Điểm tên website, đại lý bán vé tàu Tết giả

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 16/12/2016 09:34 AM (GMT+7)
Dịp lễ Tết tới gần cũng là lúc hàng loạt các website bán vé tàu hỏa, vé máy bay không chính hãng hoạt động rầm rộ, khiến nhiều khách hàng không có kinh nghiệm rơi vào cảnh mất tiền oan.
Bình luận 0

img

Tên miền www.vietnamaairlines.com chỉ nhiều hơn tên miền của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) một chữ “a” dễ khiến khách hàng hiểu nhầm đây là đại lý đặt vé máy bay của Vietnam Airlines

Cuối tuần qua, Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn đã cảnh báo khách hàng nên thận trọng trước một số website bán vé sở hữu tên miền giống tên tiếng Anh của ngành đường sắt như vietnam-railway.com, vietnamtrainticket.com, vietnamrailways.net, cheapvietnamtrain.com... Bởi khi hành khách đặt mua vé thông qua các website này, người phụ trách website sẽ lấy thông tin của hành khách. Sau đó, vào website của ngành đường sắt đặt mua vé. Khi đặt thành công, họ gửi mã vé cho khách hàng và bán vé với giá đắt hơn khá nhiều so với giá vé chính thức của ngành đường sắt.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, do công việc những ngày cuối năm rất nhiều, thời gian đi lại bị hạn chế nên anh có ý định đặt mua một tấm vé tàu qua mạng để trở về Hà Nội đón Tết với gia đình vào ngày 22.1.2017. Tuy nhiên, vì đặt vé muộn nên những chuyến tàu khởi hành ngày 22.1.2017, từ ga Sài Gòn tới ga Hà Nội đã không còn vé. Nghe lời khuyên từ bạn bè, anh Tùng quyết định thử tìm kiếm vé trên trang bán vé tàu trực tuyến cheapvietnamtrain.com.

Tuy nhiên, khi khảo sát giá vé trên trang cheapvietnamtrain.com, anh Tùng nhận thấy mức giá bán chênh lệch khá lớn. Cùng là đoàn tàu SE4, chỗ ngồi mềm điều hòa, song trang cheapvietnamtrain.com luôn bán vé với một giá cố định là 71 Đô-la Mỹ, đi kèm 2,13 Đô-la Mỹ phí dịch vụ, giá trị quy đổi ra tiền Việt Nam là 1.645.249 đồng. Trong khi đó, trên website bán vé của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, giá vé cho mỗi chỗ ngồi mềm điều hòa trên tàu SE4 dù có thay đổi khi Tết tới gần, nhưng cao nhất cũng chỉ khoảng trên 1,5 triệu đồng/vé.

img

Giá vé do cheapvietnamtrain.com đưa ra gần bằng vé nằm cứng điều hòa mua ở trang dsvn.vn 

Anh Tùng nói: “Vé ngồi mềm điều hòa mà giá bán gần bằng vé nằm cứng điều hòa mua ở ga thì đắt quá. Cả năm đi làm xa, tới Tết tôi mới có dịp về Hà Nội. Hơn nữa, cuối năm có nhiều khoản phải chi tiêu, tôi không thể bỏ ra một số tiền lớn như vậy để mua vé được. Có lẽ tôi sẽ phải thay đổi kế hoạch của mình để lên tàu trở về Hà Nội sớm hơn”.

Không may mắn như trường hợp của anh Tùng, chị Trần Thị Kim Oanh (Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP.HCM) sau khi mua 2 vé tàu từ một đại lý vé máy bay mới phát hiện mình mua nhầm vé giả. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại TP.HCM, ngày 11.12, chị Oanh đã mua vé tàu từ đại lý vé máy bay  trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (Quận 3). Chị mua vé đi từ ga Sài Gòn ra Hà Nội, ngày đi 23.1.2017, tàu đi là TN6. Loại vé chị mua là vé nằm cứng điều hòa, trị giá 1.795.000 đồng/vé. Ngoài ra, chị còn trả thêm tiền dịch vụ 200.000 đồng. Sau khi mua vé xong, chị lên mạng kiểm tra tên, tuổi và số CMND nhưng không thấy tên mình trên hệ thống. Nghi ngờ vé giả nên chị đến ga Sài Gòn trình báo.

Tại buổi làm việc vào sáng 13.12, tổ an ninh tại ga Sài Gòn xác nhận hai vé tàu của chị Oanh mua là vé giả. Thông tin trên vé không đúng thông tin của người đi tàu. Lãnh đạo ga Sài Gòn cho biết đã tiến hành lập biên bản bàn giao cho Công an P.9, Q.3 điều tra, xử lý. Ông Đỗ Quang Văn (Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn) khuyến cáo người dân không nên mua vé ở bên ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình.

Để mua vé, hành khách nên truy cập vào website http://dsvn.vn, đây là trang chính thức và duy nhất của Tổng công ty đường sắt Việt Nam phụ vụ khác hàng có nhu cầu đặt chỗ, mua vé qua mạng. Ngoài ra, đại diện công ty cho biết thêm, hiện công ty còn tồn đến 263.604 chỗ đi tàu đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian trước và sau Tết nguyên đán 2017. Do đó hành khách vẫn còn cơ hội mua được vé tàu thông qua mạng, mua trực tiếp và qua điện thoại.

img

Cheapvietnamtrain.com luôn bán vé chỗ ngồi mềm điều hòa với một giá cố định là 71 Đô-la Mỹ

Tương tự như vậy, số lượng website bán vé máy bay nhái theo tên của các hãng hàng không tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Những người quản trị các website này thường áp dụng kỹ thuật SEO, SEM nhằm nâng cao thứ hạng cho website của mình trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo... Khách hàng rất khó để phát hiện ra bởi sự khác biệt đôi khi chỉ là việc tên miền của các website không chính hãng nhiều hơn tên miền của các website chính hãng một ký tự, hoặc khác một chữ “s”. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khách hàng mua phải vé máy bay với giá đắt hơn giá bán thực tế hoặc tới sân bay, khách hàng mới phát hiện mình mua phải vé giả.

Theo anh Nguyễn Dũng (nhân viên của một đại lý bán vé máy bay tại quận Hoàn Kiếm), hình thức trục lợi qua trang bán vé trên mạng tuy không mới nhưng vẫn có nhiều khách hàng mắc bẫy. Anh Dũng phân tích: “Việc đặt vé qua mạng vẫn có những kẽ hở giúp một số đối tượng làm ăn kiểu chộp giật có cơ hội móc túi khách hàng. Ví dụ, với Vietnam Airlines, lợi dụng chính sách hoàn vé của hãng, kẻ xấu sẽ rao bán vé máy bay với giá rẻ hơn giá mà hãng đưa ra để đánh vào tâm lý khách hàng. Họ vẫn đặt vé cho khách hàng theo đúng hành trình mà khách hàng đưa ra và thanh toán như bình thường. Khi khách hàng nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình.

Tuy nhiên sau đó ít ngày, các đối tượng này sẽ gửi yêu cầu tới Vietnam Airlines để xin hoàn vé và chỉ mất 600.000 đồng cho việc này. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Khách hàng không nhận được thông tin nào là vé máy bay của mình đã được hoàn vé. Chỉ khi đến sân bay làm thủ tục mới biết vé máy bay không còn hiệu lực”.

Để tránh rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang, anh Dũng khuyên khách hàng nên mua vé trực tiếp ở những đại lý uy tín hoặc đặt mua trên website của các hãng máy bay. Trước khi thực hiện giao dịch mua vé trực tuyến, hay thanh toán tiền, khách hàng nên kiểm tra lại toàn bộ thông tin có liên quan đến website cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ đặt tour, bán vé qua điện thoại hoặc kiểm tra chéo ở những trang liên kết đã có thương hiệu lớn, hay  tới phòng vé riêng của hãng bay nhờ họ kiểm tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem