Doanh nghiệp lũ lượt trả mặt bằng, Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh"

Khải Phạm Thứ năm, ngày 09/11/2023 06:39 AM (GMT+7)
Cửa đóng, then cài, niêm phong mặt bằng… là những gì dễ dàng bắt gặp khi đến các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, Tp. HCM hiện nay như Vincom, Lotte. Sự "tháo chạy" của kênh bán hàng truyền thống vốn là "xương sống" đã phản ánh rõ tình hình kinh tế, tư duy mua sắm của người dân.
Bình luận 0

Trung tâm thương mại vắng vẻ, nhiều mặt bằng đóng cửa, tìm khách thuê

Trung tâm thương mại (TTTM) vốn là nơi vui chơi, giải trí, mua sắm mà nhiều người tìm đến với đa dạng các ngành hàng, dịch vụ cao cấp. Kênh phân phối truyền thống này từng là xương sống của ngành bán lẻ, nhưng thời gian gần đây, vắng vẻ, đìu hiu, nhiều gian hàng “cửa đóng, then cài", niêm phong, trả lại mặt bằng kinh doanh.

Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh", mặt bằng tìm khách thuê, chuyên gia phân tích nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 1.

Các cửa hàng ở TTTM trả mặt bằng. Ảnh Khải Phạm.

Theo ghi nhận của Dân Việt tại các TTTM lớn như Vincom, Lotte ở khu vực Ba Đình, Cầu Giấy tại Hà Nội, tình trạng vắng khách đến mua sắm đã không còn là chuyện hiếm trong thời gian gần đây, ngay cả dịp cuối tuần.

Các gian hàng tại các TTTM lớn này kinh doanh các mặt hàng thời trang, gia dụng, đồ điện tử… đang gặp tình trạng chung là đóng cửa, trả mặt bằng. Số những gian hàng vẫn còn kinh doanh lại đìu hiu, vắng bóng khách tham quan, mua sắm, trái hẳn với khung cảnh nhộn nhịp những năm trước dù đã bước vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm.

Qua tìm hiểu, hiện nay người dân đã thận trọng hơn trong việc mua sắm, hạn chế chi tiêu, đặc biệt là những mặt hàng không thiết yếu như mua sắm quần áo, đồ gia dụng, điện tử hay mỹ phẩm.

Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh", mặt bằng tìm khách thuê, chuyên gia phân tích nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 2.

Các ngành hàng đồ gia dụng, thời gian kém khách phải đóng cửa. Ảnh Khải Phạm.

Có mặt tại TTTM, gia đình anh Vũ Văn Quân cho biết, năm 2023 do kinh tế khó khăn nên tần suất đi TTTM đã giảm so với năm trước. “Thực ra, chủ yếu chúng tôi cho con đi chơi, còn mua sắm gần như không và cũng hạn chế đi hơn trước rất nhiều", anh Quân chia sẻ.

Hiện nay, hầu hết các gian hàng bán lẻ thời trang, gia dụng, đồ điện tử… ở các TTTM đều triển khai những chương trình ưu đãi, giảm giá lớn đến 50%, nhưng vẫn không thu hút được khách hàng.

Không những vậy, hiện nay người dân đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử nên hạn chế việc đến các TTTM. Thực tế, điều này đã giúp ngành giao hàng phát triển khi không khó bắt mặt những người giao hàng “dải chiếu hàng" ở các tòa nhà văn phòng, chung cư để giao cho khách đặt mua online.

“Từ khi có dịch Covid-19, thói quen mua sắm của tôi thay đổi rõ rệt. Từ việc mua sắm quần áo, gia dụng, đồ điện tử cũng chuyển từ trực tiếp sang online trên Shopee, Tiki hay thông qua livestream… Ở đây, vừa được giao hàng tận nơi, lại có nhiều chương trình giảm giá. Cũng có các gian hàng chính hãng nên nếu biết lựa chọn sẽ không mua phải hàng giả, hàng nhái", chị Phùng Thị Quỳnh Anh chia sẻ.

Nhận định về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trả lại mặt bằng tại các TTTM lớn.

Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh", mặt bằng tìm khách thuê, chuyên gia phân tích nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trả lại mặt bằng tại các TTTM lớn. Ảnh Dân Việt.

“Trước hết, tình hình chung cả nước hiện nay là sức mua kém, giảm sút rõ rệt. Sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, đồng thời giá các mặt hàng hầu hết đã tăng. Người dân cũng đã chuyển dịch sang mua sắm online, có người giao hàng tận nơi, tiết kiệm thời gian. Tiếp theo, giá thuê ở các TTTM cao, lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp đã phải “bán lúa non" để bỏ. Đây là thực trạng đáng buồn của thị trường bán lẻ hiện nay đang diễn ra không chỉ ở TTTM mà còn ở các chợ truyền thống", vị chuyên gia này nói.

Cũng theo chuyên gia Phú, số liệu thống kê từ Tổng Cục thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ 10 tháng năm 2023 tăng trưởng ở mức 7%, trong khi đó thời kỳ hoàng kim luôn ở 2 con số từ 10% trở lên.

Trong thương mại, không thể giải quyết bài toán đầu ra được thì chắc chắn hoạt động sản xuất cũng gặp muôn vàn khó khăn, đó là hiệu ứng dây chuyền.

Ngoài ra, ông Phú cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan đến từ việc chu kỳ hàng hoá. Điển hình như khi mua một chiếc tivi, tủ lạnh sẽ sử dụng được 5-7 năm, do đó thị trường đang ở trong thời kỳ bão hoà.

Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh", mặt bằng tìm khách thuê, chuyên gia phân tích nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 4.

Mùa mua sắm cuối năm, nhưng TTTM vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh Khải Phạm.

“Nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng nhiều gian hàng ở TTTM phải đóng cửa là tình trạng hàng lậu, hàng giả lấn át. Cạnh tranh khốc liệt giữa hàng hóa nội địa và nhập khẩu. Muốn vào các Siêu thị, TTTM, hàng nội địa phải chịu nhiều thuế, phí dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó cho thấy vai trò quản lý nhà nước thực sự cần thiết, nhưng hiện nay lại chưa được phát huy", chuyên gia Vinh Phú chia sẻ.

Phải giải quyết nhiều bài toán nan giải để khôi phục mua sắm tại các TTTM

Thực trạng vắng vẻ ở các TTTM đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm nay.

Theo chị Hoàng Kim Trang, đại diện kinh doanh của một công ty phân phối các thương hiệu nước hoa cho biết, nhiều kế hoạch phải thay đổi trong năm 2023.

“Công ty chúng tôi đang kinh doanh các thương hiệu nước hoa nhập khẩu nổi tiếng và cuối năm ngoái có ý định mở rộng mặt bằng ở Vincom. Tuy nhiên, nhận thấy lượng mua sụt giảm mạnh đến 30-40% so với năm ngoái nên kế hoạch này phải hoãn dù mặt bằng ở đây hiện nay được trả lại khá nhiều".

Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh", mặt bằng tìm khách thuê, chuyên gia phân tích nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 5.

Nhiều vị trí TTTM còn để trống. Ảnh Khải Phạm.

Không chỉ lượng mua giảm, mặt bằng ở trung tâm thương mại lớn như Vincom thường có giá cao hơn bên ngoài và diện tích nhỏ.

“Giữa năm nay, tôi đã tìm hiểu mặt bằng ở Vincom để mở nhượng quyền Mixue. Tuy nhiên, khi so sánh với việc thuê cửa hàng bên ngoài, giá mặt bằng ở Vincom cao hơn khá nhiều và bất tiện khi phải 10h mới có thể mở cửa nên lượng khách sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, tôi đã quyết định thuê cửa hàng bên ngoài để thuận tiện hơn. Đặc biệt, tôi có bán trên app như Grab, Bemin, Be.. nên tài xế vào trung tâm thương mại sẽ ngại hơn là cửa hàng ngoài vì mất thêm tiền gửi xe”, anh Nguyễn Tiến Huy, chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue chia sẻ.

Với những yếu tố trên và sự lo ngại của các doanh nghiệp bán lẻ thì việc vực dậy thị trường bán lẻ ở các TTTM chưa không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều".

Trung tâm thương mại “vắng như chùa bà Đanh", mặt bằng tìm khách thuê, chuyên gia phân tích nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 6.

Các vị trí đẹp ở TTTM cũng đều trả mặt bằng. Ảnh Khải Phạm.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trong ngắn hạn, thị trường bán lẻ tại các TTTM khó có thể phục hồi mà phải tính đến dài hạn mới mong có được kết quả. Để làm được điều đó, chuyên gia này cho rằng cần giải quyết được nhiều bài toán trong thời gian tới.

Đầu tiên, phải tổ chức được sản xuất năng suất cao, chất lượng tốt giá hợp lý là cái gốc của sản xuất - đầu vào của thương mại.

Thứ hai, hệ thống phân phối tại các Siêu thị, TTTM sẽ phải mở rộng cửa đón hàng nội địa để gia tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, cần phải xây dựng được chuỗi cung ứng ngắn để đi từ sản xuất đến bán lẻ để giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Thứ ba, cần thiết phải có cơ chế để việc giao dịch, mua/bán trên thị trường trở nên minh bạch hơn tránh ép cấp, ép giá, đẩy giá và quan trọng phải chống độc quyền ở các Siêu thị, TTTM để phát triển theo phương thức chia sẻ. Cần thiết có sàn giao dịch để Siêu thị sẽ mua ở đó về phân phối để có giá tốt, người nông dân được hưởng và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng hợp lý.

Thứ tư, cần xây dựng kỷ luật sản xuất, kỷ luật thị trường, tính nghiêm minh, công bằng. Doanh nghiệp nào thiếu uy tín, trách nhiệm, gian thương sử dụng chất cấm… cần phải có biện pháp xử lý triệt để. Doanh nghiệp nào bán giá cao hơn thị trường cần phải có cơ chế bắt kéo giá xuống, thu hồi chênh lệch.

Thứ năm, cần phải kiểm soát thị trường, công khai, minh bạch, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, hàng giả/nhái… Đồng thời, cần xây dựng hạ tầng thương mại bao gồm đường giao thông, chợ, siêu thị… để giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, những người thực thi pháp luật cũng cần làm trong sạch, tránh tình trạng bảo kê, tiêu cực.

Thứ sáu, cần luật hoá lợi nhuận trong một chuỗi sản xuất, tiêu dùng. Người nông dân cần phải được hưởng lợi nhuận lớn nhất, nhưng Việt Nam thì ngược lại là đơn vị trung gian bán lẻ.

Ngoài ra, cần phải chống độc quyền trong mọi lĩnh vực có thể ảnh hưởng kinh doanh, bán lẻ để nâng cao sự cạnh tranh.

Chốt lại vấn đề nhằm phục hồi thị trường bán lẻ đang đi xuống như hiện nay, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cốt lõi vẫn là vai trò của quản lý nhà nước cần phải giải quyết được những vấn đề trên trong dài hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem