Hành trình lật mặt kẻ khiến cá chết hàng loạt (1)

Hạ Anh Thứ hai, ngày 25/04/2016 17:28 PM (GMT+7)
Từ nghi ngờ công ty Chisso xả thải giết chết hàng triệu con cá ở vịnh Minamata, Nhật Bản và gây ra căn bệnh khủng khiếp cho người dân nơi đây, đến khi lật được mặt nạ kẻ thảm sát này là một hành trình dài đầy kịch tính.
Bình luận 0

Kỳ 1: Chân dung kẻ tàn sát 

Minamata vốn là một ngôi làng ven biển êm đềm, nhưng với tốc độ công nghiệp hoá, nó đã trở thành “thành phố của một công ty” với 50.000 dân. Hàng ngàn người dân ăn phải một lượng cá lớn bị nhiễm độc thuỷ ngân sinh ra các căn bệnh quái ác từ á khẩu, đi đứng khó khăn, co giật đến phát điên, tê liệt, hôn mê và tử vong. Sau những nghiên cứu và phát hiện, thủ phạm chính là tập đoàn Chisso có nhà máy sản xuất ở Minamata đã xả nước thải hoá chất thẳng xuống biển mà không qua xử lý.

Dĩ nhiên, phản xạ ban đầu của Chisso là chối tội, cho đến khi không chối được tội thì vẫn tỏ ra thờ ơ với nạn nhân. Nhưng cuối cùng, công lý vẫn chiến thắng!.

Chisso vốn là một công ty có nhà máy thủy điện được thành lập vào năm 1908. Sau đó, Chisso chuyển sang sản xuất cacbua tại Minamata. Tiếp đến, công ty này có một thời gian dài sản xuất phân hóa học, và là một trong những công ty hóa chất hàng đầu của Nhật bản.

img

Ống xả thải của Chisso.

Khi công ty Chisso phát triển quá trình sản xuất của mình tại Minamata và Minamata đã trở thành một trong những thành phố công nghiệp hàng đầu ở tỉnh Kumamoto, nhưng quá trình ô nhiễm do công ty Chisso gây nên thì ngày càng tăng. Một giám đốc của công ty Chisso đã từng là Thị trưởng của thành phố Minamata. Công ty Chisso càng có ảnh hưởng ở khu vực và người dân càng bị phụ thuộc vào sự phát triển của Chisso.

Ngoài các loại phân hóa học, Chisso còn sản xuất axit acetic, vinyl chloride và các loại chất dẻo. Chisso đã là một trong những công ty góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng nhanh chóng của Nhật bản sau chiến tranh thế giới lần II.

Trong giai đoạn từ năm 1912-1926, nước biển bị ô nhiễm do nước thải của Chisso đổ ra đã gây nên một số vấn đề. Tuy nhiên, từ năm 1932-1968, công ty Chisso tiếp tục sử dụng thủy ngân hữu cơ là chất xúc tác để sản xuất acetaldehyde, axit acetic và các chất dẻo. Trong quá trình sản xuất, methyl thủy ngân đã được sinh ra và được đổ thẳng xuống biển mà không qua bất kì biện pháp xử lý nào.

Các cuộc kiểm tra riêng của công ty Chisso cũng tiết lộ rằng nước thải chứa nhiều kim loại nặng ở nồng độ đủ cao để làm suy thoái môi trường nghiêm trọng, trong đó có chì, thủy ngân, mangan, asen, tali, đồng, selen chalcogen.

img

Thuỷ ngân xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình ăn cá và sò đánh bắt trong vùng biển nhiễm độc.

Tuy nhiên, để kết luận chất nào đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt và căn bệnh kỳ quái cho những người ăn phải cá ở vùng biển này là một quá trình khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Trong hai năm 1957 và 1958, nhiều giả thuyết khác nhau đã được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu. Lúc đầu, mangan được cho là chất độc gây ra thảm hoạ. Sau đó, nhiều nghiên cứu khác lại cho rằng thallium, selenium có thể là thủ phạm.

Cho đến tháng 3.1958, nhà thần kinh học người Anh Douglas McAlpine sau khi đến nghiên cứu ở vịnh Minamata đã gợi ý rằng các triệu chứng Minamata giống như những người bị ngộ độc thủy ngân hữu cơ, vì vậy trọng tâm của cuộc điều tra tập trung vào thủy ngân.

Vào tháng 2.1959, các cuộc điều tra phân phối thủy ngân ở Minamata được tiến hành.

Số lượng lớn thủy ngân đã được phát hiện trong cá, sò ốc, và bùn từ vịnh. Nồng độ cao nhất tập trung vào ống nước thải của nhà máy Chisso trong Hyakken Harbour và đi thẳng ra biển. Kết quả này đã xác định rõ nhà máy Chisso là nguồn gây ô nhiễm.

Ô nhiễm rất nặng nằm ở miệng của ống nước thải, số liệu cho thấy mỗi tấn trầm tích được đo chứa 2 kg thủy ngân. Điều đáng nói, chính Chisso sau đó đã thiết lập một công ty con để bán số thuỷ ngân thu hồi được từ bùn.

img

Bệnh nhân Minamata có nồng độ thuỷ ngân 705 ppm.

Các xét nghiệm mẫu tóc từ nạn nhân của căn bệnh này và từ người dân Minamata cho thấy, nạn nhân nhiễm bệnh Minamata có nồng độ thuỷ ngân 705ppm, người dân có mức 191 ppm, trong khi người sống ở ngoài khu vực Minamata chỉ có độ thuỷ ngân 4 ppm.

Năm 1956, một bác sĩ tại nhà máy Chisso đã báo cáo trường hợp của cá nhân bị tổn thương hệ thần kinh, chính thức công nhận sự tồn tại của những căn bệnh được gọi là bệnh Minamata với các triệu chứng như co giật, co thắt, mất kiểm soát, tê liệt, suy giảm cảm giác và, trong trường hợp nặng, tử vong. Căn bệnh này được gây ra bởi nhiễm độc thủy ngân xảy ra thông qua chuỗi thức ăn như cá, các loại sò trong vịnh chứa chất độc thủy ngân và hấp thụ vào cơ thể người khi ăn những loại thức ăn này.

Ngày 12. 11. 1959, cơ quan y tế và ngộ độc thực phẩm của Tiểu ban phúc lợi Minamata công bố kết quả: "Bệnh Minamata là một bệnh nhiễm độc thuỷ ngân, ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thống thần kinh trung ương do ăn phải một lượng lớn cá và động vật có vỏ sống ở vịnh Minamata và môi trường xung quanh”.

Kỳ 2: Che dấu tội ác và 10 năm im lặng

Còn tiếp....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem