Đau đáu “bài toán khó” nợ công: Nhiều cán bộ tưởng ODA là vốn cho không

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 31/10/2014 06:16 AM (GMT+7)
Trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội (KTXH) 2014-2015 ngày 30.10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình nợ công đang có dấu hiệu tăng nhanh, dẫn đến khả năng thiếu tiền chi cho đầu tư phát triển KTXH. 
Bình luận 0

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đã bày tỏ sự lo ngại của mình về tình hình nợ công hiện nay và đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư...

img ĐB Nguyễn Cao Sơn (tỉnh Hoà Bình) lo lắng về tình hình nợ công.

Mặt khác, ĐB Sơn cũng đề xuất, Chính phủ tính toán cân đối trình Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ dành riêng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời chỉ đạo tăng cường nguồn huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm đầu tư công; thực hiện tăng đầu tư ngân sách.

Dường như nỗi ám ảnh về nợ công đã bao trùm lên các ĐBQH khi có ĐB còn đề nghị thẳng thừng, Chính phủ cần sớm có giải pháp hạn chế, thậm chí chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào vốn vay ODA. ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, việc tiếp nhận và triển khai các dự án ODA phải rất cẩn trọng, có một nguyên tắc trong sử dụng vốn ODA, đó là không vay ODA để chi thường xuyên, bởi nếu làm thế sẽ gây áp lực lên nợ công và áp lực trả nợ của con, cháu chúng ta sau này.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Tiên, ĐB Nguyễn Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng: “Qua hơn 20 năm, chúng ta đã thu hút được nguồn vốn ODA khoảng 78 tỷ USD, đây là thành công lớn, song cũng trên thực tế cũng phát sinh nhiều vụ tiêu cực, điển hình như vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, JTC… Có điều tất cả các vụ việc này đều do phía nước ngoài phát hiện”. Chính vì thế, ĐB Nga đề nghị, Quốc hội cần tăng cường giám sát nguồn vốn này, cụ thể là cần ban hành Luật Quản lý sử dụng vốn ODA”.

ĐB Nga cũng cho rằng, có nhiều nơi cán bộ cứ nhầm tưởng ODA là vốn cho không, đây là một sự nhầm lẫn rất lớn, thực tế ODA là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ công. Do vậy, chúng ta không thể mãi lệ thuộc vào ODA, bởi bất kỳ một quốc gia nào lệ thuộc vào ODA tức là thất bại trong phát triển KTXH.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì bày tỏ quan điểm, theo dõi các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, ĐB rất mừng vì sự quyết tâm đồng lòng khắc phục yếu kém và lựa chọn các mục tiêu giải pháp để kinh tế phát triển tốt hơn, tăng trưởng cao hơn, nguồn thu ổn định, bền vững hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, ĐB đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết xử lý bất cập sau cho năm 2015. “Nợ công hiện đang là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới, ta đang ở mức trung bình; vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy còn thấp; cơ cấu chi chưa thật tốt 67% chi thường xuyên, 33% chi đầu tư phát triển, trả nợ thực sự chưa ổn, nêu quyết liệt hơn cố gắng giảm chi thường xuyên khoảng 10% nữa cho chi đầu tư phát triển và trả nợ”- ĐB Phong nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem