Cá sấu còn bị quản lý lỏng lẻo, dân còn lo!

Thứ tư, ngày 17/10/2012 13:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ hàng chục con cá sấu bị sổng chuồng tại Cà Mau hôm 12.10 cùng hàng loạt vụ cá sấu sổng chuồng trước đó đã cho thấy việc quản lý, nuôi nhốt loài động vật hoang dã này còn nhiều lỏng lẻo, bất cập.
Bình luận 0

Sống thấp thỏm bên trại cá

Đến ngày 16.10, công việc truy lùng cá sấu sổng chuồng ở ấp Cây Trâm A, xã Định Bình, TP.Cà Mau vẫn tiếp tục diễn ra. Đã có 73 con cá sấu bị bắt lại. Ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, cơ quan này nhận được thông tin trại cá sấu sinh sản của Công ty Quốc Việt bị sập tường rào, cá sấu sổng chuồng với số lượng lớn từ người dân chứ không phải do người của công ty trình báo.

img
Con cá sấu thứ 73 sổng chuồng bị bắt vào ngày 15.10.

Như Dân Việt đã thông tin, mờ sáng 12.10, công nhân Công ty Quốc Việt phát hiện bức tường rào trang trại nuôi cá sấu của công ty đã sập khoảng 35m và cá sấu thoát ra ngoài. Điều làm mọi người lo ngại là trang trại nuôi cá sấu này nằm giữa khu dân cư, ngay cạnh trường học, với ao hồ, vườn tạp dày đặc, liền với tuyến giao thông thủy, bộ Bạc Liêu - Cà Mau.

Ngày 16.10, bà Trương Thị Hạnh - hộ dân ở ấp Cây Trâm A lo lắng: “Phía sau nhà tôi giáp với trại cá sấu, nên phải đóng cửa mỗi tối và không dám ra ngoài, vì sợ cá sấu cắn”. Cùng tâm trạng với bà Hạnh, nhiều người lo lắng chuyện cá sấu (đang tuổi sinh sản, đã đẻ lứa thứ 3) khi thoát ra ngoài môi trường tự nhiên sẽ sinh sôi nảy nở, tấn công vật nuôi và con người.

Ông Nguyễn Văn Trạng là hộ dân có diện tích vườn, ao bị cá sấu của Công ty Quốc Việt sổng chuồng trú ẩn, đang bắt và còn sót. Ông cho biết: Trong quá trình khắc phục sự cố cá sấu sổng chuồng, Công ty Quốc Việt phớt lờ tài sản của người dân xung quanh. Tôi đã làm đơn yêu cầu Công ty bồi thường ao cá nuôi của tôi. Mấy ngày qua, cá sấu nằm dưới ao ăn cá nuôi, thợ săn dùng điện rà cá sấu gây chết cá, thành quả chăn nuôi của tôi bị thiệt hại.

Chính quyền xã Định Bình nói tôi không có căn cứ chứng minh cá nuôi trong ao chết và nếu không cho bắt cá sấu sổng chuồng thì nếu cá sấu gây hại, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vậy, cá sấu sổng chuồng, gây bất ổn trong dân, học sinh phải nghỉ học thì ai phải chịu trách nhiệm?

Nguy cơ cá sấu sổng chuồng

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, đến cuối tháng 7, tổng đàn sấu ở tỉnh này trên 53.600 con, tập trung nhiều ở TP.Cà Mau, các huyện Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi. Về chủ nhân, số cá sấu, có trên 400 hộ được cấp phép gây nuôi, còn khoảng 200 hộ chưa đăng ký cấp phép nuôi, dạng hộ nuôi nhỏ lẻ “xóa đói giảm nghèo”, ở rải rác vùng sâu vùng xa.

Ông Lê Văn Hải cho biết: “Dù còn nhiều hộ chưa đăng ký nhưng việc giám sát, kiểm tra, quản lý vẫn được thực hiện thường xuyên. Kiểm lâm địa bàn nhắc nhở những hộ xây chuồng trại chưa chắc chắn để bà con khắc phục và hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, quy trình xây dựng chuồng nuôi cá sấu chưa được tính đến.

Đồng Nai: Nhiều trại cá sấu nằm trong khu dân cư

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trại, số loài động vật hoang dã gây nuôi là 32 loài với hơn 130.000 cá thể. Trong đó, cá sấu có hơn 75.000 cá thể, chủ yếu tại huyện Định Quán với gần 50.000 cá thể. Riêng tại TP.Biên Hòa có hơn 3.335 cá thể cá sấu, chủ yếu tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài. Tại huyện Định Quán do việc gây nuôi cá sấu tự phát từ trước, nên thiếu sự thống nhất trong các tiêu chuẩn xây dựng chuồng trại giữa các hộ. Việc xây dựng chuồng trại còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi hộ nên vẫn còn hàng chục trại nuôi cá sấu đang nằm xen lẫn trong các khu dân cư.

Ông Đỗ Văn Kiếm ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Tôi đã từng nuôi ba ba, cá lóc, cá sặc rằn… được nhốt khá cẩn thận, song cũng có trường hợp bị sổng ra ngoài tự nhiên. Khi phong trào nuôi động vật hoang dã, hung dữ như cá sấu phát triển thì thế nào cũng bị sổng chuồng nên cần quản lý chặt nếu không khi thoát ra ngoài sẽ rất nguy hiểm”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Phúc – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 1.000 con cá sấu được nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình ở các huyện Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Châu Thành A. Trước khi nuôi, tất cá các chuồng trại đều được xây dựng kiên cố và xin phép của kiểm lâm”.

Theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 54 hộ nuôi cá sấu với tổng đàn hơn 11.000 con. Trong số này, có 2 trại quy mô lớn ở huyện Mộc Hóa (1.600 con) và TP.Tân An (1.500 con).

“Cá sấu được nuôi nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười. Đặc thù vùng này có mùa nước nổi nên ngành kiểm lâm kiểm tra gắt gao chuồng trại, tuyệt đối không để cá sổng chuồng. Ngay đầu mùa lũ, chúng tôi đã kiểm toàn bộ chuồng trại trên địa bàn tỉnh, đến giờ có thể khẳng định sản xuất an toàn” - ông Đức nói. Tuy vậy, nhiều người dân trong vùng vẫn tỏ ra lo lắng vì khi mùa lũ đến, cá sấu có thể tràn ra ngoài sẽ gây rất nhiều nguy hiểm cho dân cư sống quanh đây.

Đối với việc quản lý cá sấu, ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho rằng: “Bộ NNPTNT có quy định nhưng chưa chi tiết, đầy đủ cho từng cá thể, ví dụ như nuôi cá sấu. Sự cố cá sấu sổng chuồng ở Công ty Quốc Việt là doanh nghiệp gây nuôi nhiều, kích cỡ lớn, diện tích rộng. Tôi chưa khẳng định sai sót có thiết kế, có giấy phép xây dựng hay không, cần phải kiểm tra tiếp theo quan sát thực tế”.

Ông Sử cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ cho rà soát lại toàn bộ, từ quản lý thiết kế chuồng trại, chủng loại đến việc phải chấn chỉnh về quản lý... và kiến nghị Bộ NNPTNT bổ sung văn bản quy định cụ thể, đầy đủ, hiệu quả hơn”.

Sẽ sớm xây dựng quy chuẩn an toàn chăn nuôi

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) Nguyễn Bá Ngãi (ảnh) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo NTNN.

Ông Ngãi cho biết: “Việc quản lý trại nuôi các động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được quy định tại Nghị định 82/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, thực tế là các địa phương chưa thực hiện tốt nghị định này. Trước khi xảy ra vụ việc ở Cà Mau, Bộ NNPTNT, Tổng cục Lâm nghiệp… đã chỉ đạo các địa phương rà soát việc thực hiện nghị định này và các quy định liên quan như Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và các văn bản pháp luật khác.

Tuy nhiên, các trại nuôi phải đạt các tiêu chuẩn an toàn ra sao, quy trình đảm bảo an toàn thế nào vẫn chưa được quy định cụ thể. Tới đây, Bộ NNPTNT có quy định thế nào về vấn đề này?

- Tiến tới, chúng tôi sẽ phải ban hành một thông tư hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc gây nuôi cá sấu nói riêng và các động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm khác nói chung. Bộ NNPTNT cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng thông tư này, trong đó quy định rõ về quy chuẩn chuồng trại, quy trình kiểm tra, thống kê kiểm soát… Có thể, vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2013, thông tư được ban hành.

Khi xảy ra những sự cố như ở Cà Mau, cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm, thưa ông?

- Trước hết là đơn vị nuôi nhốt, vì không đảm bảo điều kiện an toàn. Theo quy định hiện nay, bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi có thiên tai, họ cũng phải đảm bảo an toàn chuồng trại. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành ở cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm, vì họ có chức năng giám sát các trại nuôi này. Song trong vụ việc vừa rồi, sự vào cuộc của chủ trại và chính quyền địa phương để xử lý là khá tốt.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem