Nhức nhối nạn tảo hôn ở A Lưới

AN SƠN Thứ sáu, ngày 27/03/2015 10:00 AM (GMT+7)
Mặc dù chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng vấn nạn tảo hôn ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vẫn hết sức nhức nhối và gây ra nhiều hậu quả…
Bình luận 0

Nhan nhản vợ chồng “nhí”

Năm nay chưa đầy 16 tuổi nhưng em Hồ Thị Hạ đã có con gái gần 1 tuổi. Hạ quê ở xã Hồng Bắc, lấy chồng từ đầu năm 2014. Chồng của Hạ là Hồ Thanh Đa ở thôn 1, xã Hồng Kim. Lúc chúng tôi đến, Hạ đang luống cuống đút cháo cho con ăn. Chị Nguyễn Thị Thanh- mẹ chồng Hạ, thở dài ngán ngẩm: “Chúng không chịu nghe lời người lớn nên giờ phải chịu khổ rứa đó”.

img
Chưa đầy 16 tuổi nhưng Hồ Thị Hạ (trái) đã có con gần 1 tuổi.  An Sơn

Chị Thanh cho biết, cả Hạ và Đa đều nghỉ học từ rất sớm. Cách đây 3 năm, trong một lần đi chơi lễ hội, Hạ và Đa quen rồi yêu nhau. Sau một thời gian quan hệ tình dục sớm, Hạ mang bầu nên hai bên gia đình phải tổ chức đám cưới. “Khi biết con Hạ tuổi còn quá nhỏ, vợ chồng tui đã ngăn cản chuyện yêu đương nhưng chúng không chịu nghe lời. Sau khi cưới, hai đứa chẳng biết làm chi mà ăn, việc chăm sóc con cái cũng không biết nốt”- chị Thanh buồn bã kể.

Bà Nguyễn Thị Tiên, cán bộ dân số xã Hồng Kim cho biết, vài năm trở lại đây ở xã này có hàng chục trường hợp lập gia đình khi còn ở tuổi trẻ con như Hạ. Được bà Tiên dẫn đến nhiều gia đình có con cái tảo hôn trên địa bàn, chúng tôi mới hiểu hết tác hại của vấn nạn này. Những trường hợp tảo hôn đều thất học do lập gia đình sớm, con cái của các cặp vợ chồng trẻ con thường bị suy dinh dưỡng và mắc nhiều bệnh tật do bố mẹ nghèo khó và không biết cách chăm sóc con.

Theo Trung tâm Dân số- kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới, ngoài Hồng Kim, nhiều xã khác trên địa bàn cũng đã và đang xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn, nhất là A Ngo, Đông Sơn, Hương Lâm… Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra gần 280 trường hợp tảo hôn, chiếm gần 10% số cặp kết hôn.

Khó ngăn chặn

Quan điểm

Ông Hồ Thanh Dũng
  Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trên địa bàn chủ yếu do trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ em bỏ học sớm và yêu đương, quan hệ tình dục sớm, trong khi bố mẹ không quan tâm đến con cái”.   
Theo bà Nguyễn Thị Tiên, hàng năm, bản thân bà cũng như các cơ quan, đoàn thể ở xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền về tác hại của tảo hôn nhưng không thể ngăn chặn vấn nạn này. “Khi nghe tin có trường hợp sắp cưới khi vợ hoặc chồng hoặc cả hai chưa đủ tuổi quy định, chúng tôi nhiều lần đến tận nhà tuyên truyền, nhắc nhở nhưng sau đó đám cưới vẫn được tổ chức. Thậm chí, ngay cả khi bị gia đình ngăn cản thì đôi trẻ vẫn kiên quyết lấy nhau”- bà Tiên kể.

 

Theo ông Hồ Thanh Dũng- Chủ tịch UBND xã Hồng Kim, nhiều trường hợp bố mẹ biết rõ con mình tảo hôn nhưng vẫn chấp nhận vì sợ nếu không con họ sẽ tự tử. Những năm qua, chính quyền xã và các thôn đã có chế tài xử phạt đối với những gia đình có con tảo hôn, nhưng do mức phạt chưa đủ sức răn đe nên nạn tảo hôn vẫn liên tiếp xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Mẫn- cán bộ Trung tâm Dân số- kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới cho biết: Từ năm 2013, UBND huyện đã ban hành đề án ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn trên địa bàn giai đoạn 2013- 2017. Đến nay việc thực hiện đề án này đã đạt được một số kết quả nhưng tình trạng tảo hôn vẫn nhức nhối, đơn cử như trong 2 năm 2013- 2014 trên địa bàn vẫn có đến 76 trường hợp tảo hôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem