“DN ngoại mang hàng tới cửa, không lẽ an phận công xưởng gia công?”

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 27/06/2019 13:00 PM (GMT+7)
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) , sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực lớn khi doanh nghiệp quốc tế mang hàng hoá tới cạnh tranh ngay trên sân nhà. Và ông đặt câu hỏi: “Không lẽ chúng ta mãi an phận là công xưởng gia công hay sao?”.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI)

Chia sẻ về sự kiện ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ diễn ra vào 30/6 tới, ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) cho biết: “Thực sự, tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi được biết hiệp định sẽ được ký kết vào cuối tháng này. Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA là một FTA thế hệ mới, hướng tới các chuẩn mực hội nhập cao nhất. Các hiệp định này đều hướng tới sự phát triển bền vững, nhân văn của nền kinh tế hiện đại. Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, EVFTA còn đưa ra yêu cầu thực hiện các công ước về lao động, về bảo vệ môi trường một cách nghiêm khắc”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, châu Âu là một nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới, nơi khởi nguồn của những công nghệ hàng đầu, trung tâm khai sinh ra các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cũng là một trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo toàn cầu.

Ngoài ra, khi Hiệp định EVFTA được ký kết và thực thi, chất lượng dòng chảy thương mại đầu tư vào Việt Nam sẽ được nâng cao bởi chúng gắn với công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.

“Phải nói rằng khi thiết lập được nền tảng thương mại tự do đối với thị trường này, có thể ví như chúng ta đã xây dựng được một tuyến đường cao tốc hướng tây để kết nối nền kinh tế Việt Nam với một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới”, ông Lộc so sánh.

Tuy nhiên, khi nhắc tới khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực, ông Lộc cũng bày tỏ sự lo lắng.

Theo ông, khu vực tư nhân ở Việt Nam hiện đang đóng góp 40% GDP, nhưng chưa đầy 10% GDP được đóng góp bởi khu vực tư nhân trong nước, còn lại 30% GDP được đóng góp bởi các hộ kinh doanh,  khu vực vốn được coi là không chính thức, chưa đảm bảo sự minh bạch, chưa tiếp cận được những tiêu chuẩn quản trị hiện đại của thế giới.

“Chúng ta mới chỉ hiện thực hóa được 40% giá trị từ các FTA mang lại, còn lại bay đi đâu mất, không rõ. Trong 40% đó, doanh nghiệp nước ngoài chiếm hầu như hết giá trị, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 12% giá trị.

Đó là thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, không phải ra thế giới mới cạnh tranh, các doanh nghiệp quốc tế đang đem hàng đến cả sân nhà mình rồi, chúng ta phải cạnh tranh ngay ở sân nhà mình.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên nắm bắt cơ hội, không chỉ cam phận lắp ráp đâu mà phải tỉnh táo. Không lẽ chúng ta mãi an phận là công xưởng gia công hay sao? Cùng sân chơi, cùng cơ hội sao người Việt lại không bằng họ. Chúng ta phải là công xưởng xanh của thế giới, chứ không thể là công xưởng bẩn của thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

img

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Về phía EuroCham, ông Tomaso Andreatta (Phó Chủ tịch EuroCham) cho biết: “Với trọng tâm về thương mại, EuroCham tiếp tục hỗ trợ việc phê chuẩn và thực thi sắp tới của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ mở cửa thị trường, tăng cường thương mại, và giúp Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn cho các công ty Châu Âu ở Đông Nam Á.

Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực để trở thành trung tâm đầu tư và thương mại trong khu vực, vị trí thuận lợi để thu hút vốn FDI từ châu Âu. Về lâu dài, Hiệp định EVFTA tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cho cả các công dân Việt Nam, về phúc lợi xã hội, tiền lương, và tiêu chuẩn, nhờ đó, giúp việc đầu tư vào Việt Nam bền vững hơn”.

Theo EuroCham, ngành hàng rượu vang và rượu mạnh Châu Âu rất ủng hộ một Hiệp định thương mại tư do đầy tham vọng ngay từ những ngày đầu và mong đợi Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cho việc mở cửa thị trường của các bên. EVFTA dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm rượu sau 7 năm. Lộ trình giảm thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng tương tự đối với hàng hóa vận chuyển trực tiếp từ EU tới Việt Nam hoặc hàng hóa được trung chuyển và bảo quản qua một nước thứ 3 miễn là đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ “Không thay đổi”.

Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh mong muốn được tham vấn với các cơ quan hữu quan trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan để thực hiện hiệp định, chia sẻ mối quan tâm và kinh nghiệm của chúng tôi, để làm rõ các yêu cầu về thủ tục và chứng từ liên quan đến cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và đảm bảo thực thi hiệu quả kể từ ngày EVFTA có hiệu lực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem