“Đế chế” tỷ USD của các tỷ phú Thái trên đất Việt

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 22/03/2018 06:30 AM (GMT+7)
Sự xuất hiện liên tục của các thương vụ mua-bán, sáp nhập (M&A) đình đám của các tỷ phú người Thái với các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam bằng những món tiền tỷ USD đã phần nào cho thấy sức mạnh thực sự cũng như tham vọng của họ ở các thị trường của Việt Nam.
Bình luận 0

img

Sau thương vụ M&A Metro Việt Nam, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd tiêp tục thâu tóm cổ phần Vinamilk, Sabeco thông qua các công ty con

Thương vụ M&A Metro Việt Nam của tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd hay thương vụ mua lượng lớn cổ phần ở 2 doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam là Bình Minh và Tiền Phong hồi giữa năm 2012 của The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd đã khiến không ít người lo lắng những đại gia Thái Lan sẽ mượn hệ thống phân phối của các DN Việt để đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam.

Những cuộc “tấn công” vào thị trường đồ uống, bán lẻ

Ngày 22.8.2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) thông báo, cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk, F&N Dairy Investments – một hãng đồ uống có tuổi đời tới 130 năm của Singapore đã mua thêm 15 triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM) từ các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Số tiền mà F&N của tỷ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakd bỏ ra cho thương vụ này ước tính lên tới 1.800 tỷ đồng, giúp cho F&N nâng sở hữu tại Vinamilk lên hơn 110 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 11% cổ phần. Tổng số cổ phiếu mà F&N đang nắm giữ tại Vinamilk vào thời điểm đó có giá trị khoảng 12.400 tỷ đồng (590 triệu USD) và chỉ còn đứng sau cổ đông đại diện cho Nhà nước Việt Nam là SCIC.

img

Sau 5 năm, F&N của tỷ phú Charoen đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Vinamilk từ 11% lên 17,5%

Tới năm 2016, F&NBEV Manufacturing và F&N Dairy Investments, 2 công ty con 100% vốn sở hữu của Fraser & Neave Limited tiếp tục đăng ký đấu giá 39.189.150 cổ phiếu, tương đương 2,7% vốn điều lệ VNM và trúng giá 144.000 đồng/cổ phiếu.

Giai đoạn đầu năm 2017, F&N Dairy đã có 3 lần đăng ký mua mỗi lần 14,5 triệu cổ phiếu và đều không mua được cổ phiếu nào do diễn biến thị trường không phù hợp.

Không từ bỏ tham vọng, F&N Dairy tiếp tục đăng ký mua vào gần 21,77 triệu cổ phiếu VNM trong tháng 10.2017 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn nhưng chỉ mua được gần 2 triệu cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), nâng lượng sở hữu cổ phiếu VNM lên hơn 239,46 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 16,5% vốn điều lệ Vinamilk.

Ngay khi kết thúc đợt mua này, F&N Dairy lại đăng ký mua thêm hơn 14,51 triệu cổ phiếu VNM theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 10.1 đến 8.2.2018 nâng tỷ lệ hữu cổ phiếu VNM lên 17,5%.

Song song với quá trình thâu tóm cổ phần Vinamilk, một DN khác của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd là Berli Jucker (BJC) đã hoàn thành thương vụ mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với số tiền gần 900 triệu USD vào năm 2014. Trước đó 1 năm, năm 2013, BJC đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart.

img

Những thương hiệu Việt đã bị tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd thâu tóm cổ phần

Thương vụ gần đây nhất, thu hút sự quan tâm từ dư luận của vị tỷ phú 73 tuổi này chính là việc thông qua Vietnam Beverage – một công ty do Tập đoàn bia Thái Lan ThaiBev nắm giữ 49% vốn, mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco với số tiền 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,84 tỷ USD.

Theo thông tin từ Wall Street Journal, trước khi tiếp cận với Chính phủ Việt Nam nhằm mua cổ phần tại Sabeco vào năm 2014, một công ty khác của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là hãng đồ uống Fraser & Neave (F&N) đã thất bại trong việc thâu tóm một hãng bia Myanmar

Trong giai đoạn 2014 – 2015, tham vọng mua cổ phần Sabeco của ThaiBev cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi Thai Beverage muốn mua 40% cổ phần Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), trong khi giới hạn sở hữu nước ngoài với tài sản Nhà nước tại Việt Nam lúc đó chỉ là 25%.

Tới năm 2017, khi Chính phủ thực sự quyết liệt trong việc thực hiện kế hoạch thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco thì không chỉ Thai Beverage, mà cả Anheuser-Busch InBev, Kirin Holdings và một số tập đoàn ngoại tiềm năng khác như Asahi Group Holdings, San Miguel cũng chuẩn bị hồ sơ chào mua 343 triệu cổ phiếu của Sabeco.

Song mức giá “trên trời” của cổ phiếu Sabeco khiến nhiều nhà đầu tư từ bỏ ý định mua cổ phần của tổng công ty này.

Để thực hiện thương vụ mua 53,6% cổ phần Sabeco, ThaiBev và công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo Limited đã tiến hành đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau với tổng số tiền tương đương 4,84 tỷ USD.

Trong đó ThaiBev vay 100 tỷ Baht, tương đương 3,05 tỷ USD từ các ngân hàng của Thái Lan còn BeerCo vay 1,95 tỷ USD thông qua 2 ngân hàng đầu mối là Mizuho Bank chi nhánh Singapore và Standard Chartered chi nhánh Singapore. Các khoản vay này có thời hạn 2 năm.

Toàn bộ số tiền trên sau đó đã được BeerCo cho Vietnam Beverage vay lại để thanh toán tiền mua cổ phần và các chi phí có liên quan. Kết quả, sau giao dịch này, Vietnam Beverage đã chính thức trở thành công ty nắm quyền kiểm soát của Sabeco.

Việc thâu tóm thành công Sabeco dự kiến sẽ giúp ThaiBev đạt được mục tiêu năm 2020 là mở rộng hoạt động, nâng tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài chiếm trên 50% tổng doanh thu của tập đoàn.

Xét theo doanh số bán hàng năm 2016, Sabeco chiếm gần 41% thị phần tại Việt Nam - quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ 3 ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Làn sóng thâu tóm doanh nghiệp Việt

Không chỉ riêng ông vua M&A Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd, việc các tỷ phú Thái Lan đổ tiền vào mua-bán, thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên phổ biến trong vài năm gần đây với nhưng thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD.

img

Tỷ phú Thái Kan Trakulhoon lần lượt thâu tóm cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong

Mới đây, khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phần, tương đương 29,51% vốn điều lệ của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - doanh nghiệp nhựa của Thái Lan và một nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng giá 96.500 đồng/cổ phiếu. Điều này giúp tỷ lệ sở hữu của The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd tại BMP là 49,92%.

Một điều bất ngờ là ở thời điểm Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chuyển nhượng cổ phhiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh cho các cá nhân, tổ chức trúng giá, trong danh sách chỉ có tên The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. Còn cá nhân đã đấu giá thành công 20.000 cổ phiếu BMP không xuất hiện trong danh sách chuyển nhượng cổ phiếu.

img

Thị phần của The Nawaplastic Industries (Saraburi) trước khi đấu giá thành công 24,1 triệu cổ phần BMP của Nhựa Bình Minh

Bản thân The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd là một thành viên của Tập đoàn SCG của Thái Lan - chuyên sản xuất ống nhựa PVC. Đồng thời, cũng là một cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương hơn 20,4% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Công ty này cũng từng nắm giữ 24% cổ phần tại Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, 20,4% cổ phần tại Nhựa Bình Minh.

Chính SCG tại Việt Nam thời gian qua đã tiến hành một loạt thương vụ đình đám như: mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng) vào cuối năm 2012; Công ty Bao bì nhựa TC, công ty thành viên của SCG đã mua lại 80% cổ phần của Công ty CP Bao bì Tín Thành.

Hồi cuối năm 2017, Tập đoàn Thái Lan SCG cũng chi 156 triệu USD mua lại nhà máy xi măng của Kusto Group ở Quảng Bình.

img

C.P Việt Nam của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanant hiện đang thống trị mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gà công nghiệp tại Việt Nam

Còn với tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanant, C.P Việt Nam của tỷ phú này hiện đang thống trị mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gà công nghiệp tại Việt Nam với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được xem rất giàu tiềm năng với mức tăng trưởng hai con số/năm. Tuy nhiên, thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, nhất là lĩnh vực chăn nuôi đang bị phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, từ thức ăn đầu vào cho tới chế biến và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi của người Việt có cơ hội phát triển rất hẹp cho dù thị trường này của Việt Nam đang đứng ở tốp đầu về sản lượng trên toàn thế giới. Với tỷ trọng lớn nhất, doanh nghiệp của tỷ phú Dhanin Chearavanant cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc khác đang thu hẹp dần thị phần của các doanh nghiệp nội.

Nhìn lại những vụ thâu tóm thời gian qua có thể thấy người Thái dành sự quan tâm đặc biệt đến cổ phần của các doanh nghiệp lớn của nhà nước Việt Nam khi cổ phần hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem