Bỏ cách làm cũ, dân Sóc Sơn bán 36.000 con gà đồi/năm ngon ơ

San Nguyễn Thứ hai, ngày 26/06/2017 19:14 PM (GMT+7)
“Không chỉ phát triển được thế mạnh của địa phương, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn đã xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm gà đồi khép kín” – anh Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ.
Bình luận 0

Định hướng năm 2017, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn tiếp tục hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất đáp ứng quy mô từ 60.000 đến 70.000 con/năm và nâng dần vào các năm tiếp theo.

img

Tham gia vào chuỗi chăn nuôi từ sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ giúp người nuôi gà ở huyện Sóc Sơn nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Ảnh: L.S

Anh Nguyễn Văn Đông là một trong những người có thâm niên nuôi gà đồi hàng chục năm. Hiện gia đình anh có 6 khu nuôi gà riêng biệt, với tổng đàn gần 7.000 con. Theo anh Đông, tại huyện Sóc Sơn, 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn có truyền thống chăn nuôi gà đồi với số lượng lớn.

Không gian thoáng, gà được bay nhảy tự do trên diện tích rộng. Chính vì vậy, ít có nguy cơ dịch bệnh hơn chăn nuôi tập trung, các bệnh lý được kiểm soát ở mức thấp nhất. Ngoài sử dụng một số vaccine phòng dịch ở giai đoạn đầu chăn nuôi, sau 2 tháng tuổi, gà rất ít khi bị nhiễm bệnh. Gà xuất chuồng thường nặng từ 1,8-2,1kg, thịt săn chắc.

Đầu năm 2015, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đã được thành lập và xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín đã góp phần nâng cao giá trị gà đồi Sóc Sơn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Vấn đề quan tâm nhất đối với người chăn nuôi đó là đầu ra đã được giải quyết thông qua liên kết với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ.

img

Gà Sóc Sơn được chăn nuôi theo mô hình liên kết, sạch từ khâu nuôi cho tới giết mổ 

Năm qua, Hội đã thí điểm chăn nuôi theo chuỗi cho các gia đình hội viên với 36.000 con gà thương phẩm, cung cấp cho thị trường khoảng 70 tấn sản phẩm chất lượng, với giá bán tăng hơn 10% so với giá bán của các hộ chăn nuôi ngoài Hội.

Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Sóc Sơn đã tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển chăn nuôi vùng tại các xã Bắc Sơn, Minh Phú; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức khi tham gia chuỗi cho 60 hộ nông dân và lựa chọn 10 hộ tiêu biểu có đủ điều kiện, trách nhiệm và tâm huyết tham gia thực hiện mô hình thực nghiệm và huấn luyện chăn nuôi cho người dân trên địa bàn.

Mới đây, sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gà đồi huyện Sóc Sơn. Hiện Sóc Sơn đang hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất đáp ứng quy mô từ 60.000 lên 70.000 con vào cuối năm 2017 và ký thỏa thuận hợp tác về nguyên tắc với các đơn vị phân phối của Fivimart, Sacomart.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem