Dạy con: Nguyên tắc nhưng đừng cứng nhắc

Chủ nhật, ngày 21/07/2013 14:58 PM (GMT+7)
Luôn tuân thủ đúng nguyên tắc - đó tưởng chừng là biện pháp giáo dục con cứng nhắc nhưng thực ra lại rất hiệu quả.
Bình luận 0

Không làm "quan tòa"

Một lần đi siêu thị, tôi thấy 2 đứa trẻ khoảng 6, 7 tuổi đang đánh nhau, mặt mũi đỏ bừng, có vẻ tức giận lắm. Ngay lập tức, mẹ của 2 bé chạy đến can ngăn. Chị nhẹ nhàng giải thích: “Đánh nhau là không tốt. Hơn thế, đây là quầy đồ sứ, các con đánh nhau rất nguy hiểm, có thể làm vỡ đồ, làm đau ai đó nên lỗi của các con lại càng lớn hơn”.

2 đứa trẻ đang định mách tội nhau thì chị không nghe, chị nói rằng chuyện xảy ra thì cả 2 đều có lỗi. Rồi chị yêu cầu 2 con phải xin lỗi nhau. Mới đầu, cả 2 đều phụng phịu không chịu. Chị giải thích cho chúng rằng: “Ai cũng có thể mắc lỗi nhưng khi biết rằng mình có lỗi thì phải xin lỗi để giảng hòa nhau, để nhận lỗi về mình chứ không phải chỉ biết tìm cách “đổ lỗi” cho người khác”. Chị kiên quyết buộc 2 con phải nói lời xin lỗi nhau. Đứa nhỏ nghe lời mẹ xin lỗi chị trước. Đứa chị thì miễn cưỡng xin lỗi cậu em nhưng ấm ức khóc.

img

Ảnh minh họa

Có thể đứa lớn cho rằng đứa bé có lỗi trước nên nó ấm ức. Nhưng, qua cách phân xử của người mẹ, tôi tin rằng cô bé sẽ rút kinh nghiệm: Nếu xảy ra chuyện đánh nhau thì nó cũng mắc lỗi. Nếu không muốn bị mẹ phạt thì nó sẽ chọn cách cư xử khác như khuyên bảo, can ngăn em.

Cách dạy con của người mẹ đó thật thông minh và nhẹ nhàng. Chị muốn các con hiểu nguyên tắc trong ứng xử để xử trí trong mọi trường hợp chứ không đóng vai trò quan toà chạy theo phân xử từng “vụ” một.

Tuân thủ quy định của gia đình

Tôi từng có dịp tiếp xúc với một gia đình người Mỹ có 3 đứa con từ 7 đến 15 tuổi. Anh chị quy định mỗi ngày các con chỉ được chơi game nửa tiếng, giờ chơi linh hoạt tùy vào việc chúng học bài xong vào lúc nào hoặc người lớn có ở quanh đó không.

Hôm tôi đến chơi, cả nhà đang xem tivi, thấy có khách, anh chị ra bàn uống nước trò chuyện với khách. Dù không có ai xem tivi nữa nhưng cậu bé vẫn ra xin phép mẹ xem có được dùng tivi để chơi game không? Ngược lại, khi người lớn làm gì liên quan đến trẻ em cũng phải hỏi xem nó có đồng ý không. Ví dụ khi anh chị đưa chúng tôi đến một nhà hàng ăn tối. Khách hàng rất đông nên chờ được phục vụ khá lâu. Để các khách nhí đỡ sốt ruột, nhà hàng có 2 loại thực đơn, 1 cho người lớn, 1 cho trẻ em. Món của trẻ em không giống của người lớn và suất của chúng cũng chỉ bằng nửa người lớn. Tờ thực đơn cho trẻ rất vui mắt. Ngoài tên các món ăn còn có mục ghi tên khách, tuổi, sở thích... Thấy thú vị với cách phục vụ này, tôi rất muốn có tờ thực đơn mà mấy đứa con của anh chị đã điền thông tin, vẽ vào đó. Anh hỏi mấy đứa nhỏ, sau khi suy nghĩ một lát, cậu út vui vẻ cho tôi tờ thực đơn của nó.

Suốt ngày hôm đó, thỉnh thoảng, tôi lại thấy người mẹ đếm ngược từ 5 đến 1. Hỏi ra mới biết, mỗi khi có đứa con nào đó vi phạm quy định của gia đình (ví dụ: Trên ô tô nói quá to hoặc trêu chọc nhau)... chị nhắc con bằng cách đếm ngược. Nếu như đếm xong mà đứa trẻ đó vẫn không nghe lời thì ngay lập tức chị đưa ra hình phạt, có thể chỉ đơn giản là ngày mai nó sẽ không được chơi game.

Khi anh chị đưa các con vào quầy đồ chơi, tôi thấy chúng lựa rất kỹ, chứ không có ý định mè nheo đòi thêm món A, món B. Hóa ra, anh chị quy định mỗi tháng, mỗi đứa được mua 1 thứ đồ chơi nên chúng phải cân nhắc trước khi quyết định. Cách làm này khiến cho những đứa trẻ biết nâng niu, gìn giữ đồ chơi vì đó là món đồ mà chúng thích.


Quyên Quyên (Quyên Quyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem