Để lộ thông tin người tố cáo: Nếu có hậu quả phải chịu trách nhiệm

Lương Kết (thực hiện) Thứ năm, ngày 08/06/2017 14:37 PM (GMT+7)
"Rõ ràng việc để lộ tên người tố cáo rất là lỗi sơ đẳng, thực ra cán bộ tham mưu hay lãnh đạo có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải biết quy định của luật pháp là phải giữ bí mật cho người tố cáo", Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

 Đại biểu Bùi Văn Xuyền. (Ảnh: Đàm Duy)

Vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp để lộ thông tin người tố cáo, khiến người này bức xúc gửi đơn đến các cơ quan T.Ư, ông có nhìn nhận gì?

- Rõ ràng với trách nhiệm trong thực hiện giải quyết tố cáo, người lãnh đạo phải hiểu rõ việc giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Còn trường hợp hiện nay như ở Đồng Tháp, trong quá trình giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền để lộ tên người tố cáo, nếu việc để lộ này gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm theo Luật Tố cáo hiện hành. Còn chưa có hậu quả thì cán bộ có thẩm quyền cần xem xét giải quyết nội dung tố cáo cho người dân.

Người tố cáo ở Đồng Tháp lo ngại việc lộ thông tin sẽ dẫn tới hậu quả, vậy Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cần chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo vệ người tố cáo này?

- Phải căn cứ vào thực tiễn, nếu như người tố cáo có yêu cầu được bảo vệ thì cơ quan giải quyết tố cáo khi đã để lộ tên phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cả về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Cần làm rõ trách nhiệm của người đã để lộ thông tin người tố cáo để lấy lại niềm tin cho người dân, thưa ông?

- Việc làm rõ trách nhiệm thế nào cần căn cứ vào hậu quả xảy ra, nghĩa là trong quá trình giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền để lộ tên người tố cáo dẫn tới việc họ bị đe dọa, bị trả thù hoặc các bị các thiệt hại khác thì anh phải xin lỗi và bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn khi chưa xảy ra hậu quả thì chưa có được đánh giá và xử lý cụ thể được.

Còn hiện nay, trách nhiệm của cơ quan giải quyết tố cáo phải giải quyết cho thấu đáo, minh bạch công khai xem nội dung tố cáo đó đúng hay sai. Nếu như tố cáo của người dân đúng thì cơ quan chức năng xử lý người sai phạm thế nào theo quy định của pháp luật và trả lời rõ ràng cho người dân biết. Làm tốt điều này, tôi nghĩ sẽ lấy lại niềm tin của người dân trong việc tố cáo.

Trong trường hợp nội dung tố cáo không đúng, cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền giải quyết cũng phải thông tin đầy đủ, kịp thời, có thể phối hợp với cơ quan chức năng làm việc với người tố cáo để xem động cơ, mục đích của họ là gì, tùy từng tình huống cụ thể để xử lý cho hài hòa, đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch.

Tất nhiên đối với cương vị là lãnh đạo để xảy ra việc lộ tên người tố cáo thì cần có rút kinh nghiệm rất sâu sắc để góp phần xử lý tốt các tình huống tiếp theo.

Việc để lộ thông tin người tố cáo là lỗi rất sơ đẳng dù giải thích dưới lý do gì, ông nghĩ sao về chất lượng cán bộ tham mưu, cũng như cán bộ lãnh đạo trong trường hợp này?

- Rõ ràng để lộ tên người tố cáo là lỗi sơ đẳng, thực ra cán bộ tham mưu hay lãnh đạo đều phải biết quy định luật pháp quy định là phải giữ bí mật cho người tố cáo. Khi người có thẩm quyền xử lý đơn tố cáo phải nghĩ ngay đến điều đó, mặc dù hậu quả chưa xảy ra. Có thể vụ việc này không có vấn đề gì lớn, nhưng để khắc phục việc này người có trách nhiệm phải giải quyết tốt nội dung tố cáo và trả lời kịp thời, công khai.

Vụ việc ở Đồng Tháp cần được xem là bài học sâu sắc cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tố cáo, thưa ông?

- Đây đúng là bài học, có lẽ vụ lộ tên người tố cáo ở Đồng Tháp không phải vụ việc đầu tiên, hy hữu, có thể còn những vụ việc khác. Hiện nay dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được trình Quốc hội để cho ý kiến lần đầu cũng tập trung vào vấn đề bảo vệ người tố cáo. Đây là vấn đề hạn chế của Luật Tố cáo hiện hành. Trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này có nhiều quy định rất nhiều xung quanh vấn đề này.

Đối với các cơ quan có thẩm quyền , người có thẩm quyền và bộ phận tham mưu trong giải quyết tố cáo cần phải quan tâm đến việc bảo vệ người tố cáo. Đây là việc rất quan trọng, anh có bảo vệ, có giữ bí mật được cho người tố cáo thì mới động viên, mới thu hút sự tham gia của người dân tố cáo việc tiêu cực, vi phạm pháp luật. Còn như không bảo vệ được người tố cáo thì còn ai dám đứng ra tố cáo.

Xin cảm ơn ông.

Chiều 6.6, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thu hồi quyết định sai luật vì đã nêu tên, địa chỉ người tố cáo ông Phan Văn Thương và ông Đặng Văn Nang (Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh).

Trước đó, ngày 14.2, người đàn ông 59 tuổi ở TP.Cao Lãnh gửi đơn đến UBND tỉnh Đồng Tháp tố cáo ông Thương và ông Nang có tiêu cực liên quan đến dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn.

Hơn tháng sau, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định thụ lý giải quyết vụ việc và giao nhiệm vụ các cơ quan chức năng xác minh nội dung tố cáo. Tuy nhiên, quyết định lại nêu rõ tên và địa chỉ của người đứng đơn.

Bức xúc danh tính của mình bị công khai, người đàn ông tố cáo đã gửi đơn đến các cơ quan T.Ư khiếu nại. Ông này lo ngại cuộc sống của mình và gia đình bị đe doạ khi thông tin bản thân tố cáo cán bộ bị công khai.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là sơ suất của cơ quan tham mưu chứ không có ác ý gì đối với công dân tố cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem