Đà Nẵng: Chính thức đề nghị thu hồi dự án thủy điện Sông Nam-Sông Bắc

Thứ ba, ngày 08/07/2014 11:20 AM (GMT+7)
UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương và chính thức đề nghị kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII xem xét quyết định việc thu hồi dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc đã “treo” suốt 5 năm nay.
Bình luận 0

Ngày 7.7, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa ký văn bản số 93/BC-UBND (ngày 3.7) báo cáo kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (khai mạc sáng 8.7) về tác động môi trường của dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc.

img

Khởi công tháng 6.2010 nhưng đến nay thủy điện Sông Nam - Sông Bắc vẫn chưa thực sự triển khai và vấp phải nhiều sự phản đối của các sở, ngành, địa phương tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Theo đó, dự án này nằm trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) gồm 4 cụm công trình thủy điện: Sông Bắc 1, Sông Bắc 2, Sông Nam và Na Sim với tổng công suất lắp máy 49,2MW, hàng năm cung cấp khoảng 151,62 triệu kWh điện. Tổng diện tích dự án 1.038,09ha; trong đó sử dụng diện tích đất rừng 892,81ha, diện tích sông suối 79,88ha...

Dự án do Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư, được UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22.6.2009. Tuy nhiên thủy điện Sông Nam – Sông Bắc đã trở thành dự án “treo” kéo dài suốt 5 năm qua. Geruco Sông Côn chỉ mới hoàn thành một số bước thủ tục, triển khai vài gói thầu phụ trợ như rà phá bom mìn, đường thi công, điện thi công và trong thời gian đã có nhiều dư luận không đồng tình với dự án thủy điện này trên địa bàn Đà Nẵng.

Trước tình hình đó, ngày 27.6, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các sở, ban ngành địa phương lần cuối về dự án này. Tại cuộc họp, Geruco Sông Côn giải thích nguyên nhân chính khiến dự án kéo dài suốt 5 năm vẫn chưa thành hình là do khủng hoảng kinh tế dẫn đến giá vật tư, nguyên nhiên liệu, nhân công tăng nên chủ đầu tư phải phân tích lại các yếu tố kinh tế kỹ thuật.

Geruco Sông Côn cũng cho biết, theo Quyết định 38/QĐ-TTg (ngày 5.1.2013) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giai đoạn 2012 – 2015 thì Geruco là đối tượng thoái vốn. VRG không tiếp tục đầu tư để xây dựng thủy điện Sông Nam – Sông Bắc và đã làm việc với một số đối tác để thoái vốn, dự kiến trong tháng 6.2014 hoàn tất việc đàm phán để bảo đảm dự án được triển khai lại trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Công thương Đà Nẵng, dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc tạo nguồn điện dự phòng tại chỗ và cấp nguồn nước cho TP, mang lại hiệu quả kinh tế, ít tác động đến môi trường xã hội, phù hợp quy hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn, không thực hiện di dân tái định cư nên ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Vì vậy Sở này đề nghị UBND TP Đà Nẵng cho phép dự tiếp tiếp tục thực hiện.

Trong khi đó, UBND huyện Hòa Vang cho biết, có 149 hộ dân ở xã miền núi Hòa Bắc bị ảnh hưởng bởi dự án này, trong đó có 122 hộ đồng bào dân tộc. Họ sẽ không còn đất sản xuất khiến cuộc sống càng khó khăn hơn; chưa kể quá trình cày ủi, san lấp mặt bằng thi công dự án sẽ gây lũ, lụt và hủy hoại môi trường. UBND xã Hòa Bắc cho biết thêm, do dự án này mà người dân trên địa bàn không sản xuất được kể từ năm 2007 đến nay. Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng thì khẳng định, nếu thực hiện dự án sẽ phá vỡ cấu trúc rừng và đa dạng sinh học, không đáp ứng được tiêu chí của một TP môi trường.

Theo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, để triển khai xây dựng dự án này, TP Đà Nẵng phải thu hồi 1.038,09ha đất rừng; đi liền với đó là phải thu hồi đất mới để giao cho đồng bào dân tộc canh tác theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

“Trước đây dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc có 2 mục tiêu chính là vừa phát điện vừa tăng cường khả năng cấp nước của sông Cu Đê cho nhà máy nước Hòa Liên. Nhưng hiện nay TP đã có chủ trương xây dựng nhà máy nước bằng công trình đập dâng tại thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc). Do tính chất của thủy điện là chỉ phát điện trong giờ cao điểm nên sẽ gây mất ổn định nguồn nước cấp của đập dâng Phò Nam; chưa kể công suất phát điện của dự án này tương đối nhỏ. Trong khi đó, diện tích rừng bị mất là tương đối lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương” – Sở NN-PTNt Đà Nẵng nêu rõ.

Vì vậy, cùng với UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Bắc và Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đề nghị không tiếp tục ch triển khai dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc. Sở KH-ĐT cũng nhất trí quan điểm đề nghị lãnh đạo TP thu hồi dự án này. Các Sở TN-MT, Xây dựng, Tài chính... thì khẳng định tác động đến môi trường và xã hội của dự án là rất lớn nên đề nghị lãnh đạo TP yêu cầu chủ đầu tư có cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực và phải có lộ trình thực hiện cụ thể mới cho tiếp tục triển khai dự án.

Báo cáo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay, qua phân tích đánh giá, đề xuất của các bên liên quan, ngay tại cuộc họp ngày 27.6, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã thống nhất báo cáo Chủ tịch và các Phó UBND TP Đà Nẵng về việc thu hồi dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc. Tại cuộc họp giao ban ngày 30.6, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã bàn bạc và thống nhất thu hồi dự án này.

Vấn đề sẽ được kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (diễn ra từ ngày 8 – 10.7) xem xét quyết định.
(Theo Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem