FPT Telecom chơi trò "ảo thuật" với khách hàng

H.H Thứ năm, ngày 17/07/2014 15:16 PM (GMT+7)
Vẫn biết FPT là một tập đoàn lớn, FPT Telecom là một trong những "gã khổng lồ" của viễn thông Việt Nam, song những gì mà FPT Telecom ứng xử với khách hàng thì quả không tương xứng. Thậm chí, như chơi trò "ảo thuật" với khách hàng...
Bình luận 0
Hướng dẫn một đằng, làm một nẻo

Sau khi tham khảo trên website của FPT Telecom về thủ tục tạm ngưng sử dụng dịch vụ Internet và được hướng dẫn: "Quý khách hàng có thể đến các trung tâm gần nhất của FPT Telecom, đem theo chứng minh nhân dân hoặc hợp đồng hoặc hóa đơn của 2 tháng gần nhất để nhân viên chăm sóc khách hàng làm thủ tục tạm ngưng sử dụng dịch vụ Internet", sáng 11.7, tôi (một khách hàng đến giao dịch với FPT Telecom về việc tạm ngưng sử dụng dịch vụ Internet) đã đem theo hợp đồng, hóa đơn và chứng minh nhân dân đến FPT Telecom - Trung tâm kinh doanh Hà Nội 3 tại 402 Xã Đàn - Hà Nội.

img
Trụ sở FPT Telecom - Trung tâm kinh doanh Hà Nội 3 (402 Xã Đàn - Hà Nội).

Tuy nhiên, sau khi xuất trình các giấy tờ mang theo như trên, tôi được nhân viên ở đây hướng dẫn: "Anh phải đóng thêm 550 nghìn đồng và mang trả thiết bị wifi mới được làm thủ tục tạm ngưng". Tôi hỏi: "Nếu đóng tiền đặt cọc rồi thì cần gì phải mang trả thiết bị?". Nhân viên cho biết: "Đóng tiền đặt cọc rồi vẫn phải mang trả thiết bị. Anh cứ về đọc kỹ hợp đồng đi".

Tôi ra về và "đọc kỹ hợp đồng" theo hướng dẫn của nhân viên FPT. Điều 3 trong Phụ lục hợp đồng quy định: "Bên A cam kết liên tục sử dụng dịch vụ của bên B tối thiểu 18 tháng đối với trường hợp trả sau và trả trước 6 tháng. 24 tháng đối với trường hợp trả trước 12 tháng. Trường hợp bên A hủy hợp đồng trước thời hạn này, bên A có trách nhiệm hoàn trả lại cho bên B toàn bộ số tiền cước khuyến mại đã được giảm trừ theo Giá trị khuyến mại trong bảng kê đã nêu tại điều 1". Điều 4 quy định: "Thiết bị là tài sản của FPT Telecom trang bị cho khách hàng trong thời gian sử dụng dịch vụ và sẽ được thu hồi khi hợp đồng giữa FPT Telecom và khách hàng chấm dứt".

Như vậy, theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng thì không có một quy định nào nói về tạm ngưng dịch vụ phải đóng tiền 550.000 đồng và thu hồi thiết bị.

Bắt chẹt khách hàng

Tuy vậy, chiều 11.7, khi quay trở lại Trung tâm kinh doanh Hà Nội 3, tôi vẫn cẩn thận mang theo thiết bị wifi và tiền để đóng.

Khi đóng tiền và nộp thiết bị, tôi nói với nhân viên ở đây: "Anh biết bọn em chỉ là nhân viên, thực hiện theo quy định của công ty. Mặc dù sáng nay em hướng dẫn về đọc lại hợp đồng, anh về đọc đi đọc lại vẫn không thấy điều khoản nào quy định về tạm ngưng phải nộp tiền và thu hồi thiết bị, nhưng anh vẫn mang tiền và thiết bị để nộp cho bọn em. Anh chỉ đề nghị bọn em cung cấp cho anh quy định về việc này".

Cô nhân viên nói tạm ngưng với hủy hợp đồng cũng là một, đều phải đóng tiền và thu thiết bị (?!). Còn việc cung cấp quy định thì không được, vì đó là … “quy định nội bộ” (?!).

Tôi chất vấn: "Quy định nội bộ sao lại mang ra áp đặt với khách hàng? Em bảo về đọc kỹ hợp đồng đi, thì anh đã đọc, nhưng không hề có quy định nào về việc tạm ngưng. Đến đây hỏi thì em lại bảo quy định nội bộ. Vậy không thể hiểu được cách làm việc của FPT Telecom. Tại sao, lại mang quy định nội bộ ra để bắt chẹt khách hàng, bắt khách hàng đi lại nhiều lần chỉ vì… "quy định nội bộ".

Sau một hồi tranh luận (sau đó có thêm một nhân viên nữa ra tranh luận với tôi), rốt cuộc là tôi "thua". "Thua" là vì vẫn phải nộp tiền và trả thiết bị theo cái "quy định nội bộ" ở đây mà thậm chí tôi cũng không được nhìn thấy chứ đừng nói là được cung cấp. "Thua" là vì nếu không nộp thì sẽ không thể làm thủ tục tạm ngưng, và như vậy vẫn phải trả cước hàng tháng trong khi không sử dụng. "Thua" là vì "khách hàng là thượng đế" nhưng vẫn phải chịu cái lý sự cùn của "thần dân": "Quy định nội bộ" bắt khách hàng phải chịu!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem