Doanh nghiệp bị đuổi đánh vì hỗ trợ tháo dỡ trạm sang chiết gas lậu

Khải Huyền Thứ hai, ngày 22/10/2018 19:07 PM (GMT+7)
Quản lý chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng khiến nạn sang chiết lậu gas ngày càng phức tạp. Chưa kể, nhiều trạm chiết nạp gas có mối quan hệ thân thiết với cán bộ địa phương, có doanh nghiệp còn bị đuổi đánh vì dám hỗ trợ tháo dỡ tang vật vi phạm…
Bình luận 0

Tình trạng quản lý kinh doanh khí gas hiện cũng còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp phải liên tục kêu cứu. Giá gas thì tăng liên tục, nhưng trên thị trường, sản phẩm “gas cỏ” tràn lan càng khiến người tiêu dùng lo lắng.

Ông Nguyễn Công Minh, đại diện Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Bắc mới đây chia sẻ, từ năm 2017 đã xảy ra nạn sang chiết lậu, ăn trộm, cắt tai bình gas khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Sau nhiều lần kêu cứu, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương)… đã vào cuộc để xử lý. Nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để và cũng chưa biết khi nào sẽ giải quyết xong.

“Lúc làm việc với cơ quan chức năng, các cán bộ cơ quan công an hỏi tôi bây giờ anh muốn vụ việc được xử lý như thế nào, tôi chỉ muốn xử lý theo quy định pháp luật, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, thậm chí càng ngày càng phức tạp hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

img

Tình trạng sang chiết gas lậu vẫn còn phức tạp dù doanh nghiệp nhiều lần kêu cứu.  (Ảnh minh họa)

Ông Minh cho biết, sản phẩm của các trạm sang chiết lậu này gọi là “gas cỏ”, không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng và gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Lượng gas cỏ trên thị trường hiện đã nhiều hơn sản phẩm gas chân chính, tình trạng này không thể chấp nhận được, cỏ mà nhiều hơn lúa là lỗi của nông dân, ở đây là các cơ quan chức năng!”, ông Minh nhận định.

Để xảy ra tình trạng này, ông Minh cho rằng, đang có sự chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan công an và quản lý thị trường trong xử lý vấn đề sang chiết gas lậu.

Tại hội thảo về “Hàng giả, hàng nhái: thực trạng và giải pháp” tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Minh kể, cách đây hơn chục năm, ông được giao phụ trách thị trường vùng ĐBSCL của một doanh nghiệp kinh doanh gas.

Khi phát hiện có một trạm sang chiết lậu ở Rạch Giá, ông gọi điện cho vị cán bộ quản lý thị trường nơi đây. Vị này nhấn mạnh là sẽ giúp làm quyết liệt vụ này. Tuy nhiên đến chiều, vị quản lý lại gọi lại, bảo ông thông cảm vì trạm này của em một vị trưởng công an trong tỉnh.

“Như vậy, các trạm chiết nạp gas giả, gas lậu này thậm chí có quan hệ với cơ quan quản lý nên việc chống, xử lý khi phát hiện rất khó khăn. Hay như gần đây nhất là hồi tháng 9 vừa qua, khi cán bộ cơ quan chức năng đi kiểm tra thực tế phát hiện một cơ sở sang chiết lậu ở tỉnh Hải Dương và nhờ tôi cử người hỗ trợ kỹ thuật. Khi tôi gửi người xuống để cùng tháo dỡ các tang vật vi phạm thì bị một số cán bộ địa phương cùng thanh niên trong vùng đe dọa, đuổi đánh…”, ông Minh kể thêm.

Một số doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết, nhiều đối tượng lợi dụng các ưu thế về địa lý, vùng hoang vắng ít người qua lại… để sang chiết lậu tại các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… Các khu vực này có khoảng 20 trạm sang chiết gas giả, trong đó có những trạm lớn mỗi tháng sang chiết 300-400 tấn gas, tương ứng hàng chục ngàn bình gas loại 12 kg.

img

Việc sang chiết gas lậu ngày càng tinh vi, phức tạp. Cán bộ chức năng cũng có thể bị các đối tượng đuổi đánh, đe dọa... (Ảnh tư liệu)

Để “ăn chênh lệch” lớn từ việc sang chiết gas trái phép, nhiều đối tượng thường tăng tỉ lệ khí propane cao hơn nhiều so với butane hoặc phối trộn thêm methane, là khí vốn không được phép phối trộn vào gas làm chất đốt… Những sản phẩm này dù có giá “mềm” hơn các sản phẩm gas chất lượng nhưng dễ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Để hạn chế tình trạng trộm, cắt tai vỏ bình gas và sang chiết lậu tại các trạm không đủ điều kiện, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, có hiệu lực từ ngày 1.8.2018.

Nghị định này quy định rõ các thương nhân kinh doanh mua bán khí, các trạm sang chiết gas chai và các cửa hàng bán gas chai phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai. Tuy nhiên, khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn khiến hàng loạt doanh nghiệp tại TP.HCM phải gởi đơn kêu cứu lên Bộ Công thương.

Đại diện một cửa hàng kinh doanh gas trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, hằng tuần, đơn vị này nhập hơn 100 bình gas các cỡ, nếu phải dừng lại để ghi số seri, hạn kiểm định, ngày nhập… sẽ tốn rất nhiều thời gian và nhân công.

Chưa kể, trước cửa hàng của doanh nghiệp này không được phép đậu xe quá lâu, nếu phải chờ nhân công kiểm đếm các thông số trên bình gas, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt lỗi vi phạm các quy định về giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem