Đề xuất phương án "nóng" cho trường đại học mở hệ THPT giảm áp lực thi lớp 10: Các trường phản hồi

Tào Nga Thứ bảy, ngày 08/07/2023 15:13 PM (GMT+7)
Theo đề xuất này, thành phố Hà Nội hãy làm việc với Bộ GDĐT cấp phép cho các trường đại học đóng trong nội đô được mở hệ THPT như đã mở cấp 3 chuyên ngữ, chuyên sư phạm... hoặc loại hình khác do trường đại học chủ động đề xuất.
Bình luận 0

Đề xuất cho trường đại học ở Hà Nội mở hệ THPT giảm bớt áp lực thiếu trường, thiếu lớp

Theo chia sẻ từ Sở GDĐT Hà Nội, năm 2023, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 là gần 105.000 em. Trong đó, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000, chiếm 55,7%, cộng thêm chỉ tiêu của một số trường chuyên. Một con số khiến phụ huynh và dư luận giật mình. Học sinh  áp lực đổ đầu, căng mình học ngày học đêm để mong được vào học tại trường công lập dẫn đến tình trạng kỳ thi lớp 10 còn căng hơn cả thi đại học.

Cảnh tượng đêm 2/7 - rạng sáng 3/7, hàng trăm phụ huynh có con không trúng tuyển công lập vắt chân lên cổ chạy ra trước cổng trường tư thục THPT Phan Huy Chú, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu chầu chực xuyên đêm nhưng nhiều phụ huynh phải ngậm ngùi ra về tay trắng. 

Đề xuất phương án "nóng" cho trường đại học mở hệ THPT giảm áp lực thi lớp 10: Các trường phản hồi - Ảnh 1.

Học sinh tranh nhau suất vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Tình trạng này được nhiều giáo viên, chuyên gia đánh giá nguyên nhân do thiếu trường lớp, đặc biệt là những trường hot nội đô. 

Mới đây, ông Lê Dũng, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, đưa ra để xuất về phiên chế cấp 3 trong các trường đại học nội đô.

"Sau khi có phê duyệt của Bộ GDĐT, ngày 24/3/2008, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã công bố thành lập công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội.

Đây là mô hình doanh nghiệp lần đầu tiên được phép thành lập tại một trường Đại học ở Việt Nam. Và đó là tiền đề cho sự ra đời của Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu mà phụ huynh thức đêm xếp hàng vừa rồi.

Tôi nghĩ, trước mắt để giải quyết ngay lập tức nhu cầu nội đô trong sang năm, thành phố Hà Nội hãy làm việc với Bộ GDĐT để tiến tới cấp phép cho các trường đại học đóng trong nội đô được mở hệ THPT do họ quản lý, như đã mở cấp 3 chuyên ngữ, chuyên sư phạm, chuyên khoa học tự nhiên, hay như THPT Tạ Quang Bửu, hoặc loại hình khác do trường đại học chủ động đề xuất.

Đặc biệt về chính sách, không nên hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh một cách cứng nhắc và phi lí, nếu như mọi điều kiện đều đạt chuẩn. Ví dụ, THPT Tạ Quang Bửu được phụ huynh đánh giá cao, tại sao lại "buộc chân" trường bằng chỉ tiêu đóng, mà không mở linh hoạt cho họ?

Nếu hình thành chính sách tốt, bao gồm hỗ trợ bước đầu về ngân sách, điều chuyển cơ hữu giáo viên trên địa bàn, thông tin rộng rãi, thì ngay sang năm sẽ có: cấp 3 Bách khoa 2, cấp 3 Xây dựng, cấp 3 Kinh tế quốc dân, cấp 3 Thủy lợi, Thương mại, Giao thông, Ngoại thương, Ngoại giao, Học viện thanh thiếu niên, Học viện ngân hàng, Công đoàn, Y khoa...

Có ít nhất 12 trường đại học trong nội đô, thì có thể nhanh chóng có thêm 12 trường cấp 3. Nâng sức chịu tải nội đô lên khoảng 12.000 chỗ học, nếu mỗi trường đảm nhận 1.000 học sinh.

Dân số nội đô cao không phải bây giờ mới có mà tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay. Khi các con vào lớp 1, thì đã có thể tính được lớp 10 trên địa bàn 1 quận. Sao lại có thể để diễn ra tình trạng đó hàng chục năm trời mà không có biện pháp cải cách?", ông Lê Dũng chia sẻ. 

Ý kiến này ngay sau đó đã nhận được tán thành của nhiều giáo viên và phụ huynh bởi hiện nay trường THPT trong trường đại học đang nhận được quan tâm của phụ huynh, thậm chí rất hot mỗi mùa tuyển sinh.

Các trường nói hay nhưng khó

Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ: "Đây cũng là một giải pháp nhanh nhất để giải quyết tình trạng nóng thiếu trường lớp bậc THPT. Như ở Hà Nội hàng năm mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10 thiếu đến 30.000-40.000 chỗ học.

Các trường này sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hệ thống các phòng thí nghiệm thực hành có sẵn ở trong trường đại học. Tuy nhiên đây cũng là một bài toán cần cân nhắc. Chúng ta sẽ phát triển theo mô hình trường gì? Công, tư hay bán công vì mỗi mô hình có hình thức hoạt động khác nhau. Mô hình trường cấp 3 cũng khác với đại học vì các em cần phải học đủ số giờ, số buổi. Không phải trường nào cũng đáp ứng được".

Đại diện một trường đại học khác cũng cho biết điều này Bộ GDĐT cũng quy định rõ. Vì điều kiện để mở trường THPT tương đối nhiều nên không phải trường đại học nào cũng đáp ứng được.

TS Trần Đình Lý, phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng cho rằng: Giáo dục Trung học không giống giáo dục Đại học. Mặc dù trình độ giảng viên ở trường đại học cao nhưng còn nhiều vấn đề liên quan khác như nghiệp vụ sư phạm, tâm lý lứa tuổi học sinh khác với sinh viên...

Khoa khoa học cơ bản của các trường đại học không phải trường nào cũng có và đảm bảo đủ chương trình giáo dục phổ thông phải cần rất nhiều vấn đề. Chưa kể mở trường THPT thì với quy định hiện tại lại trực thuộc quản lý chuyên môn của Sở GDĐT tỉnh/thành phố. Việc thi THPT là do phân luồng để học sinh có hướng phát triển nghề nghiệp, vậy nếu 100% học sinh vào giáo dục phổ thông thì mảng giáo dục chuyên nghiệp sẽ có nguy cơ phá sản".

Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM nêu quan điểm: "Các trường đại học mở trường THPT sẽ có thuận lợi về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất tốt. Thế nhưng điều này lại không theo quy định của các trường THPT. Mở ra các trường phải đầu tư mới hoàn toàn cũng gây khó vì không biết có tuyển sinh được không.

Khó khăn nữa là thêm trường THPT thì phải có đủ sân chơi, sân trường để chào cờ... cùng nhiều điều kiện khác mà các trường đại học không đáp ứng được yêu cầu mở THPT, đặc biệt là ở TP.HCM, cơ sở vật chất của các trường đại học khá nhỏ".

Ths Sơn chia sẻ thêm, Trường Đại học Công thương TP.HCM có trung tâm giáo dục phổ thông, mỗi năm tuyển sinh từ 520 - 600 học sinh lớp 10. "Ở quận Tân Phú hàng năm có khoảng gần 5.000 học sinh tốt nghiệp cấp 2 nhưng trường cấp 3 thì có 4 trường và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Sức chứa tối đa của các trường này là 3.000 học sinh, do không đủ chỗ nên 2.000 em phải đi học tại các trường khác", Ths Sơn cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem