói với CNN rằng ông không hối tiếc về việc mở rộng NATO. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm điều đúng đắn vào đúng thời điểm. Nếu chúng tôi không làm điều đó, cuộc khủng hoảng này có thể đã xảy ra sớm hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem