Hàu lồng xứ Đất Mũi biến thành “cần câu cơm”

Chúc Ly Thứ bảy, ngày 11/02/2017 13:30 PM (GMT+7)
Từ xưa, con hàu không phải là một loài hải sản xa lạ với người dân Đất Mũi (Cà Mau), vùng đất bồi lắng phù sa được thiên nhiên ưu đãi. Nhưng ít ai nghĩ rằng, nghề nuôi hàu lồng tại đây hiện giúp không ít người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Bình luận 0

Buổi đầu lắm gian nan

Những ngày này, đến kênh Lạch Vàm (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), hình ảnh dễ bắt gặp là rất nhiều bè lồng nối nhau được đóng trên kênh. Những chiếc bè trên là khu vực sản xuất của bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) nuôi hàu lồng Đất Mũi.

img

Hàu được nuôi trong lồng bè trên sông, bên trên được neo bằng những thùng nhựa.  Ảnh: Chúc Ly

HTX hàu lồng Đất Mũi hiện có trên 35 lồng bè hàu thương phẩm, sản lượng mỗi năm từ 250-300 tấn (mỗi tấn hàu xã viên thu về từ 20-25 triệu đồng). Đầu năm 2017, HTX hàu lồng Đất Mũi cho xuống 200 tấn giống hàu lồng với số tiền 2 tỷ đồng. Mô hình hàu lồng thương phẩm ngày càng được nhân rộng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Theo người dân xứ Đất Mũi, nghề nuôi hàu lồng có mặt tại nơi đây từ năm 2005. Công việc này bắt nguồn từ trăn trở của chính quyền muốn tìm mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhằm giúp cho bà con thoát cảnh nghèo khó. Được thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2007, HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi có 25 thành viên. Đến nay, sau nhiều năm phát triển, HTX hiện có 32 thành viên, hoạt động sản xuất đã đi vào ổn định.

Ông Nguyễn Văn Hôn – Giám đốc HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi cho biết: “Dù đã được học hỏi, tham quan và nghiên cứu kỹ thuật nuôi ở nhiều nơi nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ban đầu bà con còn rất e dè. Trước đây, HTX lấy giống từ các trại sản xuất hàu giống của Vũng Tàu đem về nuôi, sau một thời gian thả nuôi nhận thấy tỷ lệ hàu sống thấp, phát triển chậm”.

Từ những khó khăn ban đầu ấy, người nuôi không nản chí mà rút ra nhiều kinh nghiệm để thực hiện sự điều chỉnh phù hợp. “Nhiều lần nuôi không thành công, HTX bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm giống hàu tại chỗ, điều bất ngờ là con hàu phát triển rất nhanh, năng suất cao hơn trước gấp nhiều lần. Từ đó, HTX chuyển hẳn sang nuôi bằng hàu giống tại chỗ. Điều này còn giúp một số người sinh sống bằng nghề khai thác hàu giống có thêm thu nhập. Nhờ tận dụng nguồn hàu giống tại địa phương để thả nuôi nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí và sản lượng thu hoạch cũng tăng lên” – ông Hôn thông tin.

Con hàu “lên ngôi”

Năm 2016, HTX thu hoạch được 250 tấn hàu lồng thương phẩm với tổng doanh thu 4,5 tỷ đồng. Nhiều xã viên nhận định điều kiện tự nhiên tại Đất Mũi rất thích hợp với loại hàu giống có ở địa phương, hàu tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và khối lượng thịt chiếm đến 10% so với tổng trọng lượng hàu nguyên con.

“Hàu nuôi trong lồng được đặt dưới sông ăn thức ăn là tảo tự nhiên, rất nhẹ công chăm sóc, mỗi tháng chỉ cần vệ sinh lồng bè 1 lần. Giá hàu giống ở địa phương khoảng 10.000 đồng/kg (loại từ 6-15 con/kg). Mỗi lồng bè sẽ có khoảng 50-60 vỉ nuôi (khoảng 8m2/vỉ), lượng hàu giống được thả khoảng từ 180-200kg/vỉ. Mỗi vụ nuôi trong khoảng 7-8 tháng (khi thu hoạch đạt khoảng 280-300kg/vỉ), giá thị trường khoảng 20.000-25.000 đồng/kg hàu”– xã viên Lê Hoàng Liêm chia sẻ.

Hiện nay, mỗi ngày HTX tiêu thụ trong và ngoài tỉnh khoảng 1,5-2 tấn hàu, HTX đứng ra bao tiêu, tìm đầu ra cho các xã viên. Hướng phát triển sắp tới HTX sẽ mở ra nhiều dịch vụ mới để thu hút khách du lịch, đặc biệt là những căn chòi trên sông, vừa để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất cực Nam Tổ quốc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem