"Căng" chuyện dán tem cho rau củ quả

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 17/05/2017 13:29 PM (GMT+7)
Nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại TP.HCM mong nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chức năng để chương trình dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau củ quả có thể mở rộng đối tượng tham gia, làm phong phú nguồn hàng cho thị trường.
Bình luận 0

“Căng” chuyện giá tem

HTX Sản xuất dịch vụ Nông nghiệp Tân Đức là một trong những điển hình trong việc nỗ lực vượt khó khi làm nông nghiệp sạch trên địa bàn TP.HCM. Bắt đầu từ rau mầm, các sản phẩm của HTX này hiện có mặt thường xuyên trên kệ hàng của chuỗi siêu thị Co.opMart.

img

Ông Ngô Văn Đức kiểm tra rau mầm tại trại rau VIETGAP.  Ảnh: N.V 

Tháng 4.2017, diện tích rau an toàn của TP.HCM đạt 6.749ha, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó vụ đông xuân đạt 6.000ha, sản lượng ước đạt 171.000 tấn. Sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, Lotte, AEON và chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần tại khuôn viên nhà hàng Đông Hồ, quận 10.

Cuối năm 2016, Tân Đức tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại hơn 8.000m2, sản xuất các loại rau củ quả theo chuẩn VietGAP ở xã Trung An (huyện Củ Chi, TP.HCM). Đến đầu tháng 5, HTX này được mời tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc rau do sở NNPTNT TP.HCM chủ trì.

Anh Ngô Văn Đức - Giám đốc HTX Tân Đức, cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất khi tham gia chương trình là chất lượng sản phẩm đảm bảo theo các tiêu chuẩn được chứng nhận. Việc này không khó đối với Tân Đức khi chỉ khoảng 1 tháng nữa, Tân Đức thực hiện xong việc đăng ký chứng nhận VietGAP và vệ sinh an toàn thực phẩm ở trại rau Củ Chi.

Thế nhưng, điều anh Đức quan tâm là chi phí mua tem để thực hiện chương trình này. Năng lực sản xuất của HTX có khả năng cung cấp ra thị trường 500 – 1.000kg rau mỗi ngày. Vì trang trại ở Củ Chi mới hoạt động và bán sản phẩm từ đầu năm 2017, sản lượng cung cấp hiện 300kg/ngày.

“Tính ra, HTX phải tốn thêm một khoản không nhỏ cho việc dán tem sản phẩm nhưng chương trình của Sở NNPTNT chỉ hỗ trợ khoảng 3 tháng đầu. Đây là trở ngại chung với không ít cơ sở vừa và nhỏ như tôi” - anh Đức nói.

Trong khi đó, theo báo cáo của 2 HTX tham gia thí điểm chương trình, gồm HTX SX- TM-DV Phước An và HTX dịch vụ Phú Lộc, thống kê chi phí để sản xuất ra 1 con tem truy xuất nguồn gốc bình quân từ 120 – 250 đồng, trong đó chi phí vật chất chiếm 50%.

Cần thêm những “cánh tay nối dài”

Tại huyện Củ Chi, Smarteco Farm là một trong những đơn vị đơn vị tiên phong trong việc tự trang bị thực hiện chương trình tem truy xuất nguồn gốc cho chính mình. Anh Đinh Quốc Công - Giám đốc nông trại này cho rằng, các HTX sản xuất quy mô nhỏ cần được “tiếp sức” để tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Bùi Văn My - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, mục tiêu của việc dán tem truy xuất nguồn gốc là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh, sơ chế, phân phối sản phẩm rau củ quả... Đồng thời, đây là hoạt động tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Do đó, sau hơn 3 tháng thí điểm, Sở NNPTNT TP.HCM đã quyết định mở rộng triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau củ quả trên tất cả các HTX, Tổ hợp tác đủ tiêu chuẩn trên địa bàn TP.HCM.

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM thông tin, Sở NNPTNT sẽ cử cán bộ khảo sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm của HTX. Nếu đạt tiêu chuẩn, HTX sẽ được hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc, nếu chưa đạt, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi HTX đủ tiêu chuẩn được truy xuất. 

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc- Phó Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM: Thông tin chưa đồng nhất, sẽ sớm khắc phục!

Mục tiêu truy xuất nguồn gốc là để minh bạch thực phẩm, giúp người tiêu dùng an tâm, người sản xuất có trách nhiệm. Còn về tem truy xuất, thời gian đầu thí điểm chương trình, có sự chưa đồng nhất, chưa chuẩn hóa thông tin trên con tem truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân một phần cũng do các đơn vị chỉ biết cố gắng đưa ra nhiều thông tin nhất dẫn đến dễ bị rối. 

Ông Nguyễn Quốc Toản – Phó Tổng giám đốc HTX Phú Lộc: Mỗi nhà phân phối 
“đòi” một kiểu tem

Mỗi ngày, HTX Phú Lộc đưa ra thị trường từ 5 – 6 tấn rau với khoảng 16 chủng loại có dán tem truy xuất nguồn gốc cho các siêu thị Co.op Mart, Lotte, Aeon… và một số đơn vị khác. Trong đó, chúng tôi phải in cho Co.opMart một mã tem riêng, các siêu thị khác một mã riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước đều khác nhau. Ngay cả thời hạn sử dụng trên tem cũng phải khác, có siêu thị yêu cầu hai ngày, có nơi “đòi” ba ngày… nên việc in tem, dán tem rất tốn thời gian và công sức. 

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA): Thông tin nhiều làm người tiêu dùng bị rối

Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những tiêu chí cơ bản về tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng hiện bị rối vì quá nhiều thông tin trên tem cũng như kích cỡ khác nhau, trong khi con tem chỉ là dấu hiệu bảo chứng chất lượng sản phẩm.

Thuận Hải (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem