Nhu cầu nhập nông sản Việt còn rất lớn nhưng phải an toàn thực phẩm

Hà Vũ (thực hiện) Thứ tư, ngày 13/12/2017 11:26 AM (GMT+7)
“Phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, gắn với các hiệp định quốc tế đã ký kết. Tận dụng lợi thế so sánh nổi trội, phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng xuất khẩu nông sản có chất lượng, giá trị và uy tín trên thị trường thế giới”.
Bình luận 0
img

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (ảnh) - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khi nói về chủ đề của hội nghị toàn thể ISG “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản” do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 11.12.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, về thương mại, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 thị trường trên thế giới và Việt Nam luôn nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù đã được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, nhưng đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

img

Xoài là một trong những mặt hàng mà Việt Nam đã đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để xuất khẩu. Ảnh: T.L

Với nhận định như trên, theo ông, xu hướng thay đổi của thị trường nông sản thế giới thời gian tới sẽ như thế nào, đâu là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam?

- Đầu tiên phải nói tới mặt tích cực: Chúng ta đang có lợi thế là gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế; Nhu cầu từ các sản phẩm chế biến, giàu dinh dưỡng, sản phẩm an toàn và bền vững, có nguồn gốc xuất xứ; các hiệp định thương mại tự do và hiệp định thương mại thế hệ mới, hội nhập khu vực (ASEAN) và sự thay đổi chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đổi lại, chúng ta cũng gặp phải những mặt tiêu cực, đó là: Tăng cạnh tranh giữa nông nghiệp với đô thị và công nghiệp về đất, nước và lao động; biến động về giá ở mức độ cao và xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt các sản phẩm thô, xu hướng giảm giá nông sản thô; các quy định, tiêu chuẩn về hàng hóa bảo vệ môi trường, sản phẩm nông nghiệp xanh…

Với những thực tế đó, Việt Nam đang có cơ hội: Gia tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản; cơ hội cho ngành chế biến sâu, cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; cơ cấu lại thị trường nông sản xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh lệ thuộc quá mức vào một số thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng găp phải thách thức, là hàng nông sản không thể thâm nhập sâu vào chuỗi toàn cầu, vấn đề tranh chấp thương mại; sản xuất suy giảm, yêu cầu phải thay đổi cơ cấu.

Theo Bộ NNPTNT, hiện công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm, chỉ khoảng 25% đến 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại (mức trung bình các nước ASEAN là 50%). Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế là điểm đặc biệt cần được lưu tâm. Đây cũng là rào cản lớn nhất mà các nước sẽ dựng lên nhằm ngăn cản nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ NNPTNT có quan điểm và định hướng phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, gia tăng hội nhập vào chuỗi nông sản toàn cầu như thế nào?

- Trước tiên, phải phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, gắn với các hiệp định quốc tế đã ký kết. Tận dụng lợi thế so sánh nổi trội, phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng xuất khẩu nông sản có chất lượng, giá trị và uy tín trên thị trường thế giới; đảm bảo các lợi ích về kinh tế, xã hội môi trường, quốc phòng, chính trị, ngoại giao, phát huy tối đa lợi thế so sánh của các bên. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế. Lấy nông dân làm chủ lực, doanh nghiệp làm tiên phong, huy động nguồn lực tổng hợp, trong đó chú trọng tạo điều kiện và động lực cho các tác nhân huy động nội lực, phát triển chủ động.

Trên cơ sở đó, chúng ta cần có định hướng: Cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường; áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng dần tỷ trọng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp với các nước; xâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua cơ hội liên kết với các tập đoàn chế biến và phân phối lớn toàn cầu.

Một trong những trở ngại lớn nhất của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông, chúng ta cần hợp tác với các đối tác quốc tế như thế nào để giải quyết căn cơ câu chuyện về an toàn thực phẩm?

- Chúng ta cần quốc tế hỗ trợ trong 2 vấn đề và hợp tác đầu tư.

Về hỗ trợ kỹ thuật, cần: Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất công nghệ giống, quy trình sản xuất, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng, công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn nhân lực...

Đồng thời, phân tích và dự báo thị trường; nghiên cứu thị hiếu, kênh phân phối, chính sách xuất nhập khẩu nông sản của các đối tác .

Về hỗ trợ vốn vay: Hiện đại hóa trung tâm nghiên cứu, đào tạo nông nghiệp; trung tâm kiểm dịch, kiểm định chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; hiện đại hóa hạ tầng sản xuất, quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững; phát triển hạ tầng kết nối, dịch vụ hậu cầu, chế biến, vận chuyển, cụm liên kết ngành công - nông nghiệp - dịch vụ.

Về hợp tác về thương mại và đầu tư: Hỗ trợ kết nối thị trường và đầu tư; hỗ trợ thông tin, tri thức trong đàm phán, xử lý tranh chấp; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với các tập đoàn, chuỗi siêu thị lớn của các nước nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Các vấn đề trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam khi hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu

Chi phí cao, sử dụng vật tư và tài nguyên chưa hợp lý: Vật tư không đúng chủng loại, giá cao, bất ổn; lạm dụng phân, thuốc; khai thác quá mức tài nguyên.

Không hiệu quả, chất lượng thấp: Nhỏ, manh mún; thiếu liên kết; không đúng quy trình kỹ thuật; sản phẩm không đồng nhất; ứng dụng công nghệ hạn chế; hạ tầng thiếu. Chi phí giao dịch, tổn thất sau thu hoạch cao: Nhiều tầng trung gian; liên kết yếu; sơ chế yếu; đóng gói, bảo quản kém.

Công nghệ yếu, giá trị gia tăng thấp: Thiếu thông tin; thiếu giám sát tiêu chuẩn; tổn thất cao; thiếu chế biến tinh, sâu; thiếu chế biến phụ phẩm; chưa gắn chặt với nhu cầu thị trường.

Chất lượng thấp, giá bán thấp: Quản lý chất lượng kém; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; thiếu truy xuất nguồn gốc; không có thương hiệu.

Thiếu thông tin: Thiếu hiểu biết về nhu cầu, thị hiếu thị trường; không đi sâu được vào chuỗi giá trị; các rào cản phi thuế.

(Đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem