Quỹ Đồng hành nhà nông hỗ trợ hơn 4,3 tỷ đồng cho học bổng “Tiếp sức đến trường” 2019

Phan Lê Thứ sáu, ngày 27/09/2019 11:31 AM (GMT+7)
Kinh doanh dẫu gặp khó khăn đến mấy, nói như ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Chủ tịch Quỹ Đồng hành nhà nông, thì hàng năm Bình Điền và những người bạn doanh nhân của mình vẫn không quên đồng hành cùng chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường”, nơi sẽ giúp nhiều bạn trẻ nghèo hiếu học không bỏ dở giấc mơ tri thức, tự tin đi về phía tương lai.
Bình luận 0

Khó khăn vẫn đồng hành

img

Ông Ngô Văn Đông - TGĐ. Cty CP Phân bón Bình Điền, Chủ tịch quỹ "Đồng hành nhà nông" trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên nghèo vượt khó.

Năm 2019, mặc dù không tổ chức Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” để vận động các doanh nghiệp, doanh nhân cùng chung tay vì sự nghiệp giáo dục, nhưng Công ty cổ phần phân bón Bình Điền vẫn sát cánh với chương trình trao học bổng này thông qua Quỹ “Đồng hành nhà nông” vừa được sáng lập cách đây chưa lâu. Nhờ số tiền hơn 4,3 tỷ đồng từ quỹ, đã có thêm 300 tân sinh viên nghèo hiếu học các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên và TP.HCM được trao cho cơ hội đến với các giảng đường đại học (mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng, trường hợp đặc biệt là 15 triệu đồng).

img

Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, đồng thời là Chủ tịch Quỹ “Đồng hành nhà nông” - cho biết tình hình kinh doanh của ngành phân bón Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với các chương trình thiện nguyện mang ý nghĩa nhân văn và giúp đời, giúp người như trao học bổng “Tiếp sức đến trường” thường niên vẫn được công ty duy trì.

“Mỗi suất học bổng cấp cho các em tuy không lớn, nhưng chúng tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ nhỏ này cùng với quyết tâm và nghị lực vượt khó, các em sẽ vượt qua khó khăn ban đầu để hoàn thành tốt các năm học đại học của mình. Mong rằng sau khi ra trường, các bạn có công việc làm ổn định hãy quay trở lại tiếp sức cho đàn em đi sau để ngày càng có nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến với giảng đường đại học mà họ hằng mong ước. Ở một góc nhìn khác, chính những tấm gương hiếu học và luôn mạnh mẽ vươn lên như thế đã truyền động lực cho giới doanh nhân chúng tôi không phải đắn đo suy nghĩ khi trao những suất học bổng cho các bạn trẻ”, ông Ngô Văn Đông nhấn mạnh.

Ngân sách của Quỹ “Đồng hành nhà nông” được trích từ chi phí Marketing của công ty, đồng thời từ đóng góp của những nhà hảo tâm trong và ngoài nước, sử dụng cho các hoạt động từ thiện xã hội, hỗ trợ cho bà con nông dân nghèo trong cả nước. Cho nên, ngay cả khi đã thay đổi tên gọi, thì mục đích giúp đỡ, hỗ trợ tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn được xem như sứ mệnh của những tấm lòng hảo tâm luôn vì lớp trẻ giàu tri thức nhằm góp sức cho quê hương, đất nước.

Chiếc phao cứu sinh giữa đời…

img

Tối 21/9, khán phòng Trung tâm văn hoá Đắk Lắk bất chợt lặng đi trong lời kể đứt quãng và nghẹn ngào của cô tân sinh viên người M’Nông - Thị Phượng vừa đậu ngành Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trước ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, cha Phượng đột ngột qua đời, bỏ lại người vợ cực nhọc gồng gánh nuôi 3 con với vài trăm cây cà phê ở vùng đất cằn cỗi và đang mất mùa.

Nhưng cái khó không cản được khát vọng, vì với Thị Phượng, sức mạnh mà mẹ truyền cho luôn là động lực thúc đẩy chị em cô dấn bước: “Chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mình”. Mẹ nhất quyết không cho chị em họ nghỉ học chỉ với lý do duy nhất như vậy, cho nên chị gái của Phượng tiếp tục theo học năm cuối ngành Ngữ văn của Trường ĐH KHXH&NV, còn còn cô em gái út đang học THCS ở Đắk Lắk.

Thị Phượng thừa nhận cô chọn ngành công tác xã hội vì mong muốn truyền được thông điệp đến những người con gái ở buôn làng mình phải thoát khỏi tập tục bỏ học sớm, lấy chồng, sinh con: "Mình muốn thay đổi suy nghĩ cố hữu ở quê nhà rằng con gái phải bỏ học, lấy chồng. Con gái hay con trai, dù ở vùng sâu vùng xa cũng đều phải có tri thức để xây dựng cuộc sống của mình, quê hương mình tốt hơn".

Trong khi đó, tân sinh viên Y Mâu Ayun (Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM) luôn xác định chỉ có việc học mới thay đổi cuộc đời bản thân. Nhà Y Mâu ở buôn Ea Nhái (xã Ea Knuếch, Krông Pắk, Đắk Lắk) không có nương rẫy và ba mẹ đau yếu nên chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê, buôn bán trái cây lặt vặt. Khó khăn, thiếu thốn nhưng Y Mâu không đầu hàng số phận. Để duy trì việc học tập, mỗi lúc rảnh Y Mâu đều đi kiếm việc làm thêm như phát cỏ cà phê, bưng bê ở quán cà phê, quán nhậu hoặc tranh thủ phụ giúp ba mẹ thu mua trái cây…

Hai tân sinh viên người dân tộc thiểu số của vùng đất Tây Nguyên nhận được 2 suất học bổng đặc biệt (15 triệu đồng/suất), sẽ bớt đi một phần gánh nặng cho gia đình trong năm học đầu tiên. Với họ, chỉ cần được “tiếp sức” như thế là đủ để tạo thành động lực lớn lao cho cả một chặng đường dài còn đầy khó khăn ở phía trước.

Quan trọng là cánh cửa giảng đường Đại học đã mở ra với họ, một bầu trời tri thức rộng lớn đang chờ đợi chinh phục… nhờ chính những tấm lòng nhân ái hơn 10 năm qua đã đồng hành cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trong chương trình “Tiếp sức đến trường” để có được gần 50 tỷ đồng trao hơn 8.000 suất học bổng. Sự hỗ trợ quý báu ấy giống như một chiếc phao cứu sinh giữa dòng đời, trao niềm tin để các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn không gục ngã, mà mạnh mẽ vươn lên cùng ước mơ nghề nghiệp của mình…

Chương trình trao học bổng năm 2019 của Quỹ “Đồng hành nhà nông”:

1-Trao học bổng cho các tân sinh viên 13 tỉnh ĐBSCL (ngày 14/9/2019 tại TP Cần Thơ, THTT trên Đài TH Cần Thơ (CT43).

2-Trao học bổng cho các tân sinh viên các tỉnh Tây Nguyên (Ngày 21/9/2019 tại Tp Buôn Ma Thuộc, THTT trên Đài PTTH Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông).

3-Trao học bổng cho các tân sinh viên các tỉnh Đông Nam Bộ (Dự kiến vào lúc 18 giờ ngày 4/10/2019 tại TP HCM, THTT trên kênh HTV).

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem