Đi săn “cua trinh nữ”

Thứ ba, ngày 10/09/2013 06:36 AM (GMT+7)
Từ hàng trăm năm nay có một loài cua kỳ lạ sống trên vùng cao, đất bãi thuộc xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). Loài cua này có màu trắng sữa đục, khi luộc cũng không chuyển màu, người dân nơi đây gọi là “cua trinh nữ”.
Bình luận 0
Cuộc đi săn…

Đến xã Ngọc Sơn để tìm hiểu về loại “cua trinh nữ”, chúng tôi được người dân giới thiệu tìm gặp anh Kà Văn Huy (SN 1967, ở xóm Cha, xã Ngọc Sơn), người được mệnh danh là “đệ nhất bắt cua trinh nữ” ở vùng đất xứ Mường với hơn 40 năm trong nghề.

Theo anh Huy, ở Ngọc Sơn chỉ có 3 nơi mà “cua trinh nữ” xuất hiện nhiều nhất, đó là rừng Bẩy Mý, rừng Bà Già và Bãi Nhạ. Còn lại quanh nơi dân cư sinh sống thỉnh thoảng trong vườn người dân cũng có, nhưng số lượng không nhiều. Đặc biệt, “cua trinh nữ” thường sống ở những nơi khô cằn, không có sông suối hay nguồn nước. Nơi ở của loài cua này cũng rất đặc biệt, chúng đào hang sâu khoảng 3-5m, thậm chí đến 6m, thức ăn của cua thường là giun, nhái và các loại côn trùng...

Muốn bắt “cua trinh nữ” không thể dùng tay thọc vào hang, cũng không thể tới nơi “cua trinh nữ” ẩn náu được, mà nếu dùng thuổng để đào bắt thì rất mất thời gian, tốn công sức bởi hang rất sâu. Để giải đáp thắc mắc của chúng tôi, rằng “cua trinh nữ” sống ở nơi khô cằn mà lại đào hang sâu tới 5-6m thì làm sao phát hiện ra cua để bắt, anh Huy đã rủ chúng tôi cùng đi săn cua...

Anh Kà Văn Huy và con cua vừa bắt được.
Anh Kà Văn Huy và con cua vừa bắt được.

Theo anh Huy, muốn săn được cua, trước tiên phải có chiếc cần tốt, có thể dùng bất cứ cành cây nào, có độ đàn hồi vừa phải, chiều dài lý tưởng khoảng 80-100cm, tùy theo chiều cao của người câu. Loại cây của anh Huy hay dùng làm cần là ngọn cỏ tranh. Sau khi đã tuốt bỏ bộ lá già, chỉ để lại 2-3 chiếc lá non trên ngọn, anh lấy cuốc đi đào giun, bởi “cua trinh nữ” này rất nhạy cảm với mùi tanh của con giun, con nhái chà xát vào lá non của cần câu để dụ nó ra khỏi hang nhanh hơn.

Theo chân anh Huy, chúng tôi đến rừng Bà Già, một trong những hang ổ của “cua trinh nữ”. Đến nơi, anh chỉ cho chúng tôi khu vực có nhiều hang cua nhất, vị trí ở đâu anh đều nhớ cả. Quan sát từ xa, thấy một hang cua, mà bằng con mắt nhà nghề của anh là có cua đang sống ở trong hang, anh Huy quay lại nói với chúng tôi:

“Phải bước đi hết sức nhẹ nhàng, bởi giống cua này vốn sợ người, nếu cua thấy động là chui vào sâu trong hang và không ra nữa đâu”.

Chúng tôi nhẹ nhàng tiến lại gần hang cua, tay anh cầm cành cây làm mồi nhử đến gần cửa hang hơn, lom khom bước áp sát vào cửa hang - nơi ẩn náu của “cua trinh nữ” rồi cầm cành cây đưa đi đưa lại trên miệng hang. Khoảng 5 phút sau, một con cua bò ra, khi cua ra khỏi hang chừng 10cm, anh nhanh tay vồ lấy. Cứ tiếp tục thể hiện tài nghệ của mình khoảng 3-4 giờ như vậy, anh Huy đã bắt được kha khá cua, đủ để làm một bữa ra trò.

 “Cua trinh nữ” được bắt ra khỏi hang có độ sâu 5-6m.
“Cua trinh nữ” được bắt ra khỏi hang có độ sâu 5-6m.

Anh Huy còn bật mí cho chúng tôi biết, nếu muốn câu được nhiều cua mà không phải mất nhiều thời gian, thì chọn những hôm trời mưa, hang bị ngập nước, cua ngộp thở nên bò lên kiếm ăn rất nhiều. Mùa hè chúng thường ít ra ngoài, còn mùa đông chúng lấp miệng hang ngủ.

“Cua trinh nữ” gây chết người?

Gần đây xuất hiện tin đồn có người ăn loại “cua trinh nữ” này bị ngộ độc chết. Ông Bùi Văn Vọng - một cao niên ở xóm Cha nói: “Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước, nhưng loài “cua trinh nữ” này tôi chưa thấy vùng đất nào có. Trước đây cũng có một thời gian người dân đồn rằng ăn loài cua này sẽ bị ngộ độc, nôn mửa, ăn nhiều còn gây tử vong.

Thời gian gần đây, người dân lại đồn nhau rằng có người ở gần xã Ngọc Sơn lên đây bắt cua về ăn và bị ngộ độc chết, không biết thực hư thế nào? Có thể họ không muốn mọi người bắt cua nữa nên nói như vậy chứ người dân ở đây từ trước đến giờ vẫn ăn mà có ai bị ngộ độc chết đâu!”.

Xã Ngọc Sơn có 2.496 người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%, thu nhập bình quân đầu người chỉ 9,6 triệu đồng/năm. Vào mùa giáp hạt, thiếu đói luôn chờ chực. Thế nên bãi cua trinh nữ là một nguồn giúp dân làng bổ sung dưỡng chất.

Ông Bùi Văn Dương - Chủ tịch xã Ngọc Sơn cho biết: “Việc ăn cua bị ngộ độc chết người chỉ là những lời đồn đoán không có cơ sở. Loại cua trắng mà người dân ở đây hay gọi là “cua trinh nữ” hoàn toàn không có độc.

Thực tế người dân ở đây vẫn bắt cua về ăn mà không có vấn đề gì. Loại “cua trinh nữ” ăn gần như cua đồng. Loại cua này trước đây nhiều lắm, bây giờ người bắt nhiều nên ít dần đi. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền với bà con rằng, loại “cua trinh nữ” này là loại cua đặc biệt, không phải vùng nào cũng có. Vì vậy người dân hãy bảo tồn, giữ cho nó là “đặc sản” của xã Ngọc Sơn” - ông Dương nói.

Xuân Hồng (Xuân Hồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem