Để được công nhận là trang trại cần những điều kiện gì?

Lê Chiên (Trang Trại Việt) Thứ sáu, ngày 30/10/2015 14:39 PM (GMT+7)
Mặc dù đầu tư một vài ha đất để chăn nuôi thủy sản hoặc gia súc, gia cầm, nhưng khi thực hiện các thủ tục vay vốn lại không được hưởng chính sách của Nhà nước ưu đãi cho trang trại. Vì thế, nhiều chủ trang trại muốn chuyển đổi lĩnh vực sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi… hoặc mở rộng sản xuất lại lúng túng về thủ tục, băn khoăn không biết khi đó có được hưởng chính sách đãi của Nhà nước không, cần phải có điều kiện gì?.
Bình luận 0

img

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An). Ảnh: Lê Chiên

Đó là những câu hỏi bạn đọc gửi về Trang Trại Việt. Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi và trả lời của luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Tôi đầu tư 1ha đầm để nuôi tôm, vậy có được  vay vốn ưu đãi quy định cho trang trại không?  Nhà nước quy định phải đạt tiêu chí gì để được công nhận là kinh tế trang trại? (Nguyễn Văn Hải ( Nghệ An)

- Cho dù sản xuất, chăn nuôi tập trung, nhưng không phải bất cứ cơ sở nào cũng được coi là kinh tế trang trại. Để được công nhận là kinh tế trang trại cần phải hội tụ nhiều điều kiện như quy mô, giá trị kinh tế thu được… Theo quy định của pháp luật (Điều 5 Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT) thì cá  nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau:

1. Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt:

a) Có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu: 3,1ha đối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long;  2,1ha đối với các tỉnh còn lại.

b) Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm.

2. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên;

3. Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Các bạn lưu ý: Tiêu chí xác định kinh tế trang trại không phải là bất biến mà được được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, ổn định trong thời gian tối thiểu là 5 năm. (Điều 6, Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT).

Bên cạnh đó, căn cứ vào tiêu chí cơ bản nêu trên, tùy theo điều kiện kinh tế xã hội, đất đai, nguồn lực… mà UBND cấp tỉnh có quy định tiêu chí kinh tế trang trại của địa phương mình. Đơn cử như tỉnh Trà Vinh (QĐ Số: 87/2004/QĐ-UBT ngày 27.12.2004) để được công nhận là trang trại lai tạo bò giống theo hướng chuyên thịt và sữa thì phải có quy mô thường xuyên từ 30 con trở lên; có diện tích trồng cỏ từ 01ha trở lên…hoặc để được công nhận là trang trại sản xuất heo giống thì quy mô phải có thường xuyên từ 40 con nái trở lên; sản lượng con giống cung cấp bình quân 01 năm đạt từ 640 con heo giống trở lên… Hay như ở Đăk Lăk thì tiêu chí về diện tích tối thiểu cho 1 vùng trang trại là 3ha đối với đồng bằng, 5ha đối với miền núi;… (QĐ Số: 1281/QĐ-UBND ngày 14.4.2015)

Chỉ khi nào đáp ứng được những tiêu chí nêu trên thì cơ sở đó mới đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại. Đây chính là cơ sở để chủ trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về đất đai, thuế, cho vay đầu tư…

Mặc dù cơ sở nuôi tôm của bạn chưa đạt tiêu chí về kinh tế trang trại, nhưng bạn vẫn được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Nghị Định số 55/2015/NĐ-CP. Theo đó cá nhân, hộ gia đình và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức: Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn.

img

Trang trại nuôi tôm công nghiệp ở vùng núi Tiên Yên, Quảng Ninh. Ảnh: I.T

Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định, đánh giá công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại? Quy trình thẩm định công nhận ra sao?

Trần Thế Tuấn (Kiên Giang)

Cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo quy định trên sẽ được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Đối với trường hợp đề nghị cấp mới, cá nhân, hộ gia đình hoặc người đại diện theo ủy quyền (gọi tắt là chủ trang trại) nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trang trại sản xuất. Đối với cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn nhiều xã thì chủ trang trại tự quyết trong việc lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã nào nộp hồ sơ cho thuận tiện nhất.

Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ khi có đủ giấy tờ theo quy định và phải trao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ trong đó ghi rõ ngày hẹn trả kết quả. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác nhận Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại và chuyển hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp không xác nhận Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho chủ trang trại trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

-  Đầy đủ hồ sơ theo quy định

- Thỏa mãn tiêu chí xác định kinh tế trang trại (nêu trên)

Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sau khi cấp được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã và trả cho chủ trang trại trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó nói rõ lý do để thông báo cho người nộp hồ sơ. Nếu sau 13 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ mà không nhận được Giấy chứng nhận kinh tế trang trại hoặc không nhận được thông báo không cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì chủ trang trại đó có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Để biết chi tiết về hồ sơ, các bạn tham khảo Điều 8, Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT.

Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: Trang trại chấm dứt hoạt động sản xuất; trang trại có diện tích đất sử dụng giảm xuống dưới mức quy định hoặc trong 3 năm liền không đạt tiêu chuẩn quy định về giá trị sản phẩm hàng hoá nông, lâm, thủy sản. (Điều 12 Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT)

img

Trang trại lợn sạch của chị Trần Thị Bé, thôn Văn Cẩm, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh: Loan Lê

Chủ trang trại muốn chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản sang chăn nuôi lợn hoặc mở rộng quy mô trang trại  thì cần điều kiện gì để nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước?

Phạm Văn Huê (Thái Bình)

- Việc chuyển đổi lĩnh vực sản xuất của trang trại từ nuôi trồng thủy sản sang chăn nuôi hoặc trồng trọt… xuất phát từ hiệu quả kinh tế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường… được Nhà nước cho phép. Tuy nhiên khi chuyển đổi chủ trang trại có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Như vậy, điều kiện duy nhất khi chuyển đổi lĩnh vực sản xuất của trang trại là chủ trang trại phải làm thủ tục đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, có như vậy mới đủ điều kiện để tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Khi chuyển đổi lĩnh vực sản xuất của trang trại từ nuôi trồng thủy sản sang chăn nuôi hoặc trồng trọt về thực chất vẫn là kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp. Do vậy những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho kinh tế trang trại vẫn theo những quy định chung.. Tuy nhiên để khai thác những lợi thế của địa phương mình, một số địa phương lại có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho mỗi lĩnh vực kinh tế trang trại khác nhau. Ví dụ tại Thanh Hóa UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung giai đoạn 2012 - 2015, đã hoàn thành đầu tư xây dựng chuồng trại, được thẩm định đạt các tiêu chí theo quy định và quy mô từ 2.000 con bò sữa trở lên sẽ được hỗ trợ 3.000.000 đồng/1con để xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài tường rào trang trại (đường giao thông, cấp thoát nước, …) và giải phóng mặt bằng (QĐ số 2009/2012/QĐ-UBND).

Hoặc tỉnh Thái Bình, khi doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay các ngân hàng thương mại để đầu tư tài sản cố định trực tiếp cho sản xuất trong 02 năm đầu kể từ ngày vay vốn; doanh nghiệp có dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản được  hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay các ngân hàng thương mại để đầu tư tài sản cố định trực tiếp sản xuất giống ngao sinh sản trong 03 năm đầu kể từ ngày vay vốn. (Điều 5,6 Quy định cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020, Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2014 của Ủy bannhân dân tỉnh Thái Bình)

Như vậy khi trang trại chuyển đổi lĩnh vực sản xuất thì sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ tương ứng với lĩnh vực đó. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể cung cấp hết cho các bạn chính sách hỗ trợ của các địa phương đối với từng lĩnh vực sản xuất. Để có được thông tin chi tiết các bạn có thể liên hệ  trực tiếp với cán bộ khuyến nông của huyện hoặc các cơ quan liên quan cấp tỉnh như Sở Kế hoạch đầu tư, Sở NN và PTNT nơi có dự án trang trại.

Về trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được thực hiện tương tự như cấp mới (nêu trên). Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại các bạn tham khảo tại điều 9 Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT.

Đối với việc mở rộng quy mô trang trại: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. (Điểm d, mục 3, phần II, Nghị quyết Số: 03/2000/NQ-CP). Tuy nhiên việc mở rộng quy mô trang trại phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ những quy định của Luật Đất đai và còn tùy thuộc vào quỹ đất của địa phương. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông thường tính theo tỷ lệ % quy mô của dự án, như mức vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (Khoản 1, Điều 7,  Nghị định số: 75/2011/NĐ-CP)  như vậy quy mô trang trại càng lớn thì vốn vay và hỗ trợ của Nhà nước càng nhiều. Các chính khác như miễn thuế thu nhập, đất đai, đào tạo… quy mô trang trại càng lớn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ nhiều hơn. Tương tự như chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, khi mở rộng hoặc nâng cấp trang trại, có địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích kinh tế trang trại phát triển, như ở Thái Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem