Tết Canh Tý về Kiên Giang gặp những “tay chơi mai” thứ thiệt

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ bảy, ngày 18/01/2020 06:30 AM (GMT+7)
Mỗi dịp Tết đến xuân về, để có những chậu mai đẹp là cả một quá trình lao động, sáng tạo kỳ công của nhà vườn. Tại Kiên Giang, có những người dành cả đời để chăm sóc mai Tết.
Bình luận 0

Nợ duyên cùng mai

Mát tay với nghề chăm sóc, tạo dáng cây mai, ông Trương Mạnh Cường (56 tuổi, ngụ khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP.Rạch Giá) được khách hàng gần xa tin tưởng. Bên cạnh đó, ông còn sưu tầm hơn 400 gốc mai từ 3-10 năm tuổi có giá trị được như mai cúc đại lộc, mai giảo Tân Châu, mai giảo Thủ Đức…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cường nói: “Tôi mê mai vì thích cắt tỉa, uốn dọn để biến một cây thô thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị gấp nhiều lần. Cũng vì yêu thích, nhiều lần tôi cứ dặn lòng có vài trăm gốc mai là đủ rồi, nhưng đi đâu thấy mai đẹp lại móc hết tiền mua về thuần dưỡng, chăm chút”.  

img

Hiện, ông Cường thu về hơn 200 triệu đồng/năm từ việc mua bán và chăm sóc mai thuê. Ảnh: NQ.

Theo ông Cường, chơi mai cần có phong cách riêng. Người chơi phải “có mắt nhìn”, bàn tay khéo léo để tạo dáng và thế cho cây. Để có chậu mai cảnh ưng ý phải chăm chút từng li từng tí, phần thân cây uốn cân xứng, chậu cũng phải hợp với cây.

“Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện. Có người thích mai có thế như xiêu phong, thác đổ, người lại thích những cây mai có “tàng thông, bông kẹo” hay còn gọi là “nhất trụ kình thiên”, tức là cây dáng thẳng, tán lá như cây thông và cho bông nhiều, thể hiện sự sung túc, đủ đầy ngày đầu năm mới” - ông Cường cho biết.

img

Ông Cường thăm gốc mai sau vườn. Ảnh: NQ.

Nói về bí quyết để có chậu mai nở đẹp đúng Tết, ông Cường cho rằng: Cách chăm sóc mai vàng đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ từ bón phân, xiết nước, tuốt lá. Ăn Tết xong, khoảng rằm tháng Giêng là bắt đầu sửa soạn lại cho mai như thay chậu, cắt tỉa, xịt bọ trĩ, đến tháng 4 bón phân nhử, từ đó đến tháng 7 bón thêm phân lân, kali để mai làm nụ. Đến khoảng tháng 11 thì bón thêm đợt phân nữa để nụ to và trưng được lâu khi xuân về.

Sau khi chọn một số gốc mai tham gia chợ hoa xuân tại TP.Rạch Giá, ông Cường giữ lại một số gốc mai để dành cho thuê từ 1-1,5 triệu đồng/chậu. Hiện ông Cường thu về hơn 200 triệu đồng/năm từ việc mua bán và chăm sóc mai thuê.

“Vua mai” miền sơn cước

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm vườn mai của chị Ngô Thị Thanh Thủy phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên). Nếu không có người địa phương dẫn đường có lẽ chúng tôi khó tìm gặp chị Thủy bởi đường vào vườn mai không có bảng hiệu, xung quanh được bọc bởi lớp lớp cây và cây.  

Ngày theo chồng về ấp Thạch Động, phường Mỹ Đức, hành trang mang theo của chị Thủy là mấy góc mai giảo Thủ Đức, loại mai vàng có 10 cánh xếp thành 2 tầng, mùi thơm đặc trưng.

img

Chị Thủy (bìa phải) tư vấn giúp khách chọn mai tại vườn nhà. Ảnh: NQ.

30 năm lập nghiệp với cây mai, bí quyết để có những cây mai giá trị của chị Thủy nằm ở chỗ chị chọn cách nhân giống mai bằng hạt. Đây cũng là kinh nghiệm nhiều năm của người trồng mai Thủ Đức quê chị.

Theo chị Thủy, nên chọn lựa và lấy hạt làm giống từ những cây mai mẹ có nhiều ưu điểm nhất trong vườn như sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhiều hoa và nở hoa lớn, màu sắc tươi đẹp. Hạt mai được chọn làm giống phải là hạt già màu đen sẫm, no tròn, không sâu bệnh. Hạt mai giống mới thu về có thể đem gieo ngay trong vườn ươm, trên nền đất đã đánh liếp hay trên đất chậu.

“Để mai sinh trưởng tốt, lúc cây còn nhỏ trồng trong chậu thì cứ 2 - 3 năm thay chậu lớn hơn. Kết hợp với thay chậu, người trồng thay đất có bổ sung phân và cắt bỏ bớt các rễ già, trồng lại vào chậu mới. Công việc này nên làm vào mùa xuân hàng năm là thích hợp, tránh làm vào mùa khô sẽ gây hại cho cây” - chị Thủy chia sẻ.

Chị Thủy cho biết, những ngày cận Tết, giới chơi mai từ các nơi tìm về khiến vườn nhà nhộn nhịp hẳn, mỗi dịp Tết, vườn nhà chị Thủy bán ra hơn 1.000 gốc mai.

img

Sở hữu vườn mai 8.000 gốc, chị Thủy được mọi người gọi là “vua mai” của ấp Thạch Động. Ảnh: NQ.

Theo chị Thủy, người chơi mai khi đã đạt đến “cảnh giới” thì xem mai là bạn, có hình, có sắc, có tâm tư, tình cảm. Mai cũng như con người, nếu không yêu, không nhìn ra vẻ đẹp thì tác phẩm tạo ra sẽ không có giá trị.

Là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng việc chăm sóc, thay chậu, bón phân, phun thuốc cho 8.000 gốc mai trong vườn chỉ một mình chị Thủy đảm nhận. Chia tay chồng từ năm con út lên 5, đến nay con chị đã 16 tuổi, cũng nhờ nghề trồng mai mà chị khuây khỏa nỗi niềm riêng, nuôi hai con khôn lớn, học hành đàng hoàng.

“Nghề này không có cạnh tranh. Tết đến mình bán mai là mang tài lộc cho mọi người, đó cũng là điều khiến tôi hạnh phúc và gắn bó với nghề” - chị Thủy bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem