Vấn đề của "bánh mì bơ"

Đức Hoàng (Dòng đời) Thứ năm, ngày 06/11/2014 07:28 AM (GMT+7)
Bạn có bao giờ nhận ra rằng nếu bạn cố ném một hột ô mai hoặc hạt nhãn qua cửa sổ, thì dù song cửa rất nhỏ so với khoảng trống, nó cũng sẽ thường xuyên đập vào song cửa và bật vào mặt bạn. Bạn có bao giờ nhận ra rằng nếu bạn đánh rơi một chiếc bánh bơ thì mặt có bơ sẽ thường xuyên là mặt chạm đất?
Bình luận 0
1. Bạn có nhận ra rằng tỷ lệ “tự va vào dùi cui/giày/tay” của người dân đối với lực lượng hành pháp ở nước ta cũng đang có xu hướng... cao bất thường như chuyện hạt ô mai va vào song sắt. Dù về logic, thì xác suất để chuyện đó xảy ra đáng lẽ phải rất thấp?

Chuyện “hột ô mai ném qua cửa sổ” hay “bánh mì bơ chạm đất” thực chất là một vấn đề... khoa học. Cũng không phải là vấn đề khoa học nghiêm túc lắm. Nhưng người ta đã nhận thức được nó từ lâu và có nghiên cứu. 

Vấn đề một lát bánh mì bơ khi rơi luôn chạm đất bằng mặt có bơ được nêu ra trên một tờ báo Mỹ vào năm 1835. Kể từ đó, đã có nhiều nghiên cứu lý giải hiện tượng này. Vào năm 1996, một nhà nghiên cứu tại đại học Ashton, Mỹ, đã thả tới 21.000 lát bánh mì bơ để khảo sát và khẳng định rằng tỷ lệ mặt có bơ rơi xuống đất lên tới 61%. Sau đó ông này được nhận giải Ig Nobel – tức là giải “Phản Nobel” vì một công trình khoa học nhảm nhí chẳng giúp ích được gì cho xã hội.
img Phóng viên Hoàng Anh Đức (báo Đại Đoàn Kết) vào bốt CSGT thì phát sinh “hiểu lầm” dẫn đến thương tích trên mặt? (Ảnh: Dân Việt)

Có người duy tâm cho rằng đây là vấn đề của “Luật hấp dẫn” - tức là điều mà ta lo lắng nhất sẽ luôn tự xảy với ta bất chấp các logic. Ném hột ô mai thì trúng song sắt, dù song sắt chỉ rộng vài centimet còn khoảng trống rộng hàng chục centimet; cứ đem áo mưa đi thì trời không mưa và quên áo mưa thì trời lại đổ mưa; cứ vào cuối tuần hẹn hò thì có thời tiết xấu. Và cứ tiếp xúc với cơ quan hành pháp thì tự nhiên bị va chạm lung tung dẫn đến thương tích?

“Điều gì có khả năng sai lạc, sẽ đi sai lạc” - đó là nội dung của một định luật rất nổi tiếng, Định luật Murphy. Người ta cho rằng chuyện bánh mì bơ là một biến thể của định luật Murphy này.
Niềm tin hao hụt bởi vì những tiêu cực đang xảy ra quá nhiều. Những người bảo vệ nhân dân, họ hành xử một cách khó hiểu như là “mở ví người tham gia giao thông để... lấy tờ rơi”; họ đứng nhìn “giang hồ” hành hung người dân ngay trước mắt; và đặt trong bối cảnh ấy, thì những thương tích và ca tử vong bất thường được vô thức xâu chuỗi lại thành một mối nghi ngờ.

2. Ngày 27.10, lại có thêm một vụ “chết trong tư thế treo cổ” ở đồn công an ở tỉnh Bình Thuận, trên người có nhiều vết bầm tím.

Ngày 29.10, một phóng viên của báo Đại Đoàn Kết sau khi vào bốt công an đã phát sinh “hiểu nhầm” khiến anh này phát sinh thương tích. Tất nhiên “hiểu nhầm” là cách diễn đạt của cơ quan công an, còn phía phóng viên khẳng định rằng mình đã bị đánh.

Không thể thống kê hết được danh sách các vụ “bánh mì bơ bị đánh rơi” tương tự. Chúng lặp lại quá nhiều, cả trăm vụ. Những thanh niên tự gây tai nạn tử vong khi gặp lực lượng CSGT; những người treo cổ tự tử và thậm chí tự ngã dẫn đến tử vong trong trụ sở công an; những người tự qua đời vì bệnh tim trong trụ sở công an và trại tạm giam; thậm chí những biến chứng hiếm gặp như phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi, dẫn đến tử vong cũng lặp lại hơn một lần...
Và cũng hơn một lần người dân tự va chạm với dùi cui hoặc thậm chí là... giày của lực lượng hành pháp dẫn đến thương tích. Phần lớn là “hiểu nhầm”.

Tất nhiên đó có thể hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên lặp đi lặp lại, và tạo ra một ấn tượng theo kiểu “bánh mì bơ”. Nhưng tất nhiên, là nó có thể thực sự hàm chứa một điều gì đó đáng để suy ngẫm. Duy tâm một chút, thì có thể, đó chính là “Luật hấp dẫn”, tức là điều mà chúng ta lo lắng nhất sẽ tự có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn.

Nhưng có một thực tế không thể chối được là nếu chúng ta không đánh rơi bánh mì thì sẽ không có mặt nào phải chạm đất cả. Nếu chúng ta lúc nào cũng có thói quen để áo mưa trong cốp xe thì không cần phải lo lắng xem trời có mưa không. Và tất nhiên, hột ô mai có thể tự tay cho vào thùng rác chứ không ném lung tung, thì không cần băn khoăn về xác suất ném trúng song cửa.

Thế thì nếu chúng ta có một cơ chế nào đó, có thể minh bạch hóa hoàn toàn những sự nghi ngờ đối với lực lượng hành pháp trong quá trình thẩm vấn thì sẽ hạn chế được vấn đề “bánh mì bơ” trong hành pháp?

3. Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến của Đoàn luật sư Hà Nội từng đề xuất rằng nếu có điều kiện thì lắp camera ở tất cả các phòng hỏi cung từ cấp xã trở lên. Đó là một ý tưởng hay. Tất nhiên là điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế, nhưng sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho ý tưởng này, và ta sẽ làm được nếu quyết tâm làm.

Nhưng điều quan trọng nhất của “vấn đề bánh mì bơ” chính là thái độ của chúng ta khi quan sát sự kiện - nếu ta không hoài nghi, không đặt ra câu hỏi cắc cớ là “Tại sao” thì vấn đề ấy không tồn tại. Tức là nếu chúng ta có đủ niềm tin với lực lượng hành pháp thì ta sẽ không giật mình mỗi lần nghe những chuyện “ngẫu nhiên thương tích” ấy nữa.

Niềm tin đang thiếu. Niềm tin hao hụt bởi vì những tiêu cực đang xảy ra quá nhiều. Những người bảo vệ nhân dân vẫn đang liên tục đứng ra trước vành móng ngựa và bị kỷ luật vì làm hại nhân dân. Họ hành xử một cách khó hiểu như là “mở ví người tham gia giao thông để... lấy tờ rơi”; họ đứng nhìn “giang hồ” hành hung người dân ngay trước mắt; và đặt trong bối cảnh ấy, thì những thương tích và ca tử vong bất thường được vô thức xâu chuỗi lại thành một mối nghi ngờ.

Vấn đề của những chiếc bánh mì bơ bị đánh rơi không phải vấn đề của toán học, mà là của niềm tin. Thật ra, khi bạn ném một hột ô mai qua cửa sổ hay đánh rơi một chiếc bánh, trong lòng bạn đã tự xác định rằng điều xấu nhất sẽ xảy ra. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem