Lợi dụng người Tatar Crimea chống Nga: Ukraine sắp nhận quả đắng?

Thứ năm, ngày 22/03/2018 17:30 PM (GMT+7)
Tổ chức 'Mejlis của người Tatar Crimea' mới đây đã đưa ra một tối hậu thư cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về vấn đề quy chế của bán đảo Crimea.
Bình luận 0

'Mejlis của người Tatar Crimea' dọa Tổng thống Ukraine Poroshenko

"Mejlis của người Tatar Crimea" - một tổ chức đã bị chính quyền Moscow cấm hoạt động trên lãnh thổ Nga sẽ tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng của người Tatar Crimea ở Kiev, nếu các chính quyền Ukraine không thừa nhận bán đảo trở thành "lãnh thổ tự trị của người Tatar Crimea”.

Một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức, người khởi xướng cuộc phong tỏa Crimea là ông Lenur Islyamov tuyên bố điều này hôm 16.3.

Điều mà ông Lenur Islyamov đề cập ở đây là việc củng cố vị thế của của người Tatar Crimea trong hiến pháp Ukraine, thừa nhận "chính quyền quốc gia tự trị" và định dạng lại Crimea thành "lãnh thổ quốc gia tự trị" của dân tộc người gốc Thổ Nhĩ Kỳ này.

Dự luật về vấn đề này đã được đưa ra trước quốc hội bởi đại biểu Mustafa Dzhemilev, một nhà tổ chức khác trong cuộc phong tỏa lương thực và năng lượng đối với bán đảo Crimea suốt từ năm 2016 đến nay.

Theo ông Islyamov, sự chậm trễ trong việc chấp nhận cải cách hiến pháp là "một sai lầm rất lớn" của Tổng thống Poroshenko, trong đó có vấn đề quy chế tự trị của bán đảo Crimea. Nhà lãnh đạo này đe dọa, nếu tình hình không thay đổi trong thời gian tới, các hoạt động phản đối của người Tatar Crimea sẽ được tổ chức gần quốc hội Ukraine.

Một nhà lãnh đạo khác của tổ chức "Mejlis của người Tatar ở Crimea” là đại biểu Quốc hội Ukraine Refat Chubarov cũng tuyên bố rằng, tất cả người Nga sống ở Crimea sẽ được yêu cầu rời khỏi bán đảo.

"Tất cả người Nga đang ở đó, hay có ý định sẽ chuyển sang thường trú tại Crimea… nên biết họ sẽ phải rời khỏi bán đảo này" - vị Chủ tịch của Mejlis nói trên "Kênh 5" và khẳng định rằng, đây là lựa chọn duy nhất cho sự phát triển tình hình trên bán đảo.

img

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3.2014, nhân dân bán đảo Crimea, trong đó có người Tatar đã bỏ phiếu tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga

Được biết, hồi tháng 4.2016, "Mejlis của người Tatar Crimea" - tổ chức xã hội "lưu vong" (ở Ukraine) đã bị Tòa án tối cao Crimea (trước thuộc Ukraine, đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga tháng 3/2014) liệt vào danh sách "tổ chức cực đoan" và bị cấm hoạt động tại Nga.

Majlis trước đây là cơ quan điều hành của Kurultai (Đại hội toàn quốc người Tartar Crimea), tự coi mình là đại diện của nhân dân Tatar vùng Crimea. Lãnh đạo Majlis Chubarov và Dzhemilev phản đối việc sáp nhập Crimea vào Nga và đã chuyển sang sinh sống ở Ukraine.

Công tố viên Crimea là bà Natalia Poklonskaya nói rằng, tổ chức này được thiết lập hoàn toàn nhằm hoạt động chống Nga, còn các thủ lĩnh Refat Chubarov và Mustafa Cemil "là những con rối trong tay phương Tây, và người dân Tatar ở Crimea bị họ lợi dụng".

Do các tuyên bố cực đoan, kích động hận thù dân tộc, năm 2014, họ bị cấm nhập cảnh vào Nga trong 5 năm. Cả hai chính khách này cũng là những người tổ chức phong tỏa lương thực và năng lượng chống bán đảo Crimea. Theo công tố viên Poklonskaya, các thủ lĩnh Majlis hợp tác với lính đánh thuê của các tổ chức khủng bố như "Grey Wolves" và "Hizb ut-Tahrir" của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm phá hoại cuộc sống của nhân dân bán đảo Crimea và chống Nga.

Ukraine nhận quả đắng từ hành động cực đoan chống Nga?

Từ trước đến nay, chính quyền Kiev đã sử dụng rất nhiều biện pháp để rắp tâm đòi lại Crimea, ví dụ như bao vây phong tỏa các tuyến đường bộ và đường biển; cắt nước, cắt điện, cắt đường tiếp tế cho bán đảo, nhằm khiến cuộc sống của nhân dân thêm khốn khó, suy giảm lòng tin vào Nga.

Tuy nhiên, những biện pháp này đã thất bại khi Nga sắp hoàn thành công trình xây cầu Kerch, hoàn thành việc lắp tuyến ống cấp nước ngọt và tuyến đường dây tải điện từ Nga chạy dưới đáy Biển Đen sang Crimea, khiến bán đảo sắp thoát khỏi sự phụ thuộc của Ukraine.

Ukraine lại xoay sang tìm cách lợi dụng con bài người Tatar Crimea để lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ (thời điểm quan hệ giữa Moscow và Ankara đang căng thẳng) vào liên minh chống phá Nga.

Kiev đã nuôi dưỡng tổ chức bất hợp pháp của người Tatars Crimea lưu vong là Mejlis, do hai nghị sĩ Ukaraine là Refat Chubarov và Mustafa Dzhemilev - các nhà lãnh đạo cũ của tổ chức mang tên "Majlis của người Tatar Crimea" (khi bán đảo chưa trở về Nga), lãnh đạo.

Ukraine đã sử dụng lực lượng này để lôi kéo chính quyền Erdogan vào liên minh chống Nga, ủng hộ chính trị và đầu tư tiền bạc cho một nhóm vũ trang người Tatar mới được thành lập và hoạt động tại biên giới Ukraine-Crimea, đề tiến hành các hoạt động phá hoại, tiến tới đấu tranh vũ trang cướp lại bán đảo.

Bên cạnh đó, chính quyền Poroshenko đã đưa ra một chiêu khá độc là đề nghị Ủy ban Hiến pháp của Quốc hội nước này đưa vào trong bản Hiến pháp sửa đổi một “quy chế tự trị cho người Tatar ở Crimea”, nhằm biến báo đảo này thành nước Cộng hòa tự trị của người Tatar.

Mục đích của Kiev là muốn lợi dụng tộc người thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ này thành “công cụ” cho Kiev, phá hoại cuộc sống hòa bình, ổn định trên bán đảo, đồng thời trưng ra cái bánh vẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ về sự ảnh hưởng lớn lao đến một khu vực giáp Nga.

Tuy nhiên, âm mưu của chính quyền Kiev đã dần bị phá sản khi Ankara quyết định nối lại quan hệ với Nga, từ bỏ chính sách hậu thuẫn cho lực lượng Tatar lưu vong, nối lại dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, cắt đứt nguồn sống từ phí trung chuyển khí đốt của Ukraine.

img

Người Tatar Crimea không muốn trở lại làm công dân Ukraine

Bên cạnh đó, người dân Tatar Crimea cũng đã tẩy chay Mejlis và lập ra một tổ chức xã hội đại diện chính thức cho họ mang tên là “Crimea”.

Trong Đại hội lần thứ V của phong trào này hồi tháng 12.2016 tại Simferopol, tổ chức chính thức của người Tatar Crimea tuyên bố, việc bán đảo về với Nga thuận theo nguyện vọng chính đáng của người dân Crimea, Liên Hiệp Quốc và Nghị viện châu Âu phải tôn trọng quyết định của họ, công nhận tuyên bố độc lập của nước Cộng hòa Crimea và việc sáp nhập vào Nga.

Ngoài ra, tổ chức cộng đồng của người Tatar cũng đề nghị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nghiêm túc tiếp cận các vấn đề liên quan đến Crimea, tỉnh táo trước các hành động "đầu cơ chính trị" của chính quyền Kiev, phải xem xét lại quan điểm của mình về Crimea và thừa nhận bán đảo thuộc về Nga,

Việc người Tatar ở trên bán đảo Crimea đã quá chán ghét chính quyền Kiev và thể hiện quyết tâm trở thành những công dân trên bán đảo thuộc Nga, đã khiến chính quyền Kiev đã hết sạch mọi con bài để đòi lại bán đảo này từ tay Nga. Cuộc bầu cử Tổng thống Nga trên bán đảo Crimea vừa qua cũng đã thể hiện rõ điều đó.

Do đó, chính quyền Kiev cũng quên bẵng lời hứa hão đối với Mejlis về sửa đổi Hiến pháp trao “quy chế tự trị cho người Tatar ở Crimea”, nhằm biến báo đảo này thành nước Cộng hòa tự trị của người Tatar.

Thế nhưng, tổ chức lưu vong này lại không quên điều đó và lời đe dọa của những thủ lĩnh lưu vong này cùng với tổ chức cực đoan do họ thành lập có thể là sự nguy hiểm đối với Kiev, chính quyền của ông Petro Poroshenko có thể phải nhận cú đòn "gậy ông đập lưng ông" đau đớn.

Nhật Nam (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem