Tin giả về ung thư lan truyền cực mạnh trên mạng xã hội

Thứ tư, ngày 26/04/2017 09:23 AM (GMT+7)
Khi nhật báo nổi tiếng Independent của Anh phân tích 20 câu chuyện chia sẻ nhiều nhất trong năm 2016 về ung thư, thật bất ngờ khi hơn phân nửa số này lại chứa những thông tin được giới chuyên môn xem là giả. Ấy vậy mà những tin tức đó lại lan truyền cực mạnh trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Tin giả nhưng hại thật

Đáng buồn khi tin giả (fake news) lại được người ta chia sẻ và đọc nhiều hơn tin thật, dù tin thật được cung cấp bởi những hãng tin hoặc tờ báo uy tín, có bằng chứng rõ ràng do nhà khoa học cung cấp.

img

Khám hội chẩn bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Theo các bác sĩ ở đây, cộng đồng ít nhiều vẫn chưa hiểu biết đẩy đủ về bệnh ung thư, chưa kể còn bị nhiễu bởi các "tin giả về sức khỏe".

Giật mình trước điều này, tổ chức uy tín Nghiên cứu ung thư Anh quốc (Cancer Research UK) đã bày tỏ sự lo ngại. TS Rachel Orritt,  người phát ngôn tổ chức nói: “Do Facebook ngày càng được người ta sử dụng như nguồn truy cập tin tức, vì thế các bài báo thất thiệt trên đó cần được ngăn chặn để không cho phát tán những thông điệp gây hại cho sức khoẻ con người”.

Bằng một số cách đơn giản, người ta dễ dàng nhận diện được độ thật, giả của thông tin. Tháng 9.2016, website healtheternally.com đăng một bài báo có tựa đề Bồ công anh mọc dại giúp tăng cường miễn dịch và chữa khỏi ung thư. Đây là bài báo được đọc nhiều nhất trên Facebook năm qua có chứa từ “ung thư” trong tựa đề. Nó có hơn 1,4 triệu lượt chia sẻ, ưa thích và bình luận, gấp bốn lần bài báo đọc nhiều nhất trên website tin tức truyền thống New York Times, nhật báo hàng đầu của Mỹ.

Không có gì ngạc nhiên khi bài báo đó hấp dẫn người đọc vì trong đó trích dẫn ý kiến của TS Carolyn Hamm, nhà khoa học làm việc cho một trung tâm nghiên cứu ung thư của Canada. Hamm nói: “Rễ cây bồ công anh này giúp tăng cường hệ miễn dịch và tạo máu, chữa lành ung thư phổi, tiền liệt tuyến và nhiều bệnh ung thư khác tốt hơn cả phương pháp hoá trị ung thư”.

Tuy nhiên, khi trả lời nhật báo Independent, TS Hamm chia sẻ rõ ràng: “Đến thời điểm này chúng tôi mới ở giai đoạn tìm bệnh nhân thử nghiệm, vẫn còn quá sớm để nói đến… kết quả”.

Đâu chỉ có trang healtheternally.com “tạo sóng dư luận” bằng tin giả, thực tế có hàng trăm website nước ngoài ăn nên làm ra bằng những thông tin kiểu “sốc”, “sến” hoặc mang lại “hy vọng hão huyền” cho bệnh nhân ung thư, căn bệnh ám ảnh của con người thời nay.

Trang realfarmacy.com năm qua cũng làm cư dân mạng dậy sóng với bài báo có tựa đề Một bí mật được hé lộ: Ung thư không phải là căn bệnh mà là trò kinh doanh. Hơn 700.000 lượt người trên Facebook quan tâm đến bài báo này, con số mà nhiều tờ báo tiếng tăm nằm mơ cũng không thấy!

Cũng lạ khi bài báo ngắn ngủi trên lại thu hút sự chú ý của nhiều người vì người ta không biết tác giả là ai và trong đó chỉ có vài chứng cớ vu vơ, không thuyết phục. Vì điều này cơ quan Y tế công cộng Anh quốc (Public Health England) cho rằng tin giả về sức khoẻ lan truyền trên mạng xã hội “có thể gây hại cho người đọc”. Còn tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh quốc xem tin giả về sức khoẻ như “chuyện hoang đường” và kêu gọi có hành động chống lại những website đăng tải thông tin kiểu này.

Kiếm lợi nhờ tin giả

Khi ung thư đang gia tăng ở Việt Nam thì tin giả về bệnh này cũng lan tràn trên mạng như nấm mọc sau mưa.

Trên một trang mạng về y tế sức khoẻ, trong năm 2015 người ta thấy xuất hiện một bài báo giới thiệu công thức chữa khỏi bệnh ung thư của một giáo sư Nga có tên Hristo Mermerski. Công thức chỉ gồm chanh tươi, mật ong, lúa mì nảy mầm, quả óc chó tươi. Sau khi nấu xong, cứ cho người mắc ung thư hoặc các bệnh khác uống là tự khắc mọi bệnh… đều hết.

Quả là một cách chữa bệnh không thể đơn giản hơn, chỉ có điều nếu chịu khó lục lọi trên mạng, người ta biết được Hristo Mermerski là người Bulgaria và công thức chữa bệnh mà ông nghĩ ra chưa từng được nghiên cứu bài bản, cũng như chưa công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào.

Nhưng chẳng hề gì, thực tế những bài viết “cóp nhặt” từ các trang không có giá trị ở nước ngoài rồi dịch sang tiếng Việt như kiểu này lại được lan truyền trên mạng cực nhanh, xuất hiện trên Facebook cá nhân của đủ loại người, từngười quan tâm đến ung thư cho đến người cần thông tin “giật gân” để câu view, bán hàng trên mạng, hoặc người tự nhận mình có năng lực chữa khỏi ung thư… để giúp đời.

Mới đây, trên một Facebook mà chủ nhân cho rằng mình có thể “điều trị hết mọi loại bệnh ung thư”, sau khi chia sẻ những “tin giả về ung thư”. Chủ nhân cho biết đang nhận vài ca ung thư tiến triển và hy vọng sẽ chữa khỏi (!?), nhưng lại không cho biết chữa bằng cách nào.

Thực tế bên cạnh những người có niềm tin đối với “tin giả về ung thư” cũng có không ít người tỏ ra hoài nghi, thậm chí phản bác rất khoa học. Nhưng dù thế nào thì cũng khó biết được ở nước ta đã từng có ai là nạn nhân của những “tin giả” này chưa.Từ năm 2003, GS dược học David Colquhoun của đại học London (University College London) đã gọi đích danh “tin giả sức khoẻ” là “tin vịt” và xem nó là dạng thông tin độc ác có thể giết chết người.

Giết người là có thật. Từ đầu năm nay, blogger khoa học Mark Alsip, người tham gia phong trào chống lại “tin giả sức khoẻ” đã kêu gọi mọi người ngưng chia sẻ những tin độc hại như thế. Mark có trải nghiệm cá nhân vì người chị ông, qua đời vì ung thư, nhưng trước đó từng là nạn nhân của trang mạng Natural News, chuyên sáng chế “tin giả sức khoẻ” độc hại. Cần nói thêm, Natural News có gần 2 triệu người quan tâm và luôn cổ động mọi người dùng thực phẩm chức năng và thực phẩm hữu cơ để phòng mọi loại bệnh, trong đó có… Zika và ung thư!       

Dương Cầm (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem