Dự thảo Bộ luật dân sự: Hàng trăm nghìn lượt ý kiến đóng góp

Ngọc lương Thứ ba, ngày 21/04/2015 15:00 PM (GMT+7)
Ngày 20.4, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo Báo cáo Tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chính lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Bình luận 0

Theo TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp, tổ trưởng tổ biên tập dự thảo Bộ luật Dân sự) cho biết: Tính đến ngày 15.4.2015, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Dân sự. Các nội dung góp ý được Bộ Tư pháp cùng các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để dự kiến tiếp thu, chỉnh lý hoặc giải trình làm rõ hơn những vấn đề được đưa vào hoặc không đưa vào dự thảo bộ luật, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, dự kiến bố cục của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý có 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương.

Vấn đề trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự được dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đề xuất quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc, việc dân sự của công dân vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Tại hội nghị, ông Tống Anh Hào - Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng: Hiến pháp năm 2013 xác định tòa án là cơ quan xét xử, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Các quyền đó đều là quyền dân sự. Để thực hiện việc bảo vệ các quyền đó trách nhiệm thuộc về tòa án, về mặt lý lẽ, tòa không thể từ chối.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm khoa Luật dân sự (Trường ĐH Luật Hà Nội), không chỉ quy định với tòa án mà với các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan đến quyền dân sự của công dân. “Dự thảo luật cần quy định rõ tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm phải giải quyết. Tòa án không được từ chối giải quyết quyền dân sự nếu từ chối sẽ là căn cứ để truy tố thẩm phán. Trong Bộ luật Dân sự nên khẳng định nội dung này”- ông Tuấn nêu quan điểm.

Trước đó, Chính phủ đã đưa ra 10 vấn đề trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cho dự luật, gồm: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem