MiG-31 thành ngọn đuốc sau khi thử sức với Kinzhal?

Thứ hai, ngày 21/05/2018 22:00 PM (GMT+7)
Theo truyền thông Nga, một chiếc MiG-31 của Không quân Nga đã bất ngờ bốc cháy động cơ khi chuẩn bị cất cánh tại sân bay Permsky Krai.
Bình luận 0

Thông tin và hình ảnh về vụ tai nạn này được hãng RT dẫn nguồn tin Không quân Nga cho biết: "Ngày 18/5/2018, lúc 17h30 (giờ địa phương) tại sân bay thuộc vùng Perm, tiêm kích MiG-31 đang lăn bánh trên đường băng thì động cơ bên phải bốc cháy, tổ bay dừng khẩn cấp và đám cháy được lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp dập tắt".

Không quân Nga ra thông báo cho biết thêm rằng, không ai bị thương trong vụ việc này, đồng thời chiếc tiêm kích MiG-31 bị cháy động cơ không được trang bị đạn dược.

Tuy nhiên, chiếc chiến đấu cơ này bị hư hại khá nặng ở phần sau và phải mất khá nhiều thời gian để khắc phục hậu quả.

img

Tiêm kích MiG-31 của Nga.

Một số nguồn tin quân sự Nga cho biết, chiếc MiG-31 bốc cháy là 1 trong những chiếc MiG-31 vừa hoàn thành gói nâng cấp khá toàn diện, trong đó có radar Zaslon-M.

Đặc biệt, chúng là những chiếc đầu tiên được Không quân nước này cho thử lửa với tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Được biết, việc MiG-31 gặp nạn sau nâng cấp không phải là chuyện hiếm. Hồi năm 2013, một vụ việc tương tự đã xảy ra. Theo xác nhận của Không quân Nga:

"Lỗi kỹ thuật là nguyên nhân rõ ràng dẫn đến vụ tai nạn. Vụ tai nạn xảy ra sau khi máy bay đã trải qua một đợt đại tu lớn tại một nhà máy ở Rzhev, miền tây bắc nước Nga hồi tháng 12/2012. Kể từ đó, chiếc máy bay MiG-31 này đã thực hiện được khoảng 42 giờ bay".

Cũng theo nguồn tin này, chiếc MiG-31 bốc cháy động cơ hôm 18/5 mới được Nga trang bị radar Zaslon-M có tầm giám sát gấp đôi tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ hiện nay.

Hệ thống radar Zaslon M làm việc bằng cách kết nối một ăng ten với máy phát vô tuyến rất mạnh để phát một xung ngắn của tín hiệu. Các ăng ten này được kết nối với máy thu có độ nhạy cao để khuếch đại tín hiệu dội lại từ mục tiêu.

Ưu điểm hàng đầu của Zaslon M là có thể giám sát một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với radar quét cơ khí truyền thống. Bộ vi xử lý của radar này liên tục tạo ra các búp sóng phụ, cho phép theo dõi trong khi đang quét.

Nó còn tập trung được một chùm tia nhỏ vào mục tiêu nhất định để dẫn đường cho tên lửa sử dụng radar bán chủ động công kích.

Một ưu điểm khác của radar Zaslon M là phạm vi tìm kiếm tương đối xa, số lượng mục tiêu phát hiện được cùng lúc tương đối nhiều. Bên cạnh đó, radar Zaslon M khá đơn giản trong chế tạo và sử dụng.

Điểm làm nên sức mạnh của radar này là có tầm giám sát lên tới trên 400km, theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc.

Với khả năng của Zaslon M, tiêm kích MiG-31BM có tầm giám sát gấp đôi radar trên tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 của Không quân Mỹ hiện nay.

Ngọc Hòa (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem