Phú Yên: Đi lại nhiêu khê và không điện, nước ở khu đóng sửa tàu Đông Tác

Hùng Phiên Thứ hai, ngày 08/12/2014 12:30 PM (GMT+7)
Khu vực đóng sửa tàu thuyền ở Đông Tác (Tuy Hòa, Phú Yên) đang phải chịu lắm cảnh khó về điều kiện làm việc. Đã có nhiều đề đạt và hứa hẹn nhưng rồi “đâu vẫn hoàn đó”. Trong lúc, khu bãi này đang đảm trách đóng mới, sửa chữa khoảng 1.000 tàu thuyền/năm.
Bình luận 0

Đi lại nhiêu khê

Muốn vào khu đóng sửa tàu Đông Tác chỉ có con đường duy nhất là băng qua cổng và phần đất của Công ty Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên (Vinashin Phú Yên, thuộc Tập đoàn Vinashin). Mặc dù Vinashin Phú Yên chẳng còn hoạt động gì đáng kể nhưng người dân đã nhiều lần bị cản trở khi vận chuyển đồ đạc vào trại đóng sửa tàu.

img
Chạy máy nổ để đóng, sửa những con tàu lớn ở Đông Tác (Tuy Hòa). HÙNG PHIÊN
Qua khỏi khu vực Vinashin Phú Yên thì “vấp” ngay đoạn đường cát liên tục bị bồi lở, sụt lún. Ông Nguyễn Tri - một chủ trại sửa tàu ở Đông Tác cho biết: “Chỉ khoảng 1km từ khu dân cư đến trại làm mà quá nhiêu khê. Đi xe máy đã khó, huống hồ khi phải vận chuyển gỗ, thiết bị đóng sửa tàu. Bà con đã nhiều lần tiến hành đắp đường nhưng không thể khắc phục được bởi cứ bị xói lở do việc xây hồ nuôi tôm và nước biển xâm thực, phá đường”.

 

Theo người dân trong vùng, việc chính quyền TP.Tuy Hòa triển khai nạo vét, hút cát trong khu vực cũng làm cho tình trạng xói lở, xâm thực nặng hơn quanh bãi đóng tàu. Bãi này vốn đã chật hẹp, hiện đang phải tiếp nhận thêm nhiều cơ sở mới ở nơi khác di dời đến. Điều kiện làm việc vốn khó khăn, nay lại càng khó thêm…

Không điện, không nước

Quan điểm

Ông Trần Văn Đi
 Việc không chủ động nước ngọt và phải chạy máy nổ đã làm cho giá thành đóng sửa tàu buộc phải nâng lên. Các chủ tàu đành phải gánh chịu…”.  
Việc chưa có điện và nước tại chỗ là nỗi khó triền miên của khu vực này. Gần 10 trại đóng sửa tàu hiện đều phải sử dụng máy nổ để vận hành thiết bị làm việc. Hàng ngày, hàng trăm thợ đóng sửa tàu thuyền phải sống trong cảnh mịt mù khói xăng dầu. Đã vậy, do khó khăn trong vận chuyển nên việc dùng nước ngọt tại đây cũng phải hết sức dè xẻn.

 

Ông Trần Văn Đi - một chủ tàu đang “làm nước” tại đây, nói: “Tàu bè luôn tập trung đóng sửa tấp nập ở bãi này nhưng điều kiện chật hẹp, đi lại khó khăn quá! Việc không chủ động nước ngọt, phải chạy máy nổ đã làm cho giá thành đóng sửa tàu buộc phải nâng lên. Các chủ tàu đành phải gánh chịu…”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Đào Bảo Minh - Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa cho biết, chính quyền đã thấy được vấn đề khó khăn của người dân khu đóng sửa tàu Đông Tác nhưng việc giải quyết đang gặp vướng mắc. Địa phương đã đề nghị tỉnh làm việc với Tập đoàn Vinashin về vấn đề giải quyết, thỏa thuận lối đi cho bà con; sau đó mới có thể đầu tư làm đường tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng sẽ thỏa thuận đưa điện và nước từ khu vực Vinashin Phú Yên ra phục vụ cho bãi đóng sửa tàu thuyền. Tuy nhiên, phía Tập đoàn Vinashin hiện chưa có hồi âm. “Chúng tôi đang tích cực đốc thúc để sớm giải quyết khó khăn về điều kiện hạ tầng cho người dân ở khu đóng tàu thuyền Đông Tác” - bà Minh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem