Vượt 1000 km, mang đặc sản vào TP.HCM “thề” sản xuất thực phẩm sạch

Thuận Hải Thứ năm, ngày 23/11/2017 13:18 PM (GMT+7)
Vượt cả ngàn cây số từ miền trung xa xôi để vào Sài Gòn, nhóm nông dân thuộc HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Quý đã mang theo tâm huyết của mình là loại gạo đặc sản Quảng Nam giới thiệu rộng rãi với người tiêu dùng tại ngày thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch.
Bình luận 0

Gian hàng nhỏ, không bảng hiệu, không pano áp phích gì… lại nằm trong góc khuất của buổi đại hội thành lập của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, thế nhưng gian hàng của một nhóm nông dân Quảng Nam vẫn được khá nhiều đại biểu, khách mời ghé thăm, hỏi chuyện.

Đứng quản lý gian hàng, ông Nguyễn Trường Sơn, một thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Quý (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) còn khá rụt rè giữa rất đông khách lạ, quan chức và các doanh nghiệp lớn. Ông Sơn kể, đang bận rộn công việc đồng án sau đợt bão lũ vừa rồi. Thế nhưng, được sự động viên của bà con trong nhóm, ông Sơn quảy khăn gói, vào TP.HCM tham gia Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, đồng thời, học cách tiếp thị sản phẩm.

“9h sáng hôm qua lên xe khách, đúng 3h sáng nay tới bến xe miền Đông, loay hoay vài việc lặt vặt nữa là chạy thẳng đến nơi tổ chức sự kiện luôn, chưa kịp chuẩn bị cho chu đáo, huống gì chuyện ngủ nghỉ”, ông Sơn kể.

img

Ông Sơn giới thiệu những nông sản do HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Quý sản xuất, còn chưa kịp làm nhãn mác, thương hiệu nhưng đã được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ở gian hàng của ông Sơn, đại diện nhóm 12 nông dân tại xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trưng bày một số sản phẩm do nhóm sản xuất, chế biến, gồm gạo đen hữu cơ, gạo giống Thiên ưu 8, gạo rang, bún khô bó xôi, bún khô bồ ngót… Đây là những sản phẩm chế biến từ hạt gạo, được gia thêm rau củ quả để bổ sung chất xơ cho người sử dụng.

Sản phẩm được đóng gói hút chân không, không nhãn mác, tên tuổi gì, chỉ dán độc một chiếc tem QR code, cập nhật các thông tin truy xuất nguồn gốc về người sản xuất, thời gian, địa điểm, quy trình sản xuất…

“Nông dân tụi tui lâu nay chỉ biết trồng lúa, không biết làm chuyện bán buôn thương hiệu gì hết. Hai năm nay thành lập nhóm canh tác hữu cơ, rồi được các bạn ở Sài Gòn, Hà Nội… hỗ trợ, hướng dẫn kinh doanh, làm sản phẩm chế biến…”, ông Sơn chia sẻ.

Gói sản phẩm trần trụi, chân chất nhưng cầm tay nghe chắc nịch, thông tin người sản xuất chia sẻ nghe cũng rất thật thà, đáng tin cậy. Không như ở ĐBSCL hay vùng đồng bằng sông Hồng, nông dân miền Trung canh tác trên diện tích rất nhỏ, cơ hội tiếp cận tiến bộ kỹ thuật cũng khá hạn chế nên năng suất, sản lượng cũng không là bao nhiêu so với vùng lúa miền Tây.

Do đó, lúa gạo sản xuất được thông thường cũng chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong vùng, dư ra thì để dành mùa giáp hạt hoặc phòng khi bão lũ. Cũng có thể vì vậy mà lâu nay, ít ai đem lúa gạo miền Trung ngược dòng vào TP.HCM chào bán. Ấy vậy mà đợt này, ông Sơn cùng nhóm nông dân HTX Nông nghiệp Hữu cơ Bình Quý dám mạnh dạn làm điều khác biệt.

“Ban đầu chúng tôi chỉ có một nhóm vài hộ, làm chỉ 1 – 2ha lúa theo hướng hữu cơ. Chúng tôi họp nhóm thường xuyên, thống nhất quy trình sản xuất chung, nhóm trưởng cử người bón phân phun thuốc…”, ông Sơn nói. Đến nay, sau mấy năm bám trụ, nhóm nông nghiệp theo hướng hữu cơ của ông Sơn vừa được “nâng cấp” thành HTX với quy chế hoạt động rõ ràng, minh bạch.

“Hôm nay có nhiều doanh nghiệp hợp tác tiêu thụ sản phẩm rồi, chúng tôi đang tính kế hoạch sẽ tăng diện tích trồng lên thêm, nhưng sẽ xin ý kiến các bên để đảm bảo đầu ra tốt cho bà con”, ông Sơn vui vẻ nói.

img

Nhiều khách hàng tò mò về những sản phẩm nhìn rất chân chất, mộc mạc của nông dân Bình Quý (Quảng Nam).

Bà Lưu Thị Hồng Tưởng – người gắn bó với HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Quý từ những ngày đầu, chia sẻ, mình trồng cây có cái tâm, yêu cây, quan tâm tới cây, tâm tình với cây nhất định cây sẽ cho quả ngọt. Thế nhưng, có quả ngọt rồi còn phải biết cách chia sẻ, giới thiệu… thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.

Có quy mô lớn hơn nhiều so với HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Quý, HTX SX-TM-DV Nông nghiệp Chư Sê có 30 hội viên trồng tiêu trên diện tích 50ha. Tiêu Chư Sê thì “khỏi phải nói” rồi, chất lượng được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Nghị - Phó chủ tịch HĐQT HTX vẫn quả quyết phải tham gia chương trình thực phẩm minh bạch. “Xuất khẩu nhiều nhưng thị trường nội địa cũng rất lớn, không nên bỏ qua. Mà mình làm sản phẩm sạch, minh bạch thì xuất khẩu cũng sẽ dễ dàng hơn, bền vững hơn”, ông Nghị nhận định.

Chưa kể, những năm gần đây, việc trồng tiêu ngày càng khó khăn do dịch bệnh nhiều, cây chết, sản lượng giảm… nên nhiều nhà vườn lạm dụng thuốc BTVT, dẫn đến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm. Đó là một điều tai hại cho nền nông nghiệp, vừa ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, vừa mất thị trường, mất uy tín…

“Chúng tôi sẵn sàng đem sản phẩm đi kiểm tra các hoạt chất kháng sinh mà khách hàng yêu cầu, cũng có nhiều khách hàng không cần kiểm tra gì cả, vì họ xuống thẳng vườn để kiểm chứng, thấy đạt yêu cầu rồi!”, ông Nghị chia sẻ về quyết tâm “sản xuất sạch” của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem