Làng ngộ độc chì: “Gắp chì ra khỏi máu” là vẫn chưa đủ

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 29/05/2015 08:14 AM (GMT+7)
Nguồn nước kênh rạch có hàm lượng chì cao gấp 1.000 lần ngưỡng cho phép, 65% trẻ em của cả làng bị ngộ độc chì. Nhưng tình trạng nhiễm độc chì tại làng nghề Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bình luận 0

Cả làng nhiễm độc

Chiều 28.5 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên- Môi trường và UBND tỉnh Hưng Yên đã họp bàn phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng chì Đông Mai. Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết, kết quả khám sức khỏe cho người dân và trẻ em làng nghề cho thấy có tới hơn 65% trẻ em Đông Mai (207/317 em được xét nghiệm) bị nhiễm chì ở mức độ 10- 44,9 mcg/dl. Theo TS Phạm Duệ (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), ngưỡng cho phép của Việt Nam hiện nay là dưới 10mcg/dl. Tuy nhiên, ngưỡng này đã lạc hậu so với thế giới (Mỹ cho phép dưới 5mcg/dl).

img
Đoàn công tác kiểm tra một cơ sở  tái chế chì từ ắc quy hỏng tại thôn Đông Mai.   (Ảnh: Diệu Linh)

Đặc biệt, kết quả giám sát môi trường thôn Đông Mai mới đây cho thấy nguồn nước kênh rạch có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1.000 lần. Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn, trong đó 3/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các mẫu đất cũng có hàm lượng chì cao hơn 10-16 lần giới hạn cho phép, rau trồng trên đất nhiễm chì vượt giới hạn 1,3 lần cho phép.

Sáng 28.5, khi đoàn kiểm tra đi khảo sát, một số cơ sở vẫn đang tái chế chì thủ công từ bình ắc quy hỏng. Rất nhiều nguyên liệu chứa chì phơi ngay trên đường làng. Chị Yến, 41 tuổi, công nhân tái chế chì cho biết chị đã “gắn bó” với chì 25 năm. Mỗi ngày còng lưng bên đống phế liệu độc hại chị Yến được trả 150.000 đồng. Tuy biết chì nguy hiểm với sức khỏe của chị và cả nhà nhưng vì mưu sinh, chị đành phải gắng gượng.

Cần cưỡng chế di dời

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường cho biết, cần phải có các biện pháp mạnh để cưỡng chế 13 hộ tái chế chì thủ công còn lại trong làng Đông Mai. Đồng thời cần xây dựng bản đồ ô nhiễm chì trên toàn xã để cảnh báo, cách ly người dân khỏi các vùng bị ô nhiễm nặng, cấm sử dụng nước, trồng rau trên các vùng ô nhiễm đó. “Có triệt để làm sạch môi trường, hạn chế thấp nhất nguy cơ tiếp xúc với chì của người dân mới có thể dần dần loại bỏ chì ra khỏi đời sống người dân xã Đông Mai. Nếu chỉ “gắp chì ra khỏi máu” thì chưa đủ” – ông Sơn chia sẻ.

Trực tiếp khảo sát tình trạng tái chế chì tại làng Đông Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định thực trạng ô nhiễm làng nghề tại đây rất đáng báo động. Do đó, chính quyền địa phương khẩn trương di dời các cơ sở tái chế chì tại xã ra khu vực tập trung riêng để cắt nguồn gây ô nhiễm, tiến hành thay đất ở một số cơ sở nhiễm chì nặng. Đặc biệt yêu cầu các cơ sở sản xuất tái chế phải có bảo hộ đầy đủ nghiêm ngặt cho công nhân, có khu vực tắm, thay quần áo trước khi về gia đình, giảm thiểu ô nhiễm chì trong gia đình. Khuyến cáo người dân không nên sử dụng thực phẩm nuôi trồng trong khu ô nhiễm...

Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch huyện Văn Lâm cho biết, làng nghề tái chế chì Đông Mai đã tồn tại hơn 30 năm qua. Trước đây có hàng trăm hộ tham gia tái chế chì thủ công ngay tại nhà. Tuy nhiên 3-4 năm nay, được sự vận động, tuyên truyền, hiện cả xã chỉ còn 13 hộ tái chế chì tại nhà trong khu dân cư. Ngoài ra cũng còn 277 người trực tiếp làm nghề tái chế chì.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem