Dấu ấn huyền thoại: NSND Thanh Hải từng có thời "điếc không sợ súng"

Thúy Ngọc Thứ sáu, ngày 02/07/2021 06:10 AM (GMT+7)
Trong tập 8 "Dấu ấn huyền thoại", khán giả được trò chuyện với người đứng sau thành công của các vở cải lương bất hủ đó là NSND Thanh Hải.
Bình luận 0

Dấu ấn huyền thoại tập 8: NSND Thanh Hải từng có thời "điếc không sợ súng".

NSND Thanh Hải và cái duyên với nghề

NSND Thanh Hải là nhạc sĩ cải lương có nhiều biệt tài với tinh thần sáng tạo không ngừng trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Anh còn tự học hòa âm, phối khí nhiều chương trình dân ca và sáng tác âm nhạc cho hàng trăm vở cải lương, sân khấu, truyền hình, phát thanh. NSND Thanh Hải được nhận định là học trò số 1 của danh cầm bậc thầy - NSND Viễn Châu, xứng đáng là cái tên huyền thoại được tôn vinh của nghệ thuật cải lương Việt Nam.

NSND Thanh Hải chia sẻ về nhân duyên đến với cải lương của mình rằng: "Cha tôi là nhạc công đàn tranh. Mẹ tôi làm diễn viên hát cải lương nổi tiếng với những vai đào thương như: Thanh Xà, Bạch Xà, Bạch Viên Tôn Các... Năm 6 tuổi, khi nghe hát cải lương tôi rất thích. Cha mẹ tôi thấy được năng khiếu của con nên cho tôi đi học cải lương chỗ thầy Quốc Du.

Dấu ấn huyền thoại: NSND Thanh Hải có thời như "điếc không sợ súng" - Ảnh 2.

NSND Thanh Hải chia sẻ trong chương trình "Dấu ấn huyền thoại". (Ảnh: Điền Quân)

Khi đi học, tôi may mắn gặp được vợ chồng anh chị Thanh Hùng – Ngọc Hoa đã dìu dắt tôi trong quá trình học. Thời đó còn nghèo, kiếm được cây đàn guitar rất khó. Đêm nào tôi cũng nằm chiêm bao thấy mình mua được cây đàn guitar, tôi chỉ dám ước trong giấc mơ.

Sau giải phóng, tôi may mắn được làm việc với những người có tên tuổi trong nghề như: Năm Cơ (đàn sến), Hai Thơm (đàn violin), NSND Viễn Châu (đàn tranh)... từ đó tôi có nhiều cơ hội hơn với nghề.  

Từ 1980 đến 1989, tôi cùng nghệ sĩ Văn Giỏi phụ trách các chương trình cải lương của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tiêu biểu là giai điệu "Vọng Kim Lang", nhiều đài phát thanh đã chọn lớp đầu của giai điệu này để làm nhạc hiệu của các chương trình cải lương. Từ đó, mọi người biết đến tôi nhiều hơn".

Vì có niềm đam mê tiếng đàn cùng nghệ thuật cải lương nên Thanh Hải được gia đình sắp xếp cho đến với lớp học đặc biệt.

NSND Thanh Hải chia sẻ: "Chị tôi là nghệ sĩ Kim Hà – nghệ sĩ ở Đài Phát thanh Giải Phóng nói rằng, mấy ông người Nam Bộ trong này ra đàn hay lắm mà đúng gu này chỉ có Nam Bộ thôi. Vậy là chị và gia đình tôi sắp xếp cho tôi lên đấy học. Lúc đó, tôi học thầy Út Du".

"Năm 1984, Việt Nam đưa một đoàn nghệ thuật qua châu Âu diễn gồm các môn như: múa rối nước, tuồng, chèo, cải lương. Trong đó, cải lương phổ biến ở phía Nam. Đó là lần đầu tiên nghệ sĩ Nam Bộ được lưu diễn ở nước ngoài, mọi người rất hào hứng. Khi đó, tôi vừa đàn vừa diễn. Sau chuyến lưu diễn đó, tôi bắt đầu sáng tác nhạc trong các vở cải lương" - NSND Thanh Hải nhớ lại.

Nam nghệ sĩ chia sẻ thêm: "Học thì nói thật tôi không được học đâu. Tôi học thầy, học bạn, "học lỏm" không à. Về sáng tác âm nhạc trong các vở cải lương, nhạc nền thì tôi bắt chước GS.TS Quang Hải với anh Ca Lê Thuần, anh Thanh Tùng.

Dấu ấn huyền thoại: NSND Thanh Hải có thời như "điếc không sợ súng" - Ảnh 4.

NSND Thanh Hải trổ tài thể hiện 8 nhạc cụ cùng lúc trong "Dấu ấn huyền thoại" . Ảnh Điền Quân

Lúc đó, tôi ở Đoàn Văn công Thành phố mỗi lần viết kịch bản đa phần do mấy "vị" đó viết. Tôi thấy tại sao viết như thế, đàn như thế, tôi mượn bác nhạc trưởng tổng phổ về đọc rồi bắt chước. Tôi mày mò, rồi tôi mới viết nhạc và sáng tác từ đó". 

NSND Thanh Hải không thể lý giải được tình yêu với tiếng đàn và cải lương

Tiếng đàn của NSND Thanh Hải dường như là bản năng, một thói quen đã ăn sâu vào trái tim, vào cơ thể và cả tâm trí. Bởi lẽ ngay cả người nghệ sĩ này cũng chẳng thể lý giải tại sao bản thân lại dành tình yêu lớn đến vậy cho tiếng đàn và cải lương. NSND Thanh Hải thổ lộ: "Khi chuẩn bị giải phóng thì Đài Phát thanh Giải Phóng diễn một tác phẩm là "Bạo chúa" của soạn giả - tác giả Lê Duy Hạnh.

Nguyên một kịch bản "Bạo chúa" được diễn cải lương, một dàn nhạc cũng chừng 15 người bên tân nhạc làm nhạc nền nhưng cũng chỉ có mình tôi đàn một cây guitar.

Vào thời điểm đó, với lứa tuổi của tôi lúc đó, chắc có lẽ mình giống như ông bà nói "điếc không sợ súng". Vì nếu biết nghĩ không dám đàn như thế đâu. Mặc dù đàn rất trọn vẹn, rất hay".

Dấu ấn huyền thoại: NSND Thanh Hải có thời như "điếc không sợ súng" - Ảnh 5.

NSND Thanh Hải và NSND Bạch Tuyết. (Ảnh: Điền Quân)

Trong "Dấu ấn huyền thoại", NSND Thanh Hải còn mang đến nhạc cụ của nghệ thuật hát bội để tạo nên nét mới lạ cho trích đoạn "Thái hậu Dương Vân Nga" do NSND Bạch Tuyết biểu diễn.

NSND Thanh Hải chia sẻ: "So với các bộ môn khác như tuồng, chèo thì cải lương phát triển muộn hơn. Mọi người thường nói nhạc công là người nghệ sĩ thầm lặng.

Khoảng những năm 80, 90 sân khấu Việt Nam đang trong thời kỳ đỉnh cao. Tác phẩm mang lại nhiều kỷ niệm nhất với tôi phải kể đến "Tô Ánh Nguyệt". Khi lên sân khấu, khán giả nghe bài này rất thích, tất cả các đêm diễn hầu như đều cháy vé.

Điều hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là những cống hiến của mình được khán giả ủng hộ. Đó là động lực để tôi nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng và theo đuổi nghề cải lương trên con đường dài".

Trong "Dấu ấn huyền thoại", một mình NSND Thanh Hải chơi qua 8 loại nhạc cụ. Đồng thời, khán giả còn được thưởng thức bản tân cổ "Miền nhớ" với tiếng ca của NSND Bạch Tuyết cùng trích đoạn "Tô Ánh Nguyệt" do NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Vũ Luân trình bày.


     
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem