ATTP cuối năm 2018: Sản phẩm chăn nuôi VietGAHP, tốt nhưng "sống" trầy trật

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 18/12/2018 19:00 PM (GMT+7)
Do thiếu động lực từ giá, các sản phẩm từ VietGAHP chưa tạo được thế cạnh tranh rõ ràng, vì thế nhận thức của nhà nông về thực hành chăn nuôi tốt vẫn chưa cao.
Bình luận 0

Theo Cục Chăn nuôi, VietGAHP quy trình thực hành chăn nuôi tốt vẫn là hướng đi bền vững để người chăn nuôi đảm bảo tính ổn định trên thị trường và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Những kết quả bước đầu

Giải bài toán vùng nguyên liệu ATTP, tạo thương hiệu sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường đầu ra là một trong những thách thức lớn nhất với ngành chăn nuôi các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

img

Cần tiếp tục hoàn thiện quy trình để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm chăn nuôi VietGAHP. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ 2015, tỉnh Tiền Giang đã tích cực hỗ trợ chính sách thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Đến nay đã có 8 tổ chức đạt chứng nhận VietGAHP. Ông Thái Quốc Hiếu - Phó Chủ tịch Chi cục Chăn nuôi thú y Tiền Giang cho biết, kết quả tuy còn khá khiêm tốn nhưng các mô hình trên đã đem lại hiệu quả đáng kể.

Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà Đất Việt được chọn là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao với tổng đàn 60.000 con; sản lượng tương đương 125 tấn/năm. HTX sản xuất toàn bộ theo chuỗi khép kín. Trung bình, mỗi xã viên có quy mô 4.000 con gà sẽ thu được lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

Đồng Nai là tỉnh tiên phong trong thực hành VietGAHP với 569 cơ sở chăn nuôi gia cầm, gia súc được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai cho biết, yêu cầu của thị trường về các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chỉ về vệ sinh ATTP, đặc biệt là các sản phẩm có thương hiệu sản phẩm “sạch”, đã thúc đẩy người chăn nuôi phải từng bước áp dụng sản xuất theo các quy trình có kiểm soát nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, sản phẩm VietGAHP lại khó bán được giá cao hơn so với sản phẩm thông thường. Thị trường chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm sạch và chưa sạch.

Thực hành còn trầy trật

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, chủ đầu tư ở các địa phương gặp không ít khó khăn trong quy hoạch chăn nuôi cấp tỉnh. Các quy định quản lý chăn nuôi còn nhiều bất cập, như xử lý chất thải, chuyển mục đích sử dụng đất... làm nhiều trang trại không đủ điều kiện để áp dụng VietGAHP. 

Sản phẩm VietGAHP chưa có sức hút với người tiêu dùng, chưa tạo động lực đủ mạnh với người chăn nuôi. Thêm nữa, việc liên kết chuỗi - nội dung cốt lõi để phát triển GAHP và truy xuất nguồn gốc vẫn còn yếu, chưa đồng bộ”

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai

“Vẫn còn có chênh lệch lớn về giá cả giữa các tổ chức chứng nhận (từ 40 - 80 triệu đồng/trang trại) nên việc giám sát thực hiện cũng khác nhau. Từ đó có sự khác biệt lớn trong áp dụng quy trình giữa các trang trại” - ông Giang nói.

Ông Giang cho biết, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục ưu tiên thành lập các tổ chăn nuôi VietGAHP ở địa bàn có nhiều hộ chăn nuôi để có sản phẩm tốt, số lượng nhiều, ổn định. Với những vùng chăn nuôi phân tán, không liên kết được, tỉnh vận động ngưng, chuyển đổi ngành nghề khác.

Đồng Nai cũng đề nghị Nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAHP, tập trung hỗ trợ cho người chăn nuôi ở những nội dung khó như xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...

Theo thống kê từ Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có gần 18.000 hộ/cơ sở chăn nuôi thuộc hơn 700 nhóm hộ tham gia dự án Lifsap (của 12 tỉnh, thành) đã được cấp chứng nhận VietGAHP nông hộ. Trong vùng xây dựng VietGAHP của các tỉnh có khoảng 2,5 triệu hộ. Theo báo cáo của các đơn vị, tổ chức chứng nhận khác, cả nước hiện có 479 cơ sở (tăng 312 cơ sở so với năm 2017) được cấp chứng nhận VietGAHP. 

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các con số trên vẫn còn khiêm tốn. Trải qua nhiều cải tiến, việc áp dụng chăn nuôi VietGAHP có những thuận lợi nhất định. Khi thực hành GAHP, tính chuyên nghiệp trong sản xuất ngày càng cao, bước đầu tạo nên vùng sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi đặc thù ở một số vùng.

Cũng theo ông Dương, khó khăn lớn nhất là thiếu động lực từ giá, các sản phẩm từ VietGAHP, AseanGAHP, GlobalGAP chưa tạo được thế cạnh tranh rõ ràng; trật tự mới cần được thiết lập và ổn định mang tính dài hạn.
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem