Ngược đời dự án đền bù trước, cấp phép sau ở Bắc Ninh

Trần Thụ - Hải Nam Thứ sáu, ngày 29/05/2015 08:05 AM (GMT+7)
Theo đơn của ông Đỗ Văn Đồng (thôn Trung Bạn) thì việc bồi thường hỗ trợ đất tại cụm công nghiệp này chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (diện tích 48,78ha) đã hoàn thành năm 2008. Và phải đến ngày 16.9.2013 UBND tỉnh Bắc Ninh mới có Quyết định số 335/QĐ- UB thu hồi 7,8 ha đất nông nghiệp (của 2 thôn Trung Bạn và Đông Xuất) để triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Bình luận 0

Nhưng trước đó ngày 18.12.2007, UBND huyện Yên Phong đã “nhanh nhảu” ra Công văn số 481/CV – UBND chỉ đạo dừng canh tác trên diện tích 7,87ha này, chờ quyết định thu hồi đất hợp pháp của UBND tỉnh. Ngày 20.2.2012 UBND xã Đông Thọ gửi tờ trình số 10/TTr – UBND đề nghị các cấp phê duyệt phương án bồi thường theo giá năm 2008. Theo đó mức bồi thường, hỗ trợ chỉ 79.000 đồng/m2. Tổng giá trị bồi thường cho 7,87ha là hơn 5,3 tỷ đồng.

img
Sau khi thu hồi, khu đất 7,8 ha được người dân tận dụng trồng sen. (Ảnh: T.Thụ)

Theo ông Nguyễn Văn Thiểm (nguyên cán bộ địa chính xã), việc áp giá đền bù như vậy là trái với nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của pháp luật hiện thời. “Năm 2013 UBND tỉnh Bắc Ninh mới có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Sông Hồng thì phải tính mức đền bù, bồi thường hỗ trợ theo giá của năm 2013. Do đó mức tiền bồi thường, hỗ trợ là 439.000 đồng/m2. Tổng số tiền trả cho người dân phải là hơn 26,5 tỷ đồng mới đúng”.

Cũng theo ông Thiểm, tháng 10.2007 lãnh đạo địa phương có thỏa thuận với Công ty Sông Hồng hỗ trợ ngoài chính sách 20.000 đồng/m2 đất tạm giao 50.000 đồng/m2 đất chuyên dùng để địa phương bổ sung vào ngân sách. Sau này do khó khăn, Công ty Sông Hồng xin giảm trừ 2 tỷ đồng này và UBND xã Đông Thọ cũng “bất ngờ” giảm trừ 2 tỷ đồng cho Công ty Sông Hồng… gây thiệt hại cho ngân sách.

Trao đổi với NTNN, ông Mẫn Văn Bẩy – Chủ tịch UBND xã Đông Thọ thừa nhận: Chúng tôi nắm bắt luật có mức độ. Ngoài ra, trước khi đền bù, xã đã làm tờ trình xin huyện và huyện đã đồng ý cho thu hồi. Khi chi trả đền bù cũng không có phương án, mãi đến 2012 phương án đền bù mới được hoàn thiện cho… đủ thủ tục. Khi ấy người dân cứ nhận ào ào. “Chúng tôi không ép dân nhận tiền đền bù, suốt từ 2008 đến 2012 người dân cũng không có ý kiến gì”- ông Bẩy nói.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Tuấn Long – Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh) nói: Diện tích 7,8ha là đất… đầu thừa đuôi thẹo nên việc người dân nhận đền bù của doanh nghiệp là do 2 bên tự thỏa thuận (?). Vả lại người dân có đơn đề nghị doanh nghiệp trả đền bù, xã có văn bản đề nghị, huyện đồng ý. Năm 2013 UBND tỉnh chỉ công nhận bồi thường, việc này là đúng theo quy định của Luật Đất đai. Nhưng sau đó, ông Long lại cho rằng: “Phía Công ty Sông Hồng và xã Đông Thọ “có vấn đề”. Văn bản của huyện cho nhận tiền là… có vấn đề. Trong trường hợp này (cho nhận đền bù) phải có văn bản đồng ý của UBND tỉnh”.

Trả lời PV về sự việc này, ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong cho biết: “Sự việc này chúng tôi đã làm hết chức năng, tỉnh cũng đã trả lời rồi. Về mặt chuyên môn, cấp trên trả lời rồi, chúng tôi là cấp dưới thì không thể vượt mặt cấp trên được”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem