Giống lúa Japonica J01 đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có gì đặc biệt?

Trang Thảo Chủ nhật, ngày 15/09/2019 11:02 AM (GMT+7)
Là giống lúa thuần Japonica chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có nhiều đặc tính ưu việt: bông to, cứng cây, chống đổ tốt, tỷ lệ hạt chắc đạt đến 90% - đó là nhận xét của nông dân xã Liên Mạc (Mê Linh, Hà Nội) về giống lúa J01 của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinassed) tại vụ mùa 2019.
Bình luận 0

Chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao

Mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao Japonica J01 tại cánh đồng HTX Bồng Mạc (xã Liên Mạc) có diện tích 25ha với 203 hộ tham gia, tuy mới được trồng thử nghiệm trên vùng đất Mê Linh nhưng giống lúa thuần chất lượng cao này đã khẳng định được nhiều đặc tính vượt trội.

Tham quan thực tế tại mô hình sản xuất giống lúa J01, nông dân và các đại biểu đã không khỏi trầm trồ và thích thú trước màu vàng óng của những bông lúa trĩu hạt tại các thửa ruộng nơi đây. Đa số đại biểu đều có chung nhận xét: giống lúa này triển vọng phát triển rất cao, thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu của nhiều vùng.

img

Các đại biểu tham quan cánh đồng trồng lúa J01 ở xã Liên Mạc.

Đánh giá về khả năng chống chịu sâu bệnh của giống lúa, ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Diễn biến thời tiết vụ mùa 2019 rất phức tạp, mưa ít nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa, nhiều giống lúa đã bị ảnh hưởng dẫn tới năng suất, chất lượng không cao nhưng giống lúa J01 vẫn phát triển tốt, dự kiến cho năng suất đạt 6,4 tấn/ha, tăng 0,8 tấn/ha so với các giống lúa khác.

Trực tiếp thăm quan cánh đồng lúa J01, bà Bùi Thị Ngọc Anh – Giám đốc HTX nông nghiệp Cư An (xã Tam Đồng, huyện Mê Linh) chia sẻ: "Chúng tôi đã nghe nhiều về giống lúa này nhưng chưa được cấy, hôm nay được đánh giá thực tế tại đồng ruộng, tôi rất thích vì độ cao cây vừa phải, khả năng chống đổ tốt, đến giờ chuẩn bị cho thu hoạch rồi nhưng nhìn ruộng lúa rất sạch bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, có thể khẳng định đây là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt".

"Đặc biệt, bông lúa có màu vàng óng, mặc dù bông không to nhưng hạt xếp khít, tỷ lệ hạt chắc cao, kể cả những hạt ngay cổ bông cũng rất chắc, dạng tròn dày vì vậy chắc chắn sẽ cho năng suất cao, tôi rất mong muốn được đưa giống lúa này về sản xuất" – bà Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Là một trong những hộ nông dân tham gia mô hình, bà Phạm Thị Trang (Đội 3, HTX nông nghiệp Bồng Mạc) cho hay: "Gia đình tôi tham gia mô hình với diện tích trên 1.444m2. Qua thực tế sản xuất thấy giống lúa J01 có nhiều ưu điểm hơn so với các giống lúa mà gia đình đã từng cấy. Giống lúa này dễ chăm sóc, chống đổ tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ hạt chắc đạt 90%, năng suất ước đạt 2,5 tạ/sào".

Hướng tới liên kết sản xuất theo chuỗi 

Theo ông Tạ Hồng Lý - Giám đốc HTX NN Bồng Mạc, đơn vị thực hiện mô hình: Giống lúa Japonica J01 là một trong những giống lúa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, nên khi đưa về sản xuất tại địa phương được bà con nông dân đón nhận và ủng hộ rất nhiệt tình.

img

Lúa J01 cho năng suất cao, chống sâu bệnh tốt, có triển vọng xuất khẩu.

Trước đây, HTX thường cấy giống lúa Bắc Thơm và một số giống khác, nhưng vụ mùa 2019 chúng tôi đổi sang sản xuất giống lúa J01. Qua theo dõi sự phát triển của giống lúa tôi có thể khẳng định đây là giống lúa có sức chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với các giống lúa khác đặc biệt là khả năng chống bệnh rầy lâu rất tốt.

"So sánh với các giống lúa khác thì J01 có năng suất cao hơn, đạt trên 6 tấn/ha, với các giống thông thường chúng tôi chỉ thu được khoảng 5,6 tấn/ha" - ông Lý cho hay

Khi tham gia mô hình, bên cạnh việc được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh từ khi gieo mạ cho tới khi thu hoạch, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng được Vinassed đặt vấn đề bao tiêu.

Ông Nguyễn Hải Thọ  - Phó Tổng giám đốc Vinaseed chia sẻ: "Mục tiêu hướng tới của Vinaseed là liên kết với bà con nông dân tạo thành những vùng sản xuất chuyên canh, những sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ đó làm gia tăng năng suất lao động cho bà con nông dân".

"Giống lúa J01 là một trong những giống có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt kỹ thuật sản xuất giống lúa này rất dễ làm, chi phí đầu vào ít, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì vậy sản phẩm tạo ra được đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm có thể phục vụ cho xuất khẩu"  - ông Thọ cho biết thêm.

Phát biểu kết luận hội nghị đánh giá kết quả mô hình sản xuất giống lúa Japonica J01, ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, nhận xét: Theo thực tế kết quả trên đồng ruộng có thể khẳng định giống lúa J01 thực sự rất phù hợp với vùng đất và khí hậu của huyện Mê Linh nói riêng và Hà Nội nói chung.

Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 21/1/2019 phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh diện tích gieo trồng giống lúa Japonica, phấn đấu đến năm 2020, diện tích giống lúa Japonica chiếm khoảng 20%, tương đương với 20.000 ha.

"Vì vậy, nhóm lúa Japonica là một chiến lược trong ngành hàng phát triển cây lúa trên địa bàn Hà Nội, đề nghị các đơn vị Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm phát triển cây trồng, các huyện, thị xã  nghiên cứu đưa thêm giống lúa J01 vào cơ cấu giống năm 2020" – ông Chí đề nghị.

"Hiện nay, thương lái đang thu mua J01 với giá 9.500 đồng/kg, với giá này chúng tôi dự tính sẽ thu được trên 60 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 28 triệu đồng/ha. Còn các giống lúa khác thì giá thu mua thấp hơn, chỉ đạt 54 triệu đồng/ha" - ông Tạ Hồng Lý - Giám đốc HTX NN Bồng Mạc, Mê Linh, Hà Nội cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem