Sự thật cái chết của nữ tướng Bùi Thị Xuân (Kỳ 2): Ao trời nước vũng

Thứ năm, ngày 21/03/2019 13:31 PM (GMT+7)
Người ta kể lại khác nhau về trường hợp Trần Quang Diệu, có tài liệu cho biết ông bị xử chém, có tài liệu thì nói bị lột da.
Bình luận 0

Sống anh hùng, chết oanh liệt, cuộc đời của Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu được đời đời ghi danh. Không chỉ ở quê hương, mà rất nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của hai người.

Vì nghĩa lớn, gạt tình riêng

Nhận được tin mật cho biết triều đình Tây Sơn lục đục, Nguyễn Ánh cầm quân tiến đánh Quảng Nam. Không ngờ gặp sự giáng trả của Bùi Thị Xuân, quân Nguyễn thua tơi tả phải rút lui. Bị thua mưu trí và võ công của đàn bà, Nguyễn Phúc Ánh thề sẽ trả thù sau này.

Sau khi đánh lui quân Nguyễn, Bùi Thị Xuân mới kéo quân về triều cùng chồng giải quyết cuộc xung đột. Mọi người lo sợ bà sẽ trả thù Võ Văn Dũng, vì Bùi Đắc Tuyên chính là cậu ruột của bà. Nhưng Bùi Thị Xuân đã gạt tình thân, vì nghĩa lớn, bỏ qua chuyện thù riêng nên Võ Văn Dũng rất cảm kích, nguyện kết tình huynh đệ sinh tử với Trần Quang Diệu.

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng được cử cầm quân đánh thành Quy Nhơn do tướng Võ Tánh trấn giữ. Tình hình vô cùng nguy cấp, chúa Nguyễn định đem quân đến giải cứu. Biết đây là hai tướng tài giỏi nhất của Tây Sơn đang có mặt cả ở đây, Võ Tánh gửi thư khuyên chúa Nguyễn bí mật kéo quân ra đánh vào Phú Xuân, còn ông sẽ cầm chân họ.

Đánh lâu không hạ được thành, Trần Quang Diệu sai đắp lũy xung quanh thành, chia quân bao vây bốn mặt. Võ Văn Dũng đem thủy binh đóng giữ cửa Thị Nại, xây đồn đặt pháo ngăn cản quân tiếp viện. Trong thành hết lương thực, Võ Tánh dùng mũi tên gắn thư bắn ra cho Trần Quang Diệu, trong thư viết: "Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại". Sau đó, Võ Tánh chất rơm cỏ dưới lầu bát giác tự thiêu, hiệp trấn Ngô Tòng Châu cũng uống thuốc độc tự tử, thành Quy Nhơn đầu hàng. Trần Quang Diệu vào thành, sai làm lễ liệm táng trọng thể hai vị tướng tuẫn tiết, và tha cho tướng sĩ nhà Nguyễn, không giết một ai.

img

 Tranh minh họa về đô đốc Bùi Thị Xuân.

Ao trời nước vũng

Phú Xuân bị mất, Bùi Thị Xuân dẫn 5.000 quân hộ giá vua Cảnh Thịnh đi chiếm lại. Biết đã bị dồn đến bước đường cùng, Bùi Thị Xuân tự tay thúc trống trận dồn dập rồi liều chết cưỡi voi xông vào chiến lũy Trấn Ninh. Vốn đã từng nếm mùi thua trận trước vị nữ tướng oai phong lẫm liệt, quân Nguyễn sợ hãi xô nhau chạy. Chúa Nguyễn đem một cánh quân vượt sông Linh Giang tìm đường rút. Vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn đông, sợ quá bỏ chạy. Bùi Thị Xuân níu áo lại không được. Như rắn mất đầu, quân Tây Sơn vỡ trận. Đó là trận đánh oanh liệt cuối cùng của vị nữ tướng anh hùng.

Từ Quy Nhơn, Trần Quang Diệu cấp tốc trở về cứu Phú Xuân, nhưng đã quá muộn. Vua Cảnh Thịnh cùng một nhúm người đã trốn lên Bắc Hà. Trần Quang Diệu một mình vượt qua đất Lào rồi quay về Nghệ An, gặp lại được vợ ở vùng Quỳ Hợp. Không còn quân sĩ trong tay, hai mãnh tướng bị quan quân nhà Nguyễn vây bắt tại đây đem đóng cũi giải về Phú Xuân.

Biết Trần Quang Diệu là một tướng tài, lại có lòng nhân tha cho toàn bộ quân sĩ trong thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh định thu phục ông đầu hàng, nhưng ông đã từ chối thẳng thừng.

Bùi Thị Xuân bị trói đến trước mặt Nguyễn Ánh. Chúa Nguyễn tự đắc hỏi bà: Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?

Bà trả lời: Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn mảnh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng.

Nguyễn Ánh đã từng trực tiếp bị bà đánh thua, nay lại bị bà sỉ nhục, nên căm hận lắm.

Cả hai vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân bị đem ra hành quyết. Người ta kể lại khác nhau về trường hợp Trần Quang Diệu, có tài liệu cho biết ông bị xử chém, có tài liệu thì nói bị lột da.

Còn Bùi Thị Xuân bị voi giày. Quấn quanh người tấm vải đỏ rực, bà đứng hiên ngang, hét to một tiếng làm bầy voi sợ hãi bước giật lùi. Quân lính được lệnh đốt hỏa pháo và đâm giáo nhọn thúc vào voi làm chúng hoảng loạn chạy xéo lên đè chết bà.

Dân ta vẫn lưu truyền trường ca Cân quắc anh hùng truyện dài gần một ngàn câu thơ lục bát, ca ngợi và tiếc thương vị nữ tướng anh hùng: "Chiều chiều nhìn ngọn non Tê/Nhớ người liệt nữ lòng tê tái buồn/Sử xanh chép để luôn luôn/Cử huân vi nghiệp truyền muôn vạn đời".

Dĩ Nguyên (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem