Doanh nghiệp tặng tiền, thị trường "bánh trung thu" mùa Covid có nguy cơ ế ẩm

Quang Dân Thứ hai, ngày 17/08/2020 13:38 PM (GMT+7)
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, tuy nhiên tại các tuyến phố ở TP. Hà Nội các doanh nghiệp đã dựng ki ốt bán bánh Trung thu trên vỉa hè. Mặc dù là bánh đầu mùa nhưng các cửa hàng đều ế ẩm, vắng bóng người mua.
Bình luận 0

Thị trường bánh trung thu "chậm nhịp" so với mọi năm

Theo ghi nhận của PV Dân Việt sáng 17/8 tại Hà Nội, trên một số tuyến phố như Phạm Hùng, Láng Hạ, Trần Duy Hưng, Lê Đức Thọ... đã xuất hiện gian hàng bày bán bánh trung thu của các công ty kinh doanh bánh kẹo như Kinh Đô, Hữu Nghị.

Mặc dù có hình ảnh, màu sắc bắt mắt nhưng những ki ốt bán hàng này đều trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều ki ốt được dựng ngay cạnh các siêu thị hoặc tòa nhà văn phòng, nơi tập trung nhiều công ty, nhân viên văn phòng, tuy nhiên lượng sàn phẩm được bán ra không nhiều.

Chia sẻ với PV, một nhân viên bán bánh trung thu trên đường Phạm Hùng chia sẻ, mới đầu mùa nên gian hàng dựng lên chủ yếu để giữ chỗ và trưng bày sản sản phẩm phục vụ nhu cầu khách tới tham quan, khảo giá sản phẩm.

Doanh nghiệp tặng tiền, người dân tự học làm bánh, thị trường "bánh trung thu" mùa Covid có nguy cơ ế ẩm - Ảnh 1.

Những gian hàng bán bánh trung thu trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội).

Bên  cạnh đó, công ty cũng chưa tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu, do đó, người mua bánh chủ yếu vẫn là khách nhỏ, lẻ muốn thưởng thức bánh đầu mùa hoặc mua về thắp hương đầu tháng, đón Rằm tháng 7.

"Cao điểm mùa bánh còn hơn 1 tháng nữa, lúc này, các sản phẩm được bày bán đa dạng về hình thức cũng như nhiều phân khúc giá. Công ty cũng có thêm những chương trình khuyến mãi đi kèm, nhiều người mua hàng hơn. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm này năm 2019, phần khách tham quan và hỏi giá sản phẩm rất ít", nhân viên này cho hay.

Theo tìm hiểu, ngoài các loại bánh truyền thống, mùa Trung thu năm 2020, các nhãn hàng còn đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mới như bánh ăn chay, ăn kiêng; dòng sản phẩm bánh thiếu nhi; bánh trung thu nghệ thuật… Giá sản phẩm cỡ nhỏ 120g và 150g dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/chiếc; loại lớn hơn từ 210g - 800g có giá 65.000 - 480.000 đồng/chiếc.

Ngoài ra, những doanh nghiệp khác nhau cũng tung ra những sản phẩm "đinh" riêng biệt để dành thị phần, như Công ty Cổ phần Kinh Đô giới thiệu đến khách hàng dòng bánh răng vàng Black & Gold mới, hướng tới đối tượng khách hàng dùng làm quà biếu, tặng. Trong đó, sản phẩm đắt nhất là hộp 6 bánh đựng trong vỏ hộp có chất liệu sơn mài, có giá 4.500.000 đồng; hộp bánh cộng thiệp 3D và đèn lồng có giá 3.000.000 đồng…

Khách hàng "quên mất" trung thu do dịch Covid -19

Anh H.S.Đ, trình dược viên của một công ty dược chuyên phân phối các dòng sản phẩm thực phẩm chức năng tới nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội cho biết, hằng năm, trung thu và tết là 2 dịp công ty tri ân khách hàng, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh doanh số. Đây cũng là dịp để trình dược viên chăm sóc khách hàng thân thiết, giữ mối quan hệ trong làm ăn.

Dịp này, ngoài chương trình khuyến mãi của công ty, chúng tôi sẽ tặng nhà thuốc bánh trung thu vào tháng 8 và bánh chưng vào dịp tết. Do đó, cứ đến độ này mỗi năm, mọi người tổng hợp số lượng bánh để đặt tại cửa hàng bán bánh nhằm hưởng chiết khấu về giá.

Doanh nghiệp tặng tiền, người dân tự học làm bánh, thị trường "bánh trung thu" mùa Covid có nguy cơ ế ẩm - Ảnh 2.

Đơn giá các loại bánh trung thu năm 2020 của Công ty cổ phần Kinh Đô được dán tại một cửa hàng trên đường Phạm Hùng.

Thế nhưng, trước tình hình hiện tại, cả nhà thuốc nhập hàng và trình dược viên đều khó khăn nên anh Đ. chỉ bán hàng theo chương trình công ty, không tặng kèm thêm bánh, chủ nhà thuốc cũng biết nguyên nhân nên vui vẻ hỗ trợ nhau qua giai đoạn này.

"Bản thân tôi phụ trách thị trường ở quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm với hơn 60 nhà thuốc thân thiết. Tính trung bình mỗi nhà thuốc sẽ tặng 2 chiếc bánh với tổng đơn giá hơn 100.000 đồng, vị chi là hơn 6 triệu đồng. Đổi lại, họ nhập hàng nhiều hơn so với doanh số bán hàng những tháng khác, phần hoa hồng nhận được từ công ty cho phần doanh số chênh lệch này sẽ bù vào số tiền nói trên. Nhưng năm nay, điều kiện không cho phép, tôi chỉ còn cách mong khách hàng của mình thông cảm", anh Đ. nói.

Tương tự, Chị Đ.T.G, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, năm trước, công ty chị tổ chức đêm hội trăng rằm cho toàn thể nhân viên cùng người thân tham gia. Bên cạnh các chương trình văn nghệ, mỗi cháu nhỏ ở các gia đình sẽ được tặng thêm bánh trung thu để làm quà. Tuy nhiên, mùa Trung thu này do dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người nên công ty dự tính sẽ quy quà tặng ra tiền để hỗ trợ thay vì tặng bánh.

Trong khi đó, chị Trần Thị Diễm Lệ (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, dịch bệnh khiến chị ở nhà nhiều hơn, hạn chế ra đường, công việc cũng ít nên chị tự mày mò học cách làm bánh trung thu trên mạng, vừa khuây khỏa thời gian lại vừa thể làm những loại bánh theo khẩu vị mình và người thân thích,vệ sinh, an toàn.

"Bánh làm ra tôi còn biếu, tặng người thân. Sắp tới. tôi còn dự định làm bánh bán online, vừa tiết kiệm được một số tiền mua biếu, lại có thêm thu nhập", chị Lệ cho hay.

Rõ ràng, thị trường bánh trung thu truyền thống mùa Covid đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi tác động tiêu cực của Covi-19 ảnh hưởng đến kinh tế. Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng của người dân đang thay đổi nhằm thích nghi với "bình thường mới", sản phẩm bánh Trung thu tự làm thủ công (handmade) tại những kênh thương mại điện tử hứa hẹn sẽ lên ngôi vì đáp ứng được khẩu vị theo yêu cầu của khách hàng, giao hàng tận nơi, thay vì đến giao dịch tại các ki ốt bán hàng.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem