Bình Liêu làm thương hiệu nông sản gắn với du lịch

Phạm Minh Tuấn (Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh) Thứ ba, ngày 06/12/2016 06:45 AM (GMT+7)
Cùng với sự phát triển của “thương hiệu” du lịch, huyện Bình Liêu đang có một loạt các sản phẩm được du khách ưa chuộng như miến dong, túi thơm, hoa hồi khô... Đó là những kết quả tích cực của việc phát triển chương trình Mỗi làng nghề một sản phẩm (OCOP) gắn với sự phát triển về du lịch; văn hóa; cảnh quan…
Bình luận 0

Là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu nổi tiếng với cảnh sắc đặc trưng, riêng có. Tuyến biên giới trên đất liền dài cùng với tuyến đường hành lang biên giới và hệ thống cột mốc biên giới, cửa khẩu Hoành Mô… là những điểm đến quan trọng khi du khách muốn khám phá những dấu mốc thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó Bình Liêu còn là vùng đất giàu tài nguyên văn hóa phi vật thể: Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc cũng đa sắc màu gắn với nhiều sản vật đặc trưng vùng miền, cùng với các làn điệu hát then, hát soóng cọ, hát sán cố… Không chỉ vậy, vùng cao này còn có những điều kiện tự nhiên đặc thù, phù hợp để phát triển các loại cây trồng đặc trưng.

Từ lâu Bình Liêu đã trở thành “quê hương” của các loại cây trồng, dược liệu quý như: Hồi, quế, trẩu, sở, lá tắm, dong riềng, kim ngân, vối… Đó là chưa kể đây  tài nguyên phong cảnh núi rừng, ruộng bậc thang, thác nước, đường biên, cột mốc, rừng hoa sở, hoa trẩu… và nguồn tài nguyên thực vật đa dạng.

img

Làm miến dong ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Ảnh: Đỗ Giang

Phát huy các lợi thế này, Bình Liêu đã có những biện pháp cụ thể. Trước hết, việc kiện toàn bộ máy giúp việc nông thôn mới gắn với giúp việc Chương trình OCOP là việc làm đầu tiên và đã được Bình Liêu thực hiện vào cuối năm 2014 và thường xuyên kiện toàn, phân công nhiệm vụ lại cho các thành viên theo tình hình thực tế. Bình Liêu bắt đầu triển khai các buổi tập huấn, tuyên truyền về Chương trình  OCOP theo chỉ đạo của tỉnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn vào tháng 4.2014 ngay sau khi Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013.

Huyện đã khuyến khích nhân dân và các tổ chức kinh tế mạnh dạn tổ chức sản xuất, nâng cao  chất lượng nông sản phẩm, đưa tất cả các sản phẩm đến với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” gắn với giới thiệu và phát triển du lịch của địa phương bằng các hành động cụ thể. Ví dụ như trong lễ hội hoa anh đào và các hội chợ OCOP vừa qua, huyện đã đưa 27 sản phẩm ra giới thiệu và bán hàng.

Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được người dân tự sử dụng trong gia đình như: Dầu sở, củ cải khô, các loại dược liệu (lá tắm và các loại trà), dưa chua, hay các loại bánh truyền thống như: Bánh gật gù, bánh cóoc mò, bánh bạc đầu… nay đã trở thành các sản phẩm ưa thích của khách tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch. Đặc biệt, huyện đã đưa Hội hoa Sở trở thành ngày hội của nhân dân và khách du lịch về với Bình Liêu. Riêng năm 2016 đã nâng cấp ngày Hội hoa Sở thành hội hoa Sở  ở quy mô cấp huyện, sẽ tổ chức trong tháng 12 này.

Ngoài ra, huyện cũng đã mạnh dạn đưa dịch vụ OCOP du lịch cộng đồng giới thiệu tại Hội chợ OCOP vừa qua, vừa giới thiệu cảnh quan thiên nhiên, vừa giới thiệu trang phục và các dụng cụ của người đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện cũng như các làn điệu hát then, hát soóng cọ, hát sán cố… Đến nay, sau một năm phát triển du lịch trên địa bàn, Bình Liêu đã thu hút được rất nhiều khách du lịch. Năm 2015 đã có trên 33.000 lượt khách và 9 tháng đầu năm 2016 ước có 40.000 lượt khách du lịch đến thăm Bình Liêu. Đây sẽ là điều kiện tốt để tiêu thụ, thúc đẩy các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của huyện phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem