Doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh: Người đam mê thách thức

Nguyệt Hương Thứ tư, ngày 10/09/2014 14:30 PM (GMT+7)
Trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, người doanh nhân trẻ Phan Quang Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần Hội Tụ Thông Minh-Smartcom (đơn vi thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí - Petrosetco) đã dẫn dắt đội ngũ cán bộ công nhân viên hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu ngay từ những ngày đầu thành lập công ty.
Bình luận 0

Anh là một trong 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao tặng giải thưởng Sao Đỏ cao quý và vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên dương tại Phủ Chủ tịch nhằm tôn vinh những cống hiến của họ đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội đất nước trong những năm vừa qua.

Bằng phong cách trẻ trung, cởi mở, trong buổi trò chuyện cùng phóng viên (PV) báo Năng Lượng Mới, anh Phan Quang Tuấn Anh không ngại ngần bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ cũng như quan điểm trong việc làm kinh doanh của mình.

Bước chân không ngừng nghỉ của chàng thanh niên trẻ

Ít ai biết rằng, trước khi bước chân vào giảng đường Đại học, người doanh nhân này đã từng phục vụ trong quân ngũ. Khi mới chỉ là một thanh niên trẻ, anh đã ý thức được rằng, không có sự trui rèn nào giúp con người kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn môi trường quân đội.

Tại đây, anh đã học tập được rất nhiều, từ việc tạo cho mình thói quen chấp hành kỷ luật, làm việc có phương pháp, thích ứng với mọi môi trường, đến cái cách anh tự đặt ra mục tiêu cho mình, nghiêm khắc tuyệt đối với bản thân,… mà theo anh, tất cả những điều đó đã làm nên nền tảng của con người Phan Quang Tuấn Anh hiện tại: quyết đoán, tự chủ và luôn học hỏi để làm mới bản thân mình.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, khoa Tài chính với tấm bằng loại ưu, như mọi tân sinh viên khác, anh nhanh chóng tìm cho mình một công việc phù hợp nhất.Ngân hàng là ngành đầu tiên anh chọn.Tuy nhiên, sau đó một năm, anh nhanh chóng nhận ra, đây không phải là công việc phù hợp với mình.Từ đó, anh chuyển qua làm kinh doanh với một khởi đầu mới.

Anh kể: “Đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá đã giúp tôi mở mang nhiều trong kỹ năng ứng xử, giao tiếp xã hội.” Được tiếp xúc với nhiều người, từ khách hàng, đối tác cho đến những doanh nhân thành đạt, anh càng nhận ra mình cần phải học tập nhiều hơn nữa. Anh chia sẻ: “Một trong ba yếu tố tạo nên thành công của tôi ngày hôm nay, đó là biết tiếp thu, lắng nghe và học tập.”Anh cho rằng, mỗi người đều có một thế mạnh riêng của mình.Khi chúng ta có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc, hãy tìm kiếm, nhìn vào thế mạnh của họ mà học hỏi. Đó là lý do, cho đến tận bây giờ, khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, Giám đốc của một công ty phân phối điện thoại lớn trên thị trường, anh vẫn luôn biết cách lắng nghe, học tập từ những người đối diện với mình, bất kể họ là đối tác, khách hàng, bạn bè, hay chỉ là một người lao động bình thường, một nhân viên cấp dưới.

Làm nhân viên kinh doanh được hai năm, người thanh niên Phan Quang Tuấn Anh lại tiếp tục tìm kiếm cho mình một cơ hội mới.Đó là vào khoảng năm 2001, khi Tập đoàn Metro Cash & Carry bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam. Một khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp được mở ra để Metro Cash & Carry tìm kiếm, bồi dưỡng thêm những lao động mới ở Việt Nam, những người sau này sẽ trở thành lực lượng quản lý cho chuỗi hệ thống siêu thị Metro trên cả nước. Không một chút do dự, anh ghi danh khóa học và chuyển qua làm quản trị kinh doanh.

Trong khoảng thời gian làm quản lý cho hệ thống Metro, anh bắt đầu tiếp xúc với một ngành nghề mới mà theo trực giác của mình, anh tin rằng đó là ngành sẽ vô cùng phát triển tại Việt Nam trong tương lai. Một lần nữa, anh lại mạo hiểm thay đổi công việc của mình với một thử thách mới, ngành Logistic (được hiểu là cung cấp hậu cần cho doanh nghiệp, quản lý dòng trung chuyển và lưu kho nguyên vật liệu – PV).

Bảy năm tiếp theo đó là khoảng thời gian anh bám trụ với ngành Logistic. Qua những khóa đào tạo trong nước cũng như nước ngoài, những thử thách đầy cam go trong môi trường mới, anh dần tích lũy thêm kiến thức và nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công việc của mình, trở thành một người có hiểu biết chuyên sâu về chuỗi cung ứng thị trường cũng như mảng hậu cần doanh nghiệp.Tuy nhiên, khát vọng vươn lên, chinh phục thử thách của người thanh niên không dừng lại ở đó.

Đến năm 2007, tại Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí - PETROSETCO bắt đầu phôi thai hình thành dự án phân phối điện thoại di động Nokia, và theo đó, xí nghiệp Viễn thông Dầu khí (sau này là công ty Cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí - PSD) ra đời. Với năng lực, kỹ năng hiện có của mình trong ngành Logistic, anh Phan Quang Tuấn Anh đã được ban Tổng giám đốc tín nhiệm giao cho anh vị trí Trưởng phòng Logistic của PSD. Tại đây, anh dường như đã tìm được môi trường đầy thuận lợi cho mình.Bằng kinh nghiệm, khả năng lập kế hoạch bài bản và có những bước đi vững chắc trong khâu quản lý hàng hóa, tối ưu hóa phương pháp vận tải, anh đã chứng minh được năng lực vốn có của mình. Tất cả những đóng góp, nỗ lực của anh đều được Ban Tổng giám đốc ghi nhận, và không lâu sau đó, anh được cất nhắc lên vị trí Phó giám đốc của PSD.

Người doanh nhân đam mê thách thức


Anh kể: “Thời điểm đó Nokia được xem như “ông lớn” trong thị trường ĐTDĐ Việt Nam. Tuy nhiên, đúng lúc ấy tôi chợt nhận ra có rất nhiều thương hiệu nhỏ khác cũng muốn thâm nhập vào thị trường.Nhưng các đối tác của họ không đủ mạnh và không đủ chuyên nghiệp để có thể phân phối cạnh tranh lại với các hãng lớn như Nokia lúc bấy giờ.Tất nhiên, PSD khi đó đã ký hợp đồng độc quyền với Nokia nên không thể phân phối sản phẩm khác.Vì vậy tôi đã đề xuất lên Ban Tổng giám đốc thành lập một công ty mới, nhằm tìm kiếm cơ hội phân phối nhiều thương hiệu khác.”

Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi: “Thời điểm 2011 – 2013 là khoảng thời gian khá khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không thể trụ được, các doanh nghiệp lớn ít nhiều cũng lao vào tình trạng khủng hoảng. Thế nhưng anh lại đề xuất thành lập nên một công ty mới. Như vậy có quá mạo hiểm không?”

Anh trả lời: “Nếu nói về khó khăn, đến thời điểm này, đất nước chúng ta vẫn chưa thoát ra được bối cảnh khó khăn đó. Các doanh nghiệp nói chung và trong ngành phân phối nói riêng vẫn đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong khó khăn luôn có những cơ hội rất tốt mà nếu ta nắm bắt được, cơ hội thành công cũng rất cao. Sự cạnh tranh lẫn nhau trên thương trường sẽ giúp thị trườngsàng lọc một số doanh nghiệp yếu kém, không đủ tầm, để từ đó, chỉ có những doanh nghiệp thực sự lớn mạnh mới có thể trụ vững và tiếp tục phát triển. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của mình, và Tổng công ty cũng đặt nhiều niềm tin vào chúng tôi.Vì thế, tôi càng có quyết tâm, càng có động lực để thực hiện tâm huyết của mình.Và thực tế cũng đã chứng minh, từ năm 2011 – 2013 là khoảng thời gian Smartcom phát triển rất mạnh mẽ.”

Đến đây, anh lại tiếp tục câu chuyện của mình.

Sau khi đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng, Ban Tổng giám đốc cuối cùng đã quyết định xét duyệt đề xuất của anh. Đến tháng 5/2011, công ty Cổ phần Hội Tụ Thông Minh - SmartCom ra đời, và anh trở thành Giám đốc của công ty.

Với sự bắt đầu khá khiêm tốn, nhãn hiệu đầu tiên Smartcom ký hợp đồng là Sony Ericsson.Thời điểm đó, Sony Ericsson đang trên bờ vực phá sản, sản phẩm hầu như không còn chỗ đứng trên thị trường.Điều đó cho thấy tình hình lúc đó vô cùng khó khăn, đặc biệt trong ngành phân phối lại càng khó khăn hơn gấp bội.Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, đồng lòng của tập thể anh em cán bộ công nhân viên công ty, Smartcom vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, ký hợp đồng phân phối thêm với nhiều nhãn hàng khác. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, Smartcom đã trở thành đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Sony, LG, Blackberry, HTC, Gionee, Philips, Pantech, Huawei,…

img

Doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh nhận kỷ niệm chương từ chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ Tịch

Chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình, anh Phan Quang Tuấn Anh tâm sự:“Công ty chúng tôi đề caoba giá trị cốt lõi trong kinh doanh, đó là Prestige (Uy tín) – điều tối quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải có; Profitable (Sinh lời) – được hiểu cả 3 bên công ty, đối tác, khách hàng phải cùng có lợi khi hợp tác và Productivity (Hiệu quả) – đề cao kết quả cuối cùng. Tất cả anh em Smartcom, từ lãnh đạo đến cán bộ công nhân viên đều bắt buộc phải ghi nhớ nằm lòng 3 tiêu chí này. Đây cũng chính là kim chỉ nam trong triết lý kinh doanh của Smartcom.”

 

Theo anh, làm kinh doanh cũng giống như giải một bài toán vậy.“Anh có thể có nhiều cách giải, nhưng quan trọng nhất vẫn là có đáp số đúng. Đối với tôi, anh làm bằng cách này hay cách khác, làm như thế nào,… hoàn toàn không quan trọng, miễn là phải đạt kết quả tốt. Và kết quả tốt là gì?Đó là sinh ra lợi nhuận, không chỉ cho công ty, mà còn phải có lợi cho đối tác và cả khách hàng của mình.Từ đó uy tín của công ty cũng ngày càng được tăng.Như vậy, khách hàng, đối tác tự họ sẽ cảm thấy yêu thích, tin tưởng và mong muốn hợp tác với chúng tôi.Nếu nói đây là bí quyết thì bí quyết kinh doanh của chúng tôi chỉ đơn giản như vậy thôi” – anh cười.

Sự cạnh tranh trên thương trường từ trước đến nay luôn vô cùng khắc nghiệt.Đặc biệt trong lĩnh vực phân phối ĐTDĐ lại càng cạnh tranh khốc liệt hơn.Bên cạnh việc biết tận dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ, anh Phan Quang Tuấn Anh cũng không không ngại chia sẻ về “bí kíp” của mình – một mô hình kinh doanh cải tiến mà Smartcom đang áp dụng.

Làm kinh doanh với một tầm nhìn mới.

“Là một công ty non trẻ vừa mới được thành lập, tất nhiên nếu không có một điểm gì đó khác biệt, Smartcom chắc chắn không thể cạnh tranh lại với các “ông lớn” trong lĩnh vực phân phối điện thoại di động lúc bấy giờ. Có thể nói, thành công của chúng tôi hôm nay là nhờ sự mạnh dạn thay đổi và cải tiến về mô hình phân phối” – anh chia sẽ.

Thông thường, các nhà sản xuấtkhi muốn đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường nào đó cần thông qua một nhà phân phối chính.Nhà phân phối chính sẽ đưa sản phẩm đến các nhà bán sỉ, từ đó phân phối đến các đại lý bán lẻ.Cuối cùng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm tại các đại lý bán lẽ này. Như vậy một sản phẩm từ lúc xuất xưởng cho tới khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua 3 cấp.

“Mô hình phân phối của Smartcom khác biệt ở chỗ, chúng tôi bỏ qua bước trung gian tại các nhà bán sỉ.Sản phẩm của chúng tôi được phân phối trực tiếp đến các đại lý bán lẻ trên toàn quốc mà không thông qua nhà bán sỉ nào.Như vậy chúng tôi sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí từ khâu trung gian này, và tất nhiên, chúng tôi sẽ trích một phần trong số dư đó chia sẻ cho các đại lý bán lẻ.Các đại lý nhận được lợi nhuận nhiều hơn, tất nhiên họ sẽ ủng hộ, hợp tác với chúng tôi.Từ đó chúng tôi dễ dàng xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác mới, giảm bớt đi sự cạnh tranh từ các nhà phân phối khác.”
Tuy nhiên, theo anh phân tích, mô hình này cũng có một số thử thách rất lớn, đó là áp lực về chi phí, nhân sự và bài toánvận tải. Ở mô hình cũ, các nhà bán sỉ sẽ là người giao sản phẩm đến nhà bán lẻ nằm rải rác khắp nơi trên đất nước.Khi Smartcom bỏ qua bước trung gian là các nhà bán sỉ, họ phải trực tiếp giao sản phẩm đến từng đại lý trên cả nước.Đây là một bài toán vận tải cực kỳ khó. Và để giải bài toán này, anh Phan Quang Tuấn Anh đã tính toán, cho đầu tư xây dựng 10 kho hàng tại khắp các tỉnh thành lớn trải dài từ Bắc vào Nam. “Việc đầu tư này tất nhiên sẽ phát sinh chi phí, nhưng khi đó chúng tôi lại đạt được nhiều thuận lợi hơn trong việc giao hàng. Nhờ vậy, với mỗi đơn hàng, chúng tôi hoàn toàn có thể cam kết giao đến tận tay đại lý chỉ trong vòng 24 giờ, bất kể đơn hàng đó nằm ở đâu trên cả nước” – anh giải thích.

Nhưng không chỉ vậy, ở mô hình này còn tồn tại một thách thức khác về mặt nhân sự.Trong khi các nhà phân phối khác chỉ việc giao hàng đến cho một vài nhà bán sỉ, thì chúng tôi lại phải làm việc trực tiếp với hàng ngàn đại lý bán lẻ khác nhau.Như vậy, Smartcom buộc phải có một số lượng nhân viên kinh doanh đáng kể trải dài trên cả nước.Như thế sẽ kéo theo hệ quả là số tiền lương Smartcomphải chi trả sẽ gấp nhiều lần những doanh nghiệp khác.

Trả lời chúng tôi về vấn đề này, anh Phan Quang Tuấn Anh lý giải: “Một khi Smartcom đã xác định sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn trong thị trường phân phối thì cách thức thực hiện của chúng tôi phải thể hiện được điều đó. Từ một sản phẩm rất nhỏ trên thị trường là Sony Ericsson, chúng tôi dần dần phát triển phân phối thêm nhiều thương hiệu khác. Số lượng nhân viên cũng từ đó tăng lên tỷ lệ thuận với những thành công và lợi nhuận chúng tôi đạt được. Ban đầu lượng nhân viên kinh doanh của chúng tôi chỉ có khoảng 20 người, nhưng theo đà phát triển đã tăng dần lên, đến nay đã có khoảng 150 nhân viênkinh doanh sống và làm việc tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Bởi lẽ 1 nhân viên kinh doanh của chúng tôi có thể kinh doanh 1 lúc nhiều sản phẩm, điều đó cũng có nghĩa là chi phí cũng sẽ được chia sẽ giữa các nhãn hàng với nhau. Đây chính là lời giải cho bài toán nhân sự mà chúng tôi đặt ra và đó cũng chính là điều mà tôi tin là tốt nhất cho các hãng nhỏ khi vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam.”

Dựa vào kinh nghiệm của mình, anh khẳng định: không một doanh nghiệp nào dám mạo hiểm kinh doanh 1 nhãn hiệu độc quyền, trừ khi nhãn hiệu đó thực sự lớn mạnh. Còn đối với các thương hiệu nhỏ khác, đây là mô hình phân phối phù hợp nhất mà họ có thể chọn khi muốn chen chân vào thị trường. Anh đặt ra ví dụ: “Anh là một thương hiệu nhỏ và mới muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Anh yêu cầu công ty tôi phân phối độc quyền sản phẩm của anh với 50 nhân viên kinh doanh và 10 kho hàng trên toàn quốc.Chắc chắn tôi sẽ từ chối vì lợi nhuận sẽ không thể bù đắp cho chi phí trong trường hợp này, nguy cơ chúng tôi bị lỗ là rất lớn.Nhưng nếu anh đồng ý để tôi bán sản phẩm của anh cùng với nhiều sản phẩm khác, cũng có nghĩa tất cả 150 nhân viên của tôi đều bán sản phẩm cho anh.Như vậy, tất cả các nhãn hàng đều nhận được lợi ích, và dù muốn hay không họ cũng vui vẻ chấp nhận.”

Và đó chính là cách thức Smartcom trưởng thành, đương đầu với khó khăn thách thức trong những năm qua, để đến hôm nay, tất cả đều có thể thấy đượcdoanh nhân Phan Quang Tuấn Anh và Smartcom đã thực sự thành công với mô hình này.

img

Doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh trong đêm vinh danh 100 doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2014

“Chúng tôi sẽ luôn thay đổi để phát triển”

Đánh giá về “cuộc chiến” giữa dòng máy tính bảng và điện thoại di động cỡ lớn hiện nay, anh Phan Quang Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình:“ Chắc chắn thị trường máy tính bảng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhưng tôi hoàn toàn không cho rằng máy tính bảng sẽ có thể thay thế điện thoại di động. Điện thoại di động sẽ tiếp tục tăng trưởng trong một thời gian dài, công nghệ di động sẽ còn thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta mới chỉ ở một ngưỡng giới nào đó, mà khi vượt qua ngưỡng này, nền công nghệ ĐTDĐ sẽ hoàn toàn phát triển theo một cách khó có thể tưởng tượng được.”

Theo đánh giá của mình, anh cho rằng,trước mắt sẽ có một trào lưu sản phẩm giá rẻ từ các thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường.

Hiện nay, không phải bất cứ ai cũng có đủ khả năng mua một chiếc điện thoại 15 - 16 triệu.Nhưng nhu cầu sử dụng điện thoại di động của mỗi người là như nhau.Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà sản xuất mới buộc phải cho ra đời những sản phẩm với mức giá rẻhơn.Những sản phẩm này, về mặt công nghệ có thể nói không hề thua kém bất cứ nhãn hiệu nổi tiếng nào, họ chỉ thua kém về mặt thương hiệu.“Và tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người lựa chọn những sản phẩm này.Sẽ có ngày càng nhiều thương hiệu mới muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, và đó chính là cơ hội của Smartcom” – anh khẳng định.

Gần cuối câu chuyện, khi chúng tôi hỏi: “Với một người luôn say mê với những khó khăn, thử thách như anh, thì có lẽ kinh doanh điện thoại di động chắc hẳn chưa phải là điểm dừng?” Anh cười lớn: “Kinh doanh phân phối điện thoại di động là ngành có tính cạnh tranh khốc liệt nhất, và chúng tôi đã chứng minh là mình làm được, vậy không có lý gì chúng tôi lại không thử sức mình bằng cách đẩy mạnh thêm nhiều sản phẩm của các ngành nghề khác.”

Quả thật, cung cách hoạt động của Smartcom như một tấm gương phản chiếu con người của vị doanh nhân trẻ này.Slogan của Smartcom thay đổi theo từng năm cũng chính là thể hiện sự vận động thay đổi không ngừng của anh.Năm 2013, anh đặt khẩu hiệu cho công ty mình: “Change to succeed” –“Chúng tôi thay đổi để thành công”. Và đến năm nay, khi Smartcom đã đạt được những kết quả tốt đẹp, anh lại chọn cho mình một khẩu hiệu mới: “Smart working – Smart future”. Anh tin rằng nếu con người làm việc một cách thông minh, họ sẽcó đượcmột tương lai tươi sáng. Và rất có thể trong năm sau, anh lại hướng đến một mục tiêu mới, một slogan mới.

Anh cho biết, định hướng của Smartcom trong 3 năm tới đây là sẽ tiếp tục mở rộng phân phối thêm nhiều mặt hàng khác, có thể đó là ngành điện tử hoặc dược phẩm.Theo anh, đây là hai ngành nghề mà thị trường phân phối ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.Nếu Smartcom có thể nắm bắt cơ hội, mở rộng thêm theo hai ngành này thì công ty sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, anh vẫn sẽ trung thành với mặt hàng chủ lực là điện thoại di động.

“Tôi là một con người luôn học hỏi để hướng đến cái mới, vì vậy tôi không cố định mình trong một hình mẫu hay quy chuẩn nào. Cùng với sự phát triển, thay đổi của xã hội, chúng tôi cũng phải luôn thay đổi để phát triển để thực hiện mục tiêu lớn của mình: đưa Smartcom trở thành một doanh nghiệp phân phối sản phẩm hàng đầu tại Việt Nam” – doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh khẳng định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem