Đề xuất TP.HCM làm “nhạc trưởng” kết nối giao thông Nam Bộ

Văn Dũng Thứ ba, ngày 02/07/2019 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về giao thông đã đề xuất TP.HCM làm “nhạc trưởng” để kết nối giao thông với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ.
Bình luận 0

Trong hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển” do Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 29/6, nhiều học giả, chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất giải pháp để kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ. Trọng tâm chính là các định hướng quan trọng, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực Nam Bộ.

5 lực cản phát triển giao thông Nam Bộ

img

Điểm nối giữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương và dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.  Ảnh: T.L

"Chúng ta cần có đơn vị điều phối quản lý cấp vùng, cần có vai trò “nhạc trưởng” và TP.HCM phù hợp với vị trí vai trò này. Nhưng TP.HCM thiếu nguồn lực và cơ chế tài chính hạn chế, do đó đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách TP.HCM để phục vụ phát triển vùng”.

TS Dương Như Hùng - Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường
ĐH Bách Khoa TP.HCM

Theo các đại biểu, hiện nay, thực trạng hạ tầng giao thông hiện hữu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

TS Dương Như Hùng - Trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người đại diện nhóm chuyên gia ĐH Quốc gia TP.HCM, đã chỉ ra 5 vấn đề chính của phát triển giao thông khu vực Nam Bộ. Từ chất lượng quy hoạch, lập và thẩm định dự án, đến năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư; từ những bất cập phát sinh trong đền bù giải phóng mặt bằng đến việc thiếu nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm và các vấn đề mới xuất hiện chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Ngoài ra, đặc tính thuộc về tổ chức xã hội, văn hóa cũng được nêu ra như “văn hóa đi xe máy” đan xen với các phương tiện cơ giới lớn… Bên cạnh đó, vấn đề thiếu kết nối hạ tầng giao thông, phân bổ giữa bảo trì và xây dựng mới không hợp lý, phân bổ đầu tư giữa đường thủy và đường bộ còn bất cập.

Cần điều phối quản lý cấp vùng

Nhiều giải pháp đã được đặt ra như việc quy hoạch giao thông cần dựa trên quy hoạch và liên kết phát triển vùng; Cần phải phát huy vai trò của các trường ĐH trong khu vực ngay từ đầu của quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ, nâng cao tỷ trọng đầu tư cho đường thủy; Minh bạch công khai trong đấu thầu và triển khai thu phí không dừng; Phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng.

Vai trò của TP.HCM được nhiều đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh sự phối hợp giữa các ngành và địa phương còn thiếu và có lợi ích cục bộ. Theo các chuyên gia, cần đưa TP.HCM trở thành “nhạc trưởng” trong quy hoạch phát triển vùng, cho phép TP.HCM thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Để có thêm nguồn lực, TS Hùng ủng hộ ý kiến đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân với Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 18/6 rằng, TP.HCM giữ lại 20% trong nguồn ngân sách đóng góp về Trung ương để phát triển hạ tầng giao thông.

Đề cập đến tính kết nối hạ tầng giao thông Đông - Tây Nam Bộ, ông Lê Đỗ Mười - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) nói, TP.HCM cần sớm khép kín đường vành đai.

Còn theo ông Jim Bradley - chuyên gia giao thông đến từ nước Anh, ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quản lý tình trạng tắc nghẽn là phải thực hiện các biện pháp quản lý nhu cầu giao thông đối với không gian đường bộ, ưu tiên hoạt động vận tải công suất lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem